Mắc những loại bệnh nào thì người có giấy phép lái xe hạng A1 không được phép điều khiển xe máy tham gia giao thông?
Người có giấy phép lái xe hạng A1 chỉ được điều khiển những loại xe gì?
Việc phân hạng giấy phép lái xe được quy định tại Điều 16 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT như sau:
Phân hạng giấy phép lái xe
1. Hạng A1 cấp cho:
a) Người lái xe để điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3;
b) Người khuyết tật điều khiển xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật.
2. Hạng A2 cấp cho người lái xe để điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh từ 175 cm3 trở lên và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1.
3. Hạng A3 cấp cho người lái xe để điều khiển xe mô tô ba bánh, các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1 và các xe tương tự.
...
Theo đó, người có giấy phép lái xe hạng A1 chỉ được điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3.
Đối với người khuyết tật thì giấy phép lái xe hạng A1 có thể dùng để điều khiển xe mô tô ba bánh chuyên dùng cho người khuyết tật.
Mắc những loại bệnh nào thì người có giấy phép lái xe hạng A1 không được phép điều khiển xe máy tham gia giao thông? (Hình từ Internet)
Mắc những loại bệnh nào thì người có giấy phép lái xe hạng A1 không được phép điều khiển xe máy tham gia giao thông?
Điều kiện của người tham gia giao thông được quy định tại Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008 như sau:
Điều kiện của người lái xe tham gia giao thông
1. Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ quy định tại Điều 60 của Luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái.
...
Dẫn chiếu Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định như sau:
Tuổi, sức khỏe của người lái xe
...
2. Người lái xe phải có sức khỏe phù hợp với loại xe, công dụng của xe. Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khoẻ của người lái xe.
Theo quy định thì người tham gia giao thông phải đảm bảo đủ sức khỏe để phù hợp với loại xe, công dụng của xe mà mình điều khiển.
Tiêu chuẩn đối với người lái xe có giấy phép lái xe hạng A1 được quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT như sau:
Tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe
1. Ban hành kèm theo Thông tư này “Bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe” tại Phụ lục số 01.
2. Bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe quy định tại Khoản 1 Điều này không áp dụng cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi - lanh dưới 50 cm3.
Dựa theo bảng tiêu chuẩn sức khỏe đối với người lái xe được quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT, thì người có một trong 07 tình trạng bệnh, tật sau đây thì không đủ điều kiện để lái xe:
(1) Đang rối loạn tâm thần cấp.
(2) Rối loạn tâm thần mạn tính không điều khiển được hành vi.
(3) Liệt vận động từ hai chi trở lên.
(4) Thị lực nhìn xa hai mắt <4/10 (kể cả điều chỉnh bằng kính).
(5) Nếu còn một mắt, thị lực <4/10 (kể cả điều chỉnh bằng kính).
(6) Rối loạn nhận biết 03 màu cơ bản: đỏ, vàng, xanh lá cây.
(7) Cụt hoặc mất chức năng một bàn tay hoặc một bàn chân và một trong các chân hoặc tay còn lại không toàn vẹn (cụt hoặc giảm chức năng).
Bên cạnh những loại bệnh trên thì khi đang trong 02 tình trạng sau, người có giấy phép lái xe hạng A1 cũng không được điều khiển xe máy:
- Sử dụng các chất ma túy.
- Sử dụng chất có cồn nồng độ vượt quá giới hạn quy định.
Lưu ý: Bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT không áp dụng cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi - lanh dưới 50 cm3.
Người lái xe có những trách nhiệm gì khi thực hiện khám sức khỏe định kỳ?
Trách nhiệm của người lái xe khi khám sức khỏe định kỳ được quy định tại Điều 10 Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT, cụ thể như sau:
(1) Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh, tật của bản thân và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin đã cung cấp khi khám sức khỏe.
(2) Tuân thủ các hướng dẫn, chỉ định của nhân viên y tế trong quá trình thực hiện khám sức khỏe.
(3) Phải chủ động khám lại sức khỏe sau khi điều trị bệnh, tai nạn gây ảnh hưởng đến việc lái xe.
(4) Chấp hành yêu cầu khám sức khỏe định kỳ, đột xuất của cơ quan quản lý nhà nước về y tế hoặc cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) hoặc của người sử dụng lao động.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Viết đoạn văn thể hiện tình cảm của em đối với người thân chọn lọc? Đặc điểm môn Ngữ Văn trong chương trình GDPT 2018 là gì?
- Người sử dụng dịch vụ bưu chính cung cấp thông tin về bưu gửi không đầy đủ theo yêu cầu của dịch vụ sẽ bị xử phạt bao nhiêu?
- Danh sách người bán hàng online vi phạm quyền lợi người tiêu dùng được niêm yết tại đâu? Thời hạn công khai danh sách?
- Tiền bồi thường về đất ở không đủ so với giá trị của một suất tái định cư tối thiểu thì được Nhà nước hỗ trợ thế nào theo Luật Đất đai mới?
- Biên tập viên hạng 1 lĩnh vực xuất bản chỉ đạo việc phối hợp giữa biên tập viên các bộ phận nào để bản thảo đi in đạt yêu cầu chất lượng xuất bản phẩm?