Mang thai từ tháng thứ 7 có được miễn trực ca đêm? Nếu được miễn mà vẫn trực, người lao động sẽ được tính lương như thế nào?
Công ty sắp xếp trực đêm thì người lao động có được từ chối?
Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 5 Bộ luật Lao động 2019 quy định về quyền và nghĩa vụ của người lao động như sau:
Quyền và nghĩa vụ của người lao động
...
2. Người lao động có các nghĩa vụ sau đây:
...
b) Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động;
...
Căn cứ điểm g khoản 1 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019 được hướng dẫn bởi Chương II Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH quy định nội dung hợp đồng lao động như sau:
Nội dung hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
...
g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
...
Theo đó, khi giao kết hợp đồng lao động, các bên cũng đã phải thỏa thuận rõ ràng về thời giờ làm việc bởi đây là một trong những nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng lao động.
Cụ thể, căn cứ khoản 7 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trong nội dung hợp đồng lao động như sau:
Nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động
...
7. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi: theo thỏa thuận của hai bên hoặc thỏa thuận thực hiện theo nội quy lao động, quy định của người sử dụng lao động, thỏa ước lao động tập thể và quy định của pháp luật.
Theo đó, các bên có thể thỏa thuận cụ thể về thời gian làm việc hoặc thỏa thuận thực hiện theo nội quy chung hoặc theo sự sắp xếp của người sử dụng lao động.
Do đó, khi được bố trí làm việc vào ban đêm, người lao động phải chấp hành sự chỉ đạo của người sử dụng lao động mà không được quyền từ chối.
Mang thai từ tháng thứ 7 có được miễn trực ca đêm? Nếu được miễn mà vẫn trực, người lao động sẽ được tính lương như thế nào?
Mang thai tháng thứ 7 có được miễn trực ca đêm?
Căn cứ Điều 106 Bộ luật Lao động 2019 quy định về giờ làm việc ban đêm:
Giờ làm việc ban đêm
Giờ làm việc ban đêm được tính từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau.
Mặc dù đây đáng lẽ là thời gian nghỉ ngơi của nhiều người nhưng để đảm bảo việc sản xuất kinh doanh được xuyên suốt, nhiều doanh nghiệp cũng phải sắp xếp nhân viên làm việc cả vào ban đêm.
Dù vậy, pháp luật lao động cũng có những quy định phù hợp để đảm bảo sức khỏe cho người lao động mang thai, đang nuôi con nhỏ. Căn cứ khoản 1 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 quy định về chế độ bảo vệ thai sản như sau:
Bảo vệ thai sản
1. Người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp sau đây:
a) Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;
b) Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý.
...
Theo đó, người lao động sẽ được miễn trực đêm nếu thuộc môt trong các trường hợp sau:
(1) Mang thai từ tháng thứ 7 trở đi.
(2) Mang thai từ tháng thứ 06 đối với người làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
(3) Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Có được ép người đang mang thai tháng thứ 7 trực đêm không?
Trường hợp vợ bạn đang mang thai tháng thứ 7 thuộc trường hợp được miễn trực ca đêm. Nếu cố tình ép những người lao động trên làm trực đêm, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể tại điểm a khoản 2 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới như sau:
Vi phạm quy định về lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới
...
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Sử dụng người lao động mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo làm thêm giờ hoặc làm việc ban đêm hoặc đi công tác xa;
...
Căn cứ khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần như sau:
Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần
1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Như vậy, nếu cố tình ép những người lao động trên làm trực đêm, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 - 20 triệu đồng đối với cá nhân và 20 - 40 triệu đồng đối với tổ chức.
Nếu vẫn trực đêm, người lao động được tính lương thế nào?
Căn cứ khoản 2, khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 được hướng dẫn bởi Điều 56 Nghị định 145/2020/NĐ-CP và Điều 57 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm như sau:
Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm
...
2. Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
...
Như vậy, người đang mang thai tháng thứ 7 thuộc trường hợp được miễn làm việc vào ban đêm nhưng nếu có nhu cầu thì vẫn được làm việc.
Làm việc vào ban đêm có thể đem đến những ảnh hưởng nhất định tới sức khỏe của người lao động. Chính vì vậy mà pháp luật cũng dành thêm ưu đãi về tiền lương theo quy định trên cho người lao động làm việc vào ban đêm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tên quốc tế của thành phần của hàng hóa trên nhãn hàng hóa được phép ghi bằng ngôn ngữ khác không phải tiếng Việt khi nào?
- Kinh doanh các loại pháo bao gồm những gì? Cơ sở kinh doanh các loại pháo cần phải có phương án bảo đảm an ninh trật tự không?
- Bấm biển số xe máy trên VNeID được không? Lệ phí bấm biển số xe máy trên VNeID là bao nhiêu?
- Chữ ký số ký ngoài giờ hành chính có giá trị pháp lý không? Điều kiện của chữ ký số là gì?
- Đề minh họa thi đánh giá năng lực Đại học Sư phạm Hà Nội 2025 kèm đáp án chính thức thế nào?