Khi Tòa án giải quyết tranh chấp xác định cha mẹ cho con thì nguyên đơn hay bị đơn phải chịu án phí?
Khi giải quyết tranh chấp xác định cha mẹ cho con thì nguyên đơn hay bị đơn phải chịu án phí?
Căn cứ tiểu mục 11 Mục IV Công văn 89/TANDTC-PC năm 2020 quy định như sau:
DÂN SỰ
...
11. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH thì tranh chấp xác định cha, mẹ cho con là tranh chấp về hôn nhân và gia đình, vậy khi giải quyết thì nguyên đơn hay bị đơn phải chịu án phí?
Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con là thuộc trường hợp tranh chấp quy định tại khoản 4 Điều 28 của Bộ luật Tố tụng dân sự cho nên đây là loại án hôn nhân và gia đình; tuy nhiên Điều 27 của Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH không quy định cụ thể về án phí đối với loại tranh chấp này cho nên phải áp dụng khoản 1 Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Tòa án căn cứ quy định tại khoản 1, khoản 4 Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH: “Đương sự phải chịu án phí sơ thẩm nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm...Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu không được Tòa án chấp nhận. Bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn được Tòa án chấp nhận.” để tính án phí, trừ trường hợp quy định tại Điều 11, Điều 12, Điều 13 của Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH.
Trường hợp xin xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH.
Chiếu theo quy định này, việc xác định trách nhiệm nộp án phí dân sự khi giải quyết tranh chấp xác định cha mẹ cho con được chia làm hai trường hợp:
Trường hợp 01: Xác định cha mẹ cho con đã thành niên thì trách nhiệm nộp án phí được thực hiện như sau:
- Đương sự phải chịu án phí sơ thẩm nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm...
- Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu không được Tòa án chấp nhận.
- Bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn được Tòa án chấp nhận.
Lưu ý: Không áp dụng nguyên tắc phân định trách nhiệm nộp án phí dân sự này đối với trường hợp được miễn nộp tạm ứng án phí quy định tại Điều 12 Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH và trường hợp được giảm mức tạm ứng án phí quy định tại Điều 13 Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH.
Trường hợp 02: Xác định cha mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì được miễn nộp tiền tạm ứng án phí.
Khi Tòa án giải quyết tranh chấp xác định cha mẹ cho con thì nguyên đơn hay bị đơn phải chịu án phí? (hình từ internet)
Trường hợp nào được miễn án phí dân sự theo quy định hiện nay?
Theo Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định như sau:
Miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án
1. Những trường hợp sau đây được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí:
a) Người lao động khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật;
b) Người yêu cầu cấp dưỡng, xin xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự;
c) Người khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng hoặc thi hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
d) Người yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín;
đ) Trẻ em; cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ.
2. Những trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này được miễn các khoản tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị quyết này.
3. Trường hợp các đương sự thỏa thuận một bên chịu toàn bộ án phí hoặc một phần số tiền án phí phải nộp mà bên chịu toàn bộ án phí hoặc một phần số tiền án phí phải nộp thuộc trường hợp được miễn nộp tiền án phí thì Tòa án chỉ xem xét miễn án phí đối với phần mà người thuộc trường hợp được miễn phải chịu theo quy định, của Nghị quyết này. Phần án phí, lệ phí Tòa án mà người đó nhận nộp thay người khác thì không được miễn nộp.
Theo đó, cá nhân được quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 thì được miễn tiền tạm ứng án phí.
Căn cứ nào được dùng để chứng minh quan hệ cha mẹ con?
Tại Điều 14 Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định căn cứ dùng để chứng minh quan hệ cha mẹ con như sau:
- Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
- Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều này thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 Thông tư 04/2020/TT-BTP, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mức hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn khi mua nhà ở xã hội tại TP.HCM theo Quyết định 81/2024 là bao nhiêu?
- Mức phạt sử dụng đất trồng lúa sang loại đất khác mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo Nghị định 123/2024?
- Mẫu báo cáo sơ kết học kỳ 1 THPT mới nhất? Hướng dẫn viết mẫu báo cáo sơ kết học kỳ 1 THPT thế nào?
- Cập nhật giá đất các quận huyện TPHCM từ 31 10 2024? Bảng giá đất mới nhất của TPHCM từ 31 10 2024?
- Tiêu chí phân loại vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập là gì? Việc điều chỉnh vị trí việc làm thực hiện như thế nào?