Lao động nữ làm công việc cắt vải trong công nghệ may khi mang thai có được giảm bớt giờ làm không?
- Cắt vải trong công nghệ may có thuộc Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không?
- Lao động nữ làm công việc cắt vải trong công nghệ may khi mang thai có được giảm bớt giờ làm không?
- Công ty không giảm bớt giờ làm đối với lao động nữ làm công việc cắt vải trong công nghệ may khi mang thai có thể bị phạt bao nhiêu tiền?
Cắt vải trong công nghệ may có thuộc Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không?
Theo Mục X Phụ lục Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành kèm theo Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH quy định thì cắt vải trong công nghệ may thuộc Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Cắt vải trong công nghệ may có đặc điểm điều kiện lao động là đứng suốt ca làm việc, căng thẳng thị giác và mệt mỏi thần kinh; chịu tác động của hơi nóng và bụi bông (Điều kiện lao động loại IV).
Lao động nữ làm công việc cắt vải trong công nghệ may khi mang thai có được giảm bớt giờ làm không?
Theo khoản 2 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Bảo vệ thai sản
1. Người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp sau đây:
a) Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;
b) Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý.
2. Lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
3. Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
Trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới.
4. Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Theo quy định lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Như vậy, lao động nữ làm công việc cắt vải trong công nghệ may khi mang thai có thể được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương.
Lao động nữ làm công việc cắt vải trong công nghệ may khi mang thai có được giảm bớt giờ làm không? (Hình từ Internet)
Công ty không giảm bớt giờ làm đối với lao động nữ làm công việc cắt vải trong công nghệ may khi mang thai có thể bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo điểm c khoản 2 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới
...
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Sử dụng người lao động mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo làm thêm giờ hoặc làm việc ban đêm hoặc đi công tác xa;
b) Sử dụng người lao động đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm thêm giờ hoặc làm việc ban đêm hoặc đi công tác xa, trừ trường hợp được người lao động đồng ý;
c) Không thực hiện việc chuyển công việc hoặc giảm giờ làm đối với lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai mà người lao động đã thông báo với người sử dụng lao động biết theo quy định tại khoản 2 Điều 137 của Bộ luật Lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác;
d) Không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác;
...
Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định mức phạt tiền này là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, trường hợp công ty không giảm bớt giờ làm đối với lao động nữ làm công việc cắt vải trong công nghệ may khi mang thai mà người lao động đã thông báo với công ty biết theo quy định thì có thể bị xử phạt tiền từ 20 đến 40 triệu đồng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Biên tập viên hạng 1 lĩnh vực xuất bản chỉ đạo việc phối hợp giữa biên tập viên các bộ phận nào để bản thảo đi in đạt yêu cầu chất lượng xuất bản phẩm?
- Quán net được mở đến mấy giờ? Quán net không được hoạt động từ 22 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau đúng không?
- Thành viên trong nhóm người sử dụng đất muốn chuyển nhượng đối với phần quyền sử dụng đất của mình thì xử lý như thế nào?
- Kinh phí khuyến công quốc gia đảm bảo chi cho những hoạt động khuyến công do cơ quan nào thực hiện?
- Người nộp thuế có được yêu cầu cơ quan quản lý thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của mình không?