Khi khai thác đất, đá làm vật liệu xây dựng cho công trình thì có được bán đất, đá dôi dư cho cá nhân, hộ gia đình khác không?
- Khi khai thác đất làm vật liệu xây dựng thì có được bán đất, đá múc mở đường dôi dư cho các hộ dân được không?
- Các loại đất đá nào thuộc các loại khoáng sản khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường?
- Trường hợp bán đất, đá khai thác làm vật liệu xây dựng cho cá nhân, hộ gia đình khác mà không xin phép có bị phạt hay không?
Khi khai thác đất làm vật liệu xây dựng thì có được bán đất, đá múc mở đường dôi dư cho các hộ dân được không?
Căn cứ khoản 2 Điều 64 Luật Khoáng sản 2010 quy định như sau:
Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường
...
2. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không phải đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản trong các trường hợp sau đây:
a) Khai thác trong diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà sản phẩm khai thác chỉ được sử dụng cho xây dựng công trình đó.
Trước khi tiến hành khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân phải đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Khai thác trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó.
...
Theo quy định trên, nếu đơn vị khai thác đất trong dự án đầu tự xây dựng và sử dụng đất cho xây dựng công trình đó thì không cần phải xin Giấy phép khai thác khoáng sản.
Ngược lại, nếu đơn vị anh muốn bán đất trong công trình cho cá nhân, hộ gia đình khác thì bên anh phải xin Giấy phép khai thác khoáng sản.
Khai thác đất đá làm vật liệu xây dựng cho công trình (Hình từ Internet)
Các loại đất đá nào thuộc các loại khoáng sản khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường?
Căn cứ khoản 1 Điều 64 Luật Khoáng sản 2010 quy định như sau:
Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường
1. Khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường bao gồm:
a) Cát các loại (trừ cát trắng silic) có hàm lượng SiO2 nhỏ hơn 85%, không có hoặc có các khoáng vật cansiterit, volframit, monazit, ziricon, ilmenit, vàng đi kèm nhưng không đạt chỉ tiêu tính trữ lượng theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
b) Đất sét làm gạch, ngói theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam, các loại sét (trừ sét bentonit, sét kaolin) không đủ tiêu chuẩn sản xuất gốm xây dựng, vật liệu chịu lửa samot, xi măng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam;
c) Đá cát kết, đá quarzit có hàm lượng SiO2 nhỏ hơn 85%, không chứa hoặc có chứa các khoáng vật kim loại, kim loại tự sinh, nguyên tố xạ, hiếm nhưng không đạt chỉ tiêu tính trữ lượng theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc không đủ tiêu chuẩn làm đá ốp lát, đá mỹ nghệ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam;
d) Đá trầm tích các loại (trừ diatomit, bentonit, đá chứa keramzit), đá magma (trừ đá syenit nephelin, bazan dạng cột hoặc dạng bọt), đá biến chất (trừ đá phiến mica giàu vermiculit) không chứa hoặc có chứa các khoáng vật kim loại, kim loại tự sinh, đá quý, đá bán quý và các nguyên tố xạ, hiếm nhưng không đạt chỉ tiêu tính trữ lượng theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, không đủ tiêu chuẩn làm đá ốp lát, đá mỹ nghệ, nguyên liệu kỹ thuật felspat sản xuất sản phẩm gốm xây dựng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam;
đ) Đá phiến các loại, trừ đá phiến lợp, đá phiến cháy và đá phiến có chứa khoáng vật serixit, disten hoặc silimanit có hàm lượng lớn hơn 30%;
e) Cuội, sỏi, sạn không chứa vàng, platin, đá quý và đá bán quý; đá ong không chứa kim loại tự sinh hoặc khoáng vật kim loại;
g) Đá vôi, sét vôi, đá hoa (trừ nhũ đá vôi, đá vôi trắng và đá hoa trắng) không đủ tiêu chuẩn làm nguyên liệu sản xuất xi măng pooc lăng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam hoặc không đủ tiêu chuẩn làm nguyên liệu sản xuất đá ốp lát, đá mỹ nghệ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam;
h) Đá dolomit có hàm lượng MgO nhỏ hơn 15%, đá dolomit không đủ tiêu chuẩn sản xuất thủy tinh xây dựng, làm nguyên liệu sản xuất đá ốp lát, đá mỹ nghệ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam.
...
Theo đó nếu khoáng sản công ty khai thác thuộc các loại nêu trên thì được xem là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Trường hợp bán đất, đá khai thác làm vật liệu xây dựng cho cá nhân, hộ gia đình khác mà không xin phép có bị phạt hay không?
Trường hợp tự ý bán sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 43 Nghị định 36/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Vi phạm quy định về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không phải đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản
...
3. Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong phạm vi diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư nhưng sản phẩm khai thác không sử dụng để xây dựng công trình đó mà chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép khai thác, cụ thể như sau:
a) Từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với trường hợp khoáng sản sau khai thác đem sử dụng cho tổ chức, cá nhân khác; cho dự án, công trình khác;
b) Từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp khoáng sản sau khai thác đem bán cho tổ chức, cá nhân khác.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp lĩnh vực khoáng sản có được do thực hiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này.
Như vậy đối với hành vi đem đất khai thác làm vật liệu xây dựng công trình bán cho tổ chức, cá nhân khác sẽ bị phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Đồng thời phải nộp lại số lợi bất hợp pháp lĩnh vực khoáng sản có được do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên.
Lưu ý: Căn cứ theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 36/2020/NĐ-CP (Được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP) có quy định mức phạt trên chỉ áp dụng đối với cá nhân.
Mức phạt đối với hộ kinh doanh; chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện hành vi vi phạm hành chính không thuộc phạm vi, thời hạn được doanh nghiệp ủy quyền áp dụng như đối với mức phạt của cá nhân.
Mức phạt tiền đối với tổ chức (kể cả chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền của doanh nghiệp) gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Dấu dưới hình thức chữ ký số có phải là dấu của doanh nghiệp? Làm giả con dấu của doanh nghiệp bị phạt bao nhiêu tiền?
- Chủ hàng hóa quá cảnh có phải nộp lệ phí hải quan và các loại phí khác cho hàng hóa quá cảnh của mình không?
- Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13929:2024 về Bê tông - Phương pháp thử tăng tốc Cacbonat hóa thế nào?
- Mức ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất? Quy định về việc quản lý nguồn thu lựa chọn nhà đầu tư?
- Không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra trong quản lý giá từ ngày 12/7/2024 bị xử phạt bao nhiêu tiền?