Không gỡ bỏ thông tin liên quan đến trẻ em trên mạng xã hội theo yêu cầu của cha, mẹ trẻ em bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Trẻ em có quyền được giữ bí mật về thông tin hay không?
- Không gỡ bỏ thông tin liên quan đến trẻ em trên mạng xã hội theo yêu cầu của cha, mẹ trẻ em bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Tổ chức, cá nhân không gỡ bỏ thông tin liên quan đến trẻ em trên mạng xã hội theo yêu cầu của cha, mẹ trẻ em có bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh hay không?
Trẻ em có quyền được giữ bí mật về thông tin hay không?
Theo Điều 21 Luật Trẻ em 2016 quy định về quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em như sau:
Quyền bí mật đời sống riêng tư
1. Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
2. Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư.
Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em, được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư.
Như vậy, con của bạn được pháp luật bảo vệ trước sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư.
Đăng thông tin liên quan đến trẻ em trên mạng xã hội (Hình từ Internet)
Không gỡ bỏ thông tin liên quan đến trẻ em trên mạng xã hội theo yêu cầu của cha, mẹ trẻ em bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Theo khoản 1 Điều 36 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về các hành vi vi phạm trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng như sau:
Vi phạm về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm khi kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng:
a) Cung cấp, chia sẻ thông tin, dịch vụ gây hại cho trẻ em, thông tin, dịch vụ giả mạo, độc hại, khiêu dâm, bạo lực, xúi giục tự tử, xuyên tạc, đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em;
b) Không cảnh báo hoặc gỡ bỏ thông tin, dịch vụ gây hại cho trẻ em, thông tin, dịch vụ giả mạo, độc hại, khiêu dâm, bạo lực, xúi giục tự tử, xuyên tạc, đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em;
c) Không sử dụng các biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em; không gửi các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em;
d) Không thực hiện yêu cầu xóa, gỡ bỏ các thông tin cá nhân của trẻ em khi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, người giám hộ của trẻ em hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ trẻ em yêu cầu;
đ) Không tổ chức tiếp nhận thông tin, đánh giá phân loại theo mức độ an toàn cho trẻ em được các cơ quan, tổ chức, cá nhân và trẻ em gửi tới;
e) Không công bố danh sách các mạng thông tin, dịch vụ, sản phẩm trực tuyến theo mức độ an toàn đối với trẻ em;
g) Không thực hiện việc phát hiện, loại bỏ các hình ảnh, tài liệu, thông tin không phù hợp với trẻ em, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em;
h) Không hướng dẫn sử dụng các dịch vụ, thiết bị công nghệ thông tin để bảo vệ trẻ em;
i) Không có biện pháp bảo vệ người tiếp cận thông tin, sử dụng dịch vụ là trẻ em.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng khi không có công cụ kiểm soát thời gian, bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng lạm dụng, nghiện trò chơi điện tử. Trường hợp doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng có hành vi không áp dụng biện pháp, giải pháp hạn chế giờ chơi của trò chơi điện tử G1 đối với trẻ em thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
...
Theo quy định trên, không thực hiện yêu cầu xóa, gỡ bỏ các thông tin liên quan đến trẻ em khi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, người giám hộ của trẻ em hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ trẻ em yêu cầu là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Như vậy, cửa hàng không gỡ bỏ thông tin liên quan đến trẻ em của con bạn khỏi mạng xã hội có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Đây là mức phạt đối với cá nhân có hành vi vi phạm, mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân (theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 130/2021/NĐ-CP).
Tổ chức, cá nhân không gỡ bỏ thông tin liên quan đến trẻ em trên mạng xã hội theo yêu cầu của cha, mẹ trẻ em có bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh hay không?
Theo khoản 3 Điều 36 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về hình thức xử phạt bổ sung như sau:
Vi phạm về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
...
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng giấy phép đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
...
Như vậy, cửa hàng không gỡ bỏ thông tin liên quan đến trẻ em, ở đây là con của bạn khỏi mạng xã hội có thể tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Có nhiều hộ gia đình có chung quyền sử dụng một thửa đất ở bị thu hồi được giao thêm đất theo Luật Đất đai mới đúng không?
- Hoạt động quản lý vận hành nhà chung cư có cung cấp các dịch vụ bảo vệ không? Ai có trách nhiệm quản lý vận hành nhà chung cư?
- Mẫu đơn đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động của sàn giao dịch bất động sản mới nhất theo quy định hiện nay?
- Cấp ủy cấp tỉnh có chức năng gì? Cấp ủy cấp tỉnh có được giới thiệu nhân sự ứng cử chức danh chủ tịch Hội đồng nhân dân?
- Đáp án cuộc thi Quân đội Nhân dân Việt Nam 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành 2024 tuần 1 trên trang Báo cáo viên ra sao?