Mức thù lao công chứng tại mỗi tỉnh có giống nhau hay không? Thu thù lao công chứng cao hơn mức thù lao đã niêm yết thì sẽ bị xử phạt như thế nào?
Mức thù lao công chứng tại mỗi tỉnh có giống nhau hay không?
Căn cứ theo Điều 67 Luật Công chứng 2014 quy định về thù lao công chứng như sau:
Thù lao công chứng
1. Người yêu cầu công chứng phải trả thù lao khi yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc soạn thảo hợp đồng, giao dịch, đánh máy, sao chụp, dịch giấy tờ, văn bản và các việc khác liên quan đến việc công chứng.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành mức trần thù lao công chứng áp dụng đối với các tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương. Tổ chức hành nghề công chứng xác định mức thù lao đối với từng loại việc không vượt quá mức trần thù lao công chứng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành và niêm yết công khai các mức thù lao tại trụ sở của mình. Tổ chức hành nghề công chứng thu thù lao cao hơn mức trần thù lao và mức thù lao đã niêm yết thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm giải thích rõ cho người yêu cầu công chứng về thù lao công chứng.
Theo đó, mức thù lao công chứng tại mỗi tỉnh trên cả nước sẽ có sự khác nhau vì mức trần thù lao công chứng ở mỗi nơi sẽ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành. Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm xác định mức thù lao đối với từng loại việc không vượt quá mức trần thù lao công chứng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.
Ví dụ như mức trần thù lao công chứng đối với việc soạn thảo di chúc tại tỉnh Gia Lai là 50.000 đồng/trường hợp; còn tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thì lại được chia làm 02 trường hợp: đối với soạn thảo di chúc đơn giản thì mức trần thù lao công chứng sẽ là 70.000 đồng/trường hợp, còn nếu soạn thảo di chúc phức tạp thì sẽ là 300.000 đồng/trường hợp.
Mức trần thù lao công chứng (Hình từ Internet)
Thu thù lao công chứng cao hơn mức thù lao đã niêm yết thì sẽ bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ theo điểm đ khoản 2 Điều 16 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định cụ thể về việc xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng như sau:
Hành vi vi phạm quy định về hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng
...
2. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không đăng báo nội dung đăng ký hoạt động theo quy định;
b) Không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định;
c) Không có biển hiệu theo quy định;
d) Không lập sổ trong hoạt động công chứng theo quy định;
đ) Thu thù lao công chứng cao hơn mức trần do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành hoặc cao hơn mức thù lao đã niêm yết; thu chi phí khác cao hơn mức chi phí đã thoả thuận;
e) Thu phí công chứng không đúng theo quy định;
g) Không thực hiện chế độ làm việc theo ngày, giờ làm việc của cơ quan hành chính nhà nước;
h) Niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản không đúng thời hạn hoặc địa điểm hoặc nội dung theo quy định;
i) Không chia sẻ thông tin lên phần mềm cơ sở dữ liệu công chứng về nguồn gốc tài sản, tình trạng giao dịch của tài sản và các thông tin khác về biện pháp ngăn chặn được áp dụng đối với tài sản có liên quan đến hợp đồng, giao dịch do công chứng viên của tổ chức mình công chứng;
k) Không thông báo bằng văn bản danh sách cộng tác viên phiên dịch của tổ chức hành nghề công chứng cho Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở;
l) Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp không bảo đảm mức phí tối thiểu hoặc không đúng thời hạn hoặc không đầy đủ cho tất cả công chứng viên của tổ chức mình theo quy định;
m) Đăng ký hoạt động không đúng thời hạn theo quy định.
Lưu ý: Theo khoản 5 Điều 4 Nghị định 82/2020/NĐ-CP thì mức phạt tiền được quy định trên đây được áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức. Trường hợp cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 lần mức phạt tiền đối với tổ chức.
Theo đó, nếu tổ chức hành nghề công chứng thu thù lao công chứng cao hơn mức thù lao đã niêm yết thì có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Các chi phí khác khi thực hiện yêu cầu công chứng do ai quy định?
Căn cứ theo Điều 68 Luật Công chứng 2014 quy định về các chi phí khác trong hoạt động công chứng như sau:
Chi phí khác
1. Trường hợp người yêu cầu công chứng đề nghị xác minh, giám định hoặc thực hiện công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng thì người yêu cầu công chứng phải trả chi phí để thực hiện việc đó.
Mức chi phí do người yêu cầu công chứng và tổ chức hành nghề công chứng thỏa thuận. Tổ chức hành nghề công chứng không được thu chi phí cao hơn mức chi phí đã thỏa thuận.
2. Tổ chức hành nghề công chứng phải niêm yết rõ nguyên tắc tính chi phí khác và có trách nhiệm giải thích rõ cho người yêu cầu công chứng về các chi phí cụ thể đó.
Theo đó, các chi phí khác trong hoạt động công chứng thì sẽ do người yêu cầu công chứng và tổ chức hành nghề công chứng thỏa thuận. Tổ chức hành nghề công chứng không được thu chi phí cao hơn mức chi phí đã thỏa thuận.
Chi phí khác ở đây được áp dụng đối với việc yêu cầu công chứng đề nghị xác minh, giám định hoặc thực hiện công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lệ phí cấp Giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là bao nhiêu theo quy định mới?
- Thanh toán tiền thuê phòng nghỉ tại nơi đến công tác theo hình thức khoán được thực hiện như thế nào?
- Không nộp tiền sử dụng đất nhưng không bị thu hồi đất trong trường hợp nào? Áp dụng bảng giá đất để tính tiền sử dụng đất trong trường hợp nào?
- Giấy tờ tài liệu nào thuộc phạm vi thực hiện số hóa theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan thuế?
- Đăng tải thông tin tiết lộ nội dung hồ sơ mời thầu trước thời điểm phát hành trái quy định pháp luật bị xử phạt vi phạm hành chính bao nhiêu tiền?