Hợp tác xã có quy mô siêu nhỏ có bắt buộc phải tổ chức theo tổ chức quản trị đầy đủ? Cuộc họp Đại hội thành viên được tổ chức bằng hình thức nào?
Hợp tác xã quy mô siêu nhỏ có bắt buộc phải tổ chức theo tổ chức quản trị đầy đủ?
Căn cứ theo quy định tại Điều 56 Luật Hợp tác xã 2023 về tổ chức quản trị của hợp tác xã như sau:
Tổ chức quản trị
1. Tổ chức quản trị của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bao gồm hai loại:
a) Tổ chức quản trị đầy đủ bao gồm Đại hội thành viên, Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc), Ban kiểm soát. Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể kiêm Giám đốc (Tổng giám đốc);
b) Tổ chức quản trị rút gọn bao gồm Đại hội thành viên, Giám đốc, kiểm soát viên.
2. Hợp tác xã quy mô nhỏ, vừa, lớn, liên hiệp hợp tác xã từ 10 thành viên trở lên phải tổ chức theo tổ chức quản trị đầy đủ.
3. Hợp tác xã quy mô siêu nhỏ, liên hiệp hợp tác xã dưới 10 thành viên có thể tổ chức theo tổ chức quản trị đầy đủ hoặc tổ chức quản trị rút gọn.
4. Trường hợp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đang tổ chức theo tổ chức quản trị rút gọn phát triển thành hợp tác xã quy mô nhỏ, vừa, lớn, liên hiệp hợp tác xã từ 10 thành viên trở lên thì Đại hội thành viên gần nhất phải quyết định việc chuyển sang tổ chức quản trị đầy đủ.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì hợp tác xã có quy mô siêu nhỏ không bắt buộc phải tổ chức theo tổ chức quản trị đầy đủ.
Thay vào đó, hợp tác xã có quy mô siêu nhỏ có thể chọn tổ chức theo tổ chức quản trị đầy đủ hoặc tổ chức quản trị rút gọn. Quyết định này tùy thuộc vào sự lựa chọn và điều kiện cụ thể của hợp tác xã đó.
Lưu ý: Trường hợp hợp tác xã đang tổ chức theo tổ chức quản trị rút gọn phát triển thành hợp tác xã quy mô nhỏ, vừa, lớn thì Đại hội thành viên gần nhất phải quyết định việc chuyển sang tổ chức quản trị đầy đủ.
Hợp tác xã có quy mô siêu nhỏ có bắt buộc phải tổ chức theo tổ chức quản trị đầy đủ? Cuộc họp Đại hội thành viên được tổ chức bằng hình thức nào? (Hình từ Internet)
Cuộc họp Đại hội thành viên của hợp tác xã có quy mô siêu nhỏ được tổ chức bằng hình thức nào?
Căn cứ vào khoản 3 Điều 57 Luật Hợp tác xã 2023 có quy định như sau:
Đại hội thành viên
...
3. Cuộc họp Đại hội thành viên có thể được tổ chức bằng hình thức họp trực tiếp, họp trực tuyến hoặc kết hợp giữa họp trực tiếp và họp trực tuyến.
...
Như vậy, cuộc họp Đại hội thành viên của hợp tác xã có quy mô siêu nhỏ có thể được tổ chức bằng các hình thức sau đây:
- Họp trực tiếp;
- Họp trực tuyến;
- Kết hợp giữa họp trực tiếp và họp trực tuyến.
Lưu ý: Cũng theo Điều 57 Luật Hợp tác xã 2023 thì cuộc họp Đại hội thành viên của hợp tác xã phải tuân thủ các quy định sau:
- Đại hội thành viên họp thường niên mỗi năm một lần và có thể họp bất thường.
Trường hợp hợp tác xã tổ chức theo tổ chức quản trị rút gọn, Đại hội thành viên họp định kỳ theo quy định của Điều lệ nhưng ít nhất 03 tháng một lần và có thể họp bất thường.
- Cuộc họp Đại hội thành viên phải được ghi biên bản, có thể ghi âm, ghi hình để cung cấp cho các thành viên nếu có yêu cầu. Biên bản họp phải có chữ ký của chủ tọa và thư ký.
Trường hợp chủ tọa, thư ký từ chối ký thì biên bản họp có hiệu lực nếu được trên 50% thành viên tham dự đồng ý ký; biên bản ghi rõ việc chủ tọa, thư ký từ chối ký. Người ký tên trong biên bản họp chịu trách nhiệm liên đới về tính chính xác và trung thực của biên bản họp.
Việc triệu tập Đại hội thành viên bất thường của hợp tác xã có quy mô siêu nhỏ được thực hiện như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 59 Luật Hợp tác xã 2023 thì Đại hội thành viên bất thường của hợp tác xã có quy mô siêu nhỏ được triệu tập trong trường hợp sau đây:
* Trường hợp tổ chức theo tổ chức quản trị đầy đủ:
- Hội đồng quản trị triệu tập để giải quyết những vấn đề vượt quá thẩm quyền;
- Hội đồng quản trị triệu tập theo đề nghị của Ban kiểm soát hoặc ít nhất một phần ba tổng số thành viên chính thức;
- Chủ tịch Hội đồng quản trị triệu tập trong trường hợp không tổ chức được cuộc họp định kỳ của Hội đồng quản trị sau 02 lần triệu tập.
* Trường hợp tổ chức theo tổ chức quản trị rút gọn:
- Giải quyết những vấn đề vượt quá thẩm quyền;
- Theo đề nghị của kiểm soát viên hoặc ít nhất một phần ba tổng số thành viên chính thức.
Theo đó, việc triệu tập Đại hội thành viên bất thường đối với các đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 59 Luật Hợp tác xã 2023 được thực hiện như sau:
(1) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên hoặc ít nhất một phần ba tổng số thành viên chính thức, Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc phải triệu tập Đại hội thành viên bất thường;
(2) Trường hợp quá thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên hoặc ít nhất 1/3 tổng số thành viên chính thức mà Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc không triệu tập Đại hội thành viên bất thường hoặc quá 04 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính mà Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc không triệu tập Đại hội thành viên thường niên thì Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên có quyền triệu tập Đại hội thành viên bất thường;
(3) Trong vòng 15 ngày kể từ ngày Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên có quyền triệu tập mà không triệu tập Đại hội thành viên bất thường theo mục (2) thì thành viên đại diện cho ít nhất một phần ba tổng số thành viên chính thức có quyền triệu tập Đại hội thành viên.
Việc cử thành viên đại diện phải được lập thành biên bản và có đầy đủ chữ ký của tất cả thành viên đề nghị triệu tập Đại hội thành viên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công trình xây dựng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch đất năng lượng?
- Súng phóng dây mồi có phải là vũ khí thô sơ không? Quân đội nhân dân có được trang bị súng phóng dây mồi không?
- Đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh là gì? Đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh biểu quyết và quyết nghị những vấn đề nào?
- Hợp đồng tương lai chỉ số có được giao dịch vào thứ Bảy? Nguyên tắc xác định giá khớp lệnh liên tục của hợp đồng tương lai chỉ số là gì?
- Bảo đảm dự thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi áp dụng đối với gói thầu nào? Mức bảo đảm dự thầu trong hồ sơ mời thầu là bao nhiêu?