Kiểm toán nội bộ là gì? Việc kiểm toán nội bộ được thực hiện dựa trên nguyên tắc nào, nhằm mục tiêu gì?
Kiểm toán nội bộ là gì?
Kiểm toán nội bộ
Điều 62 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 quy định về kiểm toán nội bộ như sau:
"1. Kiểm toán nội bộ là đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước, thực hiện kiểm toán nội bộ và kiểm soát nội bộ Ngân hàng Nhà nước.
Điều 3 Thông tư 06/2020/TT-NHNN còn quy định về hoạt động kiểm toán nội bộ như sau:
"3. Hoạt động kiểm toán nội bộ là việc kiểm tra, đánh giá, xác nhận của Kiểm toán nội bộ Ngân hàng Nhà nước về mức độ phù hợp và tính hiệu lực, hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ; mức độ trung thực, hợp lý của các thông tin tài chính, thông tin quản lý và tính tuân thủ, hiệu quả hoạt động của đơn vị được kiểm toán, từ đó kiến nghị các biện pháp khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm hoặc đưa ra ý kiến tư vấn nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ, giúp đơn vị hoạt động an toàn, đúng pháp luật và đạt được các mục tiêu đã đề ra."
Theo quy định trên, hoạt động kiểm toán nội bộ có thể hiểu là hoạt động kiểm tra, đánh giá, giám sát quy trình hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ, được thực hiện bởi Kiểm toán nội bộ Ngân hàng Nhà nước, nhằm hoàn thiện, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của hệ thống.
Hoạt động kiểm toán nội bộ thực hiện dựa trên nguyên tắc nào?
Nguyên tắc tiến hành kiểm toán nội bộ được thực hiện dựa trên những nguyên tắc tại Điều 3 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 và Điều 14 Thông tư 06/2020/TT-NHNN, gồm:
- Bảo đảm tính độc lập, trung thực, khách quan, công khai, minh bạch.
- Tuân thủ pháp luật, quy định, quy trình nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước; chấp hành chương trình, kế hoạch kiểm toán được Thống đốc phê duyệt.
- Không can thiệp hoặc làm cản trở hoạt động bình thường của đơn vị được kiểm toán; bảo vệ bí mật nhà nước và bí mật của đơn vị được kiểm toán.
- Thống đốc là người quyết định cuối cùng về các vấn đề còn ý kiến khác nhau giữa các đơn vị liên quan đến hoạt động kiểm toán nội bộ Ngân hàng Nhà nước.
Mục tiêu của việc kiểm toán nội bộ là gì?
Hoạt động kiểm toán nội bộ được thực hiện nhằm những mục tiêu được quy định tại khoản 3 Điều 63 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 và Điều 13 Thông tư 06/2020/TT-NHNN, gồm:
- Đánh giá mức độ phù hợp và tính hiệu lực, hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ, hiệu quả hoạt động kiểm soát nội bộ của đơn vị được kiểm toán.
- Đánh giá việc tuân thủ pháp luật và các quy định, quy trình nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước về các thông tin tài chính, tài sản, thông tin quản lý và hiệu quả hoạt động của đơn vị được kiểm toán.
- Thông qua kiểm toán kiến nghị, tư vấn với đơn vị được kiểm toán các biện pháp khắc phục tồn tại, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm soát nội bộ, đảm bảo an toàn tài sản, hoạt động đúng pháp luật và đạt được các mục tiêu.
Hành vi nào không được thực hiện đối với hoạt động kiểm toán nội bộ?
Điều 17 Thông tư 06/2020/TT-NHNN quy định một số hành vi bị cấm thực hiện trong hoạt động kiểm toán nội bộ đối với từng cơ quan khác nhau, cụ thể:
(1) Đối với Vụ Kiểm toán nội bộ, Trưởng Đoàn và các thành viên Đoàn kiểm toán:
- Sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đơn vị được kiểm toán.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi.
- Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động bình thường của đơn vị được kiểm toán.
- Thông đồng, móc nối với đơn vị được kiểm toán để làm sai lệch nội dung của các thông tin được kiểm toán.
- Nhận hối lộ.
- Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật của đơn vị được kiểm toán; tiết lộ thông tin, tình hình và kết quả kiểm toán khi chưa được ban hành hoặc công bố chính thức.
- Báo cáo sai lệch, không đầy đủ kết quả kiểm toán.
- Thực hiện các hành vi khác trái với quy định của pháp luật và của Ngân hàng Nhà nước.
(2) Đối với đơn vị được kiểm toán và các tổ chức, cá nhân có liên quan:
- Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu (bao gồm cả thông tin, tài liệu có độ mật) liên quan đến kế hoạch, nội dung kiểm toán theo yêu cầu của Vụ Kiểm toán nội bộ, Đoàn kiểm toán nội bộ.
- Cản trở, gây khó khăn cho công việc kiểm toán nội bộ.
- Báo cáo sai lệch, không trung thực, không đầy đủ, không kịp thời hoặc thiếu khách quan các thông tin, số liệu liên quan đến nội dung kiểm toán nội bộ.
- Mua chuộc, hối lộ Đoàn kiểm toán.
- Che giấu các hành vi vi phạm pháp luật về tài sản, tài chính, ngân sách.
- Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật và của Ngân hàng Nhà nước.
Pháp luật hiện hành nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán nội bộ.
Như vậy, hoạt động kiểm toán nội bộ có vai trò quan trọng trong việc giám sát, đánh giá hoạt động kiểm soát nội bộ, được thực hiện theo những nguyên tắc cụ thể. Bên cạnh đó, pháp luật còn quy định rõ những trường hợp bị cấm thực hiện trong hoạt động kiểm toán nội bộ đối với từng cơ quan có thẩm quyền liên quan để từ đó đề ra những biện pháp xử lý thích hợp.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cổng Dịch vụ công quốc gia được kết nối với hệ thống nào? Thông tin nào được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia?
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự có thời hạn bao lâu? Trường hợp nào được ủy quyền đứng tên trong Giấy chứng nhận?
- Trạm y tế được giới thiệu, chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh chữa bệnh khác trong trường hợp nào?
- Liên hệ bản thân về 19 điều Đảng viên không được làm? Liên hệ bản thân về những điều Đảng viên không được làm?
- Nhân viên y tế học đường là gì? Mức hỗ trợ phụ cấp cho nhân viên y tế học đường hiện nay là bao nhiêu?