Môi giới hối lộ trong đầu tư công có phải là hành vi vi phạm pháp luật không? Hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Môi giới hối lộ trong đầu tư công được hiểu như thế nào?
Hiện nay, theo Bộ luật Hình sự, Luật hành chính công hay những Bộ luật khác có liên quan cũng không có quy định cụ thể để giải thích hành vi môi giới hối lộ là như thế nào.
Tuy nhiên, môi giới hối lộ có thể hiểu là hành vi làm trung gian giữa người nhận hối lộ và người đưa hối lộ theo yêu cầu của một trong hai bên hoặc của cả hai bên để làm hoặc không làm một việc có lợi cho người đưa hối lộ.
Và theo khoản 15 Điều 4 Luật Đầu tư công 2019 thì đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án và đối tượng đầu tư công khác theo quy định.
Như vậy, có thể hiểu môi giới hối lộ trong đầu tư công là hành vi làm trung gian giữa người nhận hối lộ và người đưa hối lộ trong những hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án và đối tượng đầu tư công.
*Lưu ý: Những nội dung trên đây chỉ mang tính chất tham khảo.
Môi giới hối lộ trong đầu tư công (Hình từ internet)
Môi giới hối lộ trong đầu tư công có phải là hành vi vi phạm pháp luật không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 16 Luật Đầu tư công 2019 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư công như sau:
Các hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư công
1. Quyết định chủ trương đầu tư không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; không xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
2. Quyết định đầu tư chương trình, dự án khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư hoặc không đúng với các nội dung về mục tiêu, phạm vi, quy mô, vượt tổng vốn đầu tư của chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Quyết định điều chỉnh tổng vốn đầu tư của chương trình, tổng mức đầu tư của dự án trái với quy định của pháp luật về đầu tư công.
3. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt, vụ lợi, tham nhũng trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
4. Chủ chương trình, chủ đầu tư thông đồng với tổ chức tư vấn, nhà thầu dẫn tới quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án gây thất thoát, lãng phí vốn, tài sản của Nhà nước, tài nguyên của quốc gia; làm tổn hại, xâm phạm lợi ích hợp pháp của công dân và của cộng đồng.
5. Đưa, nhận, môi giới hối lộ.
6. Yêu cầu tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư khi chương trình, dự án chưa được quyết định chủ trương đầu tư, chưa được phê duyệt, gây nợ đọng xây dựng cơ bản.
7. Sử dụng vốn đầu tư công không đúng mục đích, không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức theo quy định của pháp luật.
8. Làm giả, làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu, liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện chương trình, dự án.
9. Cố ý báo cáo, cung cấp thông tin không đúng, không trung thực, không khách quan ảnh hưởng đến việc lập, thẩm định, quyết định kế hoạch, chương trình, dự án, theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm trong triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án.
10. Cố ý hủy hoại, lừa dối, che giấu hoặc lưu giữ không đầy đủ tài liệu, chứng từ, hồ sơ liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện chương trình, dự án.
11. Cản trở việc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư công.
Theo quy định trên thì hành vi hối lộ, môi giới hối lộ là một trong những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm trong đầu tư công.
Do đó, hành vi môi giới hối lộ trong đầu tư công là hành vi vi phạm pháp luật. Người có hành vi môi giới hối lộ trong đầu tư công sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Hành vi môi giới hối lộ trong đầu tư công có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 365 Bộ luật Hình sự 2015 về tội môi giới hối lộ như sau:
Tội môi giới hối lộ
1. Người nào môi giới hối lộ mà của hối lộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Biết của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Của hối lộ trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc trường hợp của hối lộ trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Phạm tội thuộc trường hợp của hối lộ trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.
6. Người môi giới hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
7. Người nào môi giới hối lộ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này.
Theo đó, nếu người nào có hành vi môi giới hối lộ trong đầu tư công mà của hối lộ trị giá từ 2.000.000 đồng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội môi giới hối lộ với khung hình phạt lên đến 15 năm tù tùy vào tính chất và mức độ vi phạm.
Ngoài ra, người môi giới hối lộ trong đầu tư công còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.
Tuy nhiên, người môi giới hối lộ trong đầu tư công mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cá nhân buôn bán hàng hóa nhập lậu có giá trị dưới 3.000.000 đồng thì sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn dưới 50 triệu đồng có phải ký hợp đồng? Nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn được xét duyệt trúng thầu khi nào?
- Cổng Dịch vụ công quốc gia được kết nối với hệ thống nào? Thông tin nào được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia?
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự có thời hạn bao lâu? Trường hợp nào được ủy quyền đứng tên trong Giấy chứng nhận?
- Trạm y tế được giới thiệu, chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh chữa bệnh khác trong trường hợp nào?