Kiểm sát viên có phải có mặt trước khi phiên Tòa bắt đầu hay không? Vắng mặt Kiểm sát viên thì có được phép hoãn phiên tòa xét xử vụ án hình sự hay không?
Kiểm sát viên có phải có mặt trước khi phiên Tòa bắt đầu hay không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Quy tắc ứng xử của kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa, phiên họp của Tòa án ban hành kèm theo Quyết định 46/QĐ-VKSTC năm 2017 như sau:
Những việc Kiểm sát viên phải làm
1. Thực hiện đúng, đầy đủ quy định của pháp luật và của ngành Kiểm sát nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát, Kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp.
2. Có mặt tại địa điểm mở phiên tòa, phiên họp trước giờ khai mạc. Nếu vì lý do bất khả kháng mà không thể có mặt tại phiên tòa, phiên họp thì Kiểm sát viên được phân công tham gia phiên tòa, phiên họp báo cáo ngay với lãnh đạo Vụ hoặc lãnh đạo đơn vị, đồng thời thông báo cho Chủ tọa phiên tòa, phiên họp.
3. Sử dụng trang phục Ngành đúng quy định.
4. Thực hiện đúng nội quy phiên tòa, phiên họp.
5. Thực hiện nghiêm túc các yêu cầu, đề nghị đúng pháp luật, hợp lý của Chủ tọa phiên tòa.
6. Cử chỉ, hành động, lời nói, tư thế, tác phong, thái độ, biểu cảm phải chuẩn mực, thể hiện hình ảnh người Kiểm sát viên “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.
7. Những việc khác mà Kiểm sát viên phải làm theo quy định của Quy tắc này.
Theo đó, Kiểm sát viên phải có mặt tại địa điểm mở phiên tòa, phiên họp trước giờ khai mạc.
Nếu vì lý do bất khả kháng mà không thể có mặt tại phiên tòa, phiên họp thì Kiểm sát viên được phân công tham gia phiên tòa, phiên họp báo cáo ngay với lãnh đạo Vụ hoặc lãnh đạo đơn vị, đồng thời thông báo cho Chủ tọa phiên tòa, phiên họp.
Kiểm sát viên (Hình từ Internet)
Vắng mặt Kiểm sát viên thì có được phép hoãn phiên tòa xét xử vụ án hình sự hay không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 350 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 như sau:
Sự có mặt của Kiểm sát viên
1. Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải có mặt để thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa, nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa. Đối với vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp thì có thể có nhiều Kiểm sát viên. Trường hợp Kiểm sát viên không thể có mặt tại phiên tòa thì Kiểm sát viên dự khuyết có mặt tại phiên tòa từ đầu được thay thế để thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa.
2. Trường hợp Kiểm sát viên bị thay đổi hoặc không thể tiếp tục thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử mà không có Kiểm sát viên dự khuyết để thay thế thì Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa.
Theo đó, nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa.
Tuy nhiên, trường hợp Kiểm sát viên không thể có mặt tại phiên tòa thì Kiểm sát viên dự khuyết có mặt tại phiên tòa từ đầu được thay thế để thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa.
Khi phát sinh tình huống bất ngờ tại phiên tòa, phiên họp thì Kiểm sát viên có thái độ ứng xử như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Quy tắc ứng xử của kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa, phiên họp của Tòa án ban hành kèm theo Quyết định 46/QĐ-VKSTC năm 2017 như sau:
Thái độ ứng xử của Kiểm sát viên
1. Kiểm sát viên phải đứng, ngồi đúng tư thế. Nếu mang theo mũ thì phải đặt mũ trên bàn, trước mặt, chếch về phía bên tay trái của Kiểm sát viên, phù hiệu trên mũ quay ra phía trước.
2. Cử chỉ, hành động, lời nói, biểu cảm của Kiểm sát viên phải rõ ràng, dứt khoát, lịch sự, đúng mực. Tiếng nói vừa đủ nghe, không quá nhanh, không quá chậm. Ngôn ngữ phải chuẩn xác, không nói ngọng, không nói lắp.
3. Kiểm sát viên phải có thái độ lắng nghe, tôn trọng ý kiến của người khác. Khi xét hỏi, tranh luận, đối đáp, phát biểu ý kiến, Kiểm sát viên phải dõng dạc, từ tốn, không được cáu gắt, nóng giận, xúc phạm người khác.
4. Khi có yêu cầu, đề nghị, kiến nghị tại phiên tòa, phiên họp, Kiểm sát viên phải xin phép chủ tọa phiên tòa, phiên họp trước khi phát biểu. Kiến nghị đối với vi phạm pháp luật của người tiến hành tố tụng tại phiên tòa, phiên họp phải chính xác, góp ý trên tinh thần xây dựng để khắc phục. Nếu Hội đồng hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, phiên họp không chấp nhận yêu cầu, đề nghị, kiến nghị thì Kiểm sát viên vẫn phải tiếp tục tham gia phiên tòa, phiên họp, không được bỏ về hoặc có thái độ tức giận, bất hợp tác.
5. Trường hợp phát sinh tình huống bất ngờ tại phiên tòa, phiên họp, Kiểm sát viên phải bình tĩnh, chủ động, linh hoạt giải quyết hoặc phối hợp với Hội đồng hoặc Thẩm phán để giải quyết.
Như vậy, trên đây là các quy định có liên quan đến Kiểm sát viên gửi đến bạn đọc tham khảo thêm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hồ sơ đề nghị phân công công chức thanh tra chuyên ngành Giao thông vận tải gồm những gì?
- Mẫu đơn đăng ký tổ chức hội chợ triển lãm thương mại mới nhất theo Nghị định 128 2024 thế nào?
- Nguyên tắc làm việc của Kiểm toán nhà nước Chuyên ngành VII là gì? Quy định về xây dựng phương án tổ chức kiểm toán năm ra sao?
- Mẫu Biên bản cuộc họp giữa 2 công ty mới nhất? Hướng dẫn viết biên bản cuộc họp giữa 2 công ty?
- Tổ chức truyền dạy của chủ thể di sản văn hóa phi vật thể có thể truyền dạy cho người ngoài cộng đồng được không?