Mẫu Báo cáo công tác kiểm tra giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng? Nguyên tắc thi hành kỷ luật trong Đảng?
Mẫu Báo cáo công tác kiểm tra giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng?
Tại Điều 3 Quy định 22-QĐ/TW năm 2021 có giải thích về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng như sau:
(1) Kiểm tra của Đảng là việc các tổ chức đảng xem xét, đánh giá, kết luận về ưu điểm, khuyết điểm hoặc vi phạm của cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
(2) Giám sát của Đảng là việc các tổ chức đảng quan sát, theo dõi, nắm bắt, xem xét, đánh giá, kết luận hoạt động nhằm kịp thời nhắc nhở để cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên được giám sát chấp hành nghiêm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước và khắc phục, sửa chữa hạn chế, khuyết điểm, vi phạm (nếu có).
Hình thức giám sát có giám sát thường xuyên và giám sát theo chuyên đề; giám sát chuyên đề khi cần thiết thì thực hiện thẩm tra, xác minh.
(3) Thi hành kỷ luật trong Đảng là việc các tổ chức đảng có thẩm quyền thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng và đảng viên có vi phạm đến mức phải xử lý bằng một trong những hình thức kỷ luật được quy định tại khoản 2, Điều 35 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011.
Tham khảo Mẫu Báo cáo công tác kiểm tra giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng:
TẢI VỀ Mẫu Báo cáo công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng
Lưu ý: Mẫu báo cáo trên chỉ mang tính chất tham khảo
Mẫu Báo cáo công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng? (Hình từ Internet)
Việc thi hành kỷ luật trong Đảng phải tuân thủ những nguyên tắc nào?
Nguyên tắc thi hành kỷ luật trong Đảng được quy định tại Điều 9 Quy định 22-QĐ/TW năm 2021 như sau:
(1) Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm kỷ luật phải được xử lý công minh, chính xác, kịp thời; tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng, nếu vi phạm đến mức phải kỷ luật đều phải xử lý kỷ luật nghiêm minh.
(2) Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết, không được xử lý nội bộ. Nếu làm thất thoát tài chính, tài sản của Đảng, Nhà nước, của tổ chức, cá nhân thì phải xem xét trách nhiệm và bồi hoàn.
(3) Đảng viên sau khi chuyển sinh hoạt đảng sang tổ chức đảng mới, nếu phát hiện hoặc bị tố cáo có vi phạm kỷ luật ở nơi sinh hoạt đảng trước đây mà chưa được xem xét, xử lý thì do tổ chức đảng cấp trên của các đảng bộ nơi quản lý đảng viên trước đây và hiện nay xem xét, xử lý hoặc chỉ đạo tổ chức đảng cấp dưới xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
(4) Việc thi hành kỷ luật phải căn cứ nội dung, mức độ, tính chất, tác hại, ảnh hưởng, nguyên nhân vi phạm, hoàn cảnh cụ thể và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ để xem xét, quyết định cho phù hợp và phải chịu trách nhiệm về quyết định đó. Nếu hết thời hiệu thì không xem xét, xử lý kỷ luật.
(5) Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể hoặc việc xử lý bằng pháp luật và ngược lại (trừ trường hợp có quy định khác). Tổ chức đảng sau khi xem xét, xử lý hoặc chỉ đạo việc xem xét, xử lý về kỷ luật đảng, phải chỉ đạo hoặc đề nghị ngay với các tổ chức có trách nhiệm xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể hoặc xử lý hình sự cho đồng bộ, kịp thời.
Khi các tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội đình chỉ công tác hoặc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, hội viên, đoàn viên là đảng viên thì phải chủ động thông báo ngay cho tổ chức đảng quản lý đảng viên đó để xem xét, xử lý kỷ luật đảng. Sau khi giải quyết khiếu nại kỷ luật về Đảng, nếu có thay đổi hình thức kỷ luật thì tổ chức đảng có thẩm quyền chỉ đạo việc xem xét lại hình thức kỷ luật về hành chính, đoàn thể.
(6) Đối với đảng viên là cấp ủy viên các cấp hoặc cán bộ thuộc diện cấp ủy các cấp quản lý đã nghỉ hưu, nếu phát hiện có vi phạm khi đang công tác thì thẩm quyền thi hành kỷ luật của các tổ chức đảng được thực hiện như đang đương chức; nếu có vi phạm khi đã nghỉ hưu thì do tổ chức đảng quản lý đảng viên đó xử lý kỷ luật theo thẩm quyền.
(7) Đảng viên vi phạm đang trong thời gian mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, bị bệnh nặng thì chưa xem xét, xử lý kỷ luật. Trường hợp đảng viên vi phạm đã qua đời tổ chức đảng xem xét, không xử lý kỷ luật, trừ trường hợp có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng.
(8) Tổ chức đảng quyết định kỷ luật oan, sai đối với đảng viên phải thay đổi hoặc hủy bỏ quyết định đó, đồng thời tự phê bình, kiểm điểm, rút kinh nghiệm; nếu vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì cấp ủy hoặc ủy ban kiểm tra cấp trên xem xét, quyết định.
(9) Đảng viên chính thức vi phạm nghiêm trọng đến mức phải khai trừ thì phải kỷ luật khai trừ, không áp dụng biện pháp xoá tên, không chấp nhận việc xin ra khỏi Đảng.
(10) Đảng viên dự bị vi phạm đến mức phải kỷ luật thì kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo, khi hết thời hạn dự bị, chi bộ vẫn tiến hành xét công nhận đảng viên chính thức. Nếu vi phạm đến mức không còn đủ tư cách đảng viên thì xoá tên trong danh sách đảng viên.
(11) Khi kỷ luật một tổ chức đảng phải xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với những đảng viên vi phạm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu tổ chức đảng.
(12) Đảng viên bị kỷ luật oan, sai phải được xin lỗi và phục hồi quyền lợi. Việc xin lỗi và phục hồi quyền lợi thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị.
Có bao nhiêu hình thức xử lý kỷ luật Đảng viên?
Hình thức xử lý kỷ luật Đảng viên được quy định tai khoản 2 Điều 35 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011 như sau:
Điều 35
1. Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm kỷ luật phải xử lý công minh, chính xác, kịp thời.
2. Hình thức kỷ luật:
- Đối với tổ chức đảng: khiển trách, cảnh cáo, giải tán;
- Đối với đảng viên chính thức: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ;
- Đối với đảng viên dự bị: khiển trách, cảnh cáo.
Đối chiếu với quy định trên, tùy vào từng trường hợp vi phạm sẽ có các hình thức xử lý kỷ luật Đảng viên khác nhau như sau:
- Đối với đảng viên chính thức: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ;
- Đối với đảng viên dự bị: khiển trách, cảnh cáo.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Không có tạm trú làm thẻ căn cước ở thành phố HCM được không? Không có tạm trú thì thông tin về nơi cư trú thẻ căn cước là gì?
- Hội đồng thẩm định giá phải có ít nhất bao nhiêu % thành viên? Nguyên tắc hoạt động của hội đồng thẩm định giá là gì?
- Ai có thẩm quyền thành lập Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính?
- Hóa đơn điện tử của cơ quan thuế cấp theo từng lần phát sinh có bắt buộc phải có chữ ký số của người mua không?
- Cơ sở sản xuất con dấu được trực tiếp giao con dấu nào cho khách hàng? Trách nhiệm về việc đảm bảo các điều kiện về an ninh, trật tự?