Lao động thử việc có được bồi thường do tai nạn lao động không? Mức tiền lương làm căn cứ tính bồi thường được tính thế nào?
Tai nạn lao động được hiểu như thế nào?
Căn cứ tại khoản 8 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 giải thích về tai nạn lao động như sau:
Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
Lao động thử việc có được bồi thường do tai nạn lao động không? Mức tiền lương làm căn cứ tính bồi thường được tính thế nào? (Hình từ Internet)
Lao động thử việc có được bồi thường do tai nạn lao động không?
Căn cứ Khoản 1 Điều 2 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 quy định:
Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; người thử việc; người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động.
Bên cạnh đó, tại điểm a khoản 1 Điều 3 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH có quy định như sau:
Bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
1. Các trường hợp được bồi thường:
a) Người lao động bị tai nạn lao động làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết do tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người lao động này gây ra; trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 4 của Thông tư này.
Theo đó, người lao động đang thực hiện hợp đồng thử việc thuộc đối tượng áp dụng của Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015.
Như vậy, trong thời gian thử việc nếu có tai nạn lao động xảy ra và làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết do tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của người thử việc thì người sử dụng lao động có trách nhiệm phải bồi thường một khoản tiền cho người thử việc bị tai nạn lao động.
Mức tiền lương làm căn cứ tính bồi thường tai nạn lao động cho lao động thử việc được tính thế nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 5 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH quy định về tiền lương làm căn cứ thực hiện bồi thường, trợ cấp và trả cho người lao động nghỉ việc do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:
Tiền lương làm căn cứ thực hiện bồi thường, trợ cấp và trả cho người lao động nghỉ việc do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
1. Tiền lương làm căn cứ thực hiện bồi thường, trợ cấp quy định tại Điều 3, Điều 4 Thông tư này và tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc điều trị, phục hồi chức năng theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi xảy ra tai nạn lao động hoặc trước khi bị bệnh nghề nghiệp. Nếu thời gian làm việc, học nghề, tập nghề, thử việc, tập sự không đủ 6 tháng thì tiền lương làm căn cứ thực hiện bồi thường, trợ cấp là tiền lương được tính bình quân của các tháng trước liền kề thời điểm xảy ra tai nạn lao động hoặc thời điểm xác định bị bệnh nghề nghiệp.
Theo đó, người đang thử việc không đủ 6 tháng thì tiền lương làm căn cứ thực hiện bồi thường, trợ cấp là tiền lương được tính bình quân của các tháng trước liền kề thời điểm xảy ra tai nạn lao động hoặc thời điểm xác định bị bệnh nghề nghiệp.
Như vậy, tiền lương làm căn cứ tính khoản bồi thường khi lao động thử việc bị tai nạn lao động là tiền lương trung bình của các tháng thử việc trước thời điểm xảy ra tai nạn lao động.
Doanh nghiệp không chuẩn bị đồ bảo hộ cho người lao động bị phạt thế nào?
Căn cứ tại khoản 8 Điều 22 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm quy định về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:
Phạt tiền đối với người sử dụng lao động không trang cấp hoặc trang cấp không đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân hoặc có trang cấp nhưng không đạt chất lượng theo quy định; không thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật hoặc bồi dưỡng bằng hiện vật thấp hơn mức theo quy định; trả tiền thay cho bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại theo một trong các mức sau đây:
- Từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
- Từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
- Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
- Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Đồng thời, tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định mức phạt tiền quy định trên là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, nếu doanh nghiệp không chuẩn bị đồ bảo hộ cho người lao động sẽ bị xử phạt từ 06- 60 triệu đồng tùy theo số lượng người lao động. Nếu là cá nhân sử dụng lao động sẽ bị phạt từ 03 - 30 triệu đồng tùy theo số lượng người lao động.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Biên tập viên hạng 1 lĩnh vực xuất bản chỉ đạo việc phối hợp giữa biên tập viên các bộ phận nào để bản thảo đi in đạt yêu cầu chất lượng xuất bản phẩm?
- Quán net được mở đến mấy giờ? Quán net không được hoạt động từ 22 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau đúng không?
- Thành viên trong nhóm người sử dụng đất muốn chuyển nhượng đối với phần quyền sử dụng đất của mình thì xử lý như thế nào?
- Kinh phí khuyến công quốc gia đảm bảo chi cho những hoạt động khuyến công do cơ quan nào thực hiện?
- Người nộp thuế có được yêu cầu cơ quan quản lý thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của mình không?