Viên chức được ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn trong những trường hợp nào? Tiêu chuẩn để viên chức được nâng bậc lương là gì?
Những trường hợp viên chức được ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn theo quy định hiện nay?
Căn cứ vào Điều 25 Luật Viên chức 2010 được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 2 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 có quy định như sau:
Các loại hợp đồng làm việc
1. Hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.
Hợp đồng làm việc xác định thời hạn áp dụng đối với người được tuyển dụng làm viên chức kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020, trừ trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này.
2. Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
a) Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2020;
b) Cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58 của Luật này;
c) Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Theo đó, hiện nay sẽ tồn tại 02 loại hợp đồng làm việc đối với viên chức là hợp đồng làm việc xác định thời hạn và hợp đồng làm việc không xác định thời hạn theo quy định trên.
Trong đó, hợp đồng làm việc xác định thời hạn sẽ được áp dụng đối với viên chức được tuyển dụng từ ngày 01/7/2020.
Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn sẽ được ký kết với viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020 hoặc cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức theo quy định pháp luật hoặc viên chức được tuyển dụng làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Như vậy, đối với trường hợp viên chức được ký hợp động làm việc không xác định thời hạn theo quy định trên thì đồng nghĩa với việc viên chức đó đã được “biên chế suốt đời”.
Những trường hợp viên chức được ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hiện nay? Tiêu chuẩn để viên chức được nâng bậc lương là gì?
Viên chức phải đáp ứng tiêu chuẩn nào để được nâng bậc lương thường xuyên?
Căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 2 Thông tư 08/2013/TT-BNV quy định như sau:
Chế độ nâng bậc lương thường xuyên
Đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư này, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch công chức (sau đây gọi là ngạch), trong chức danh nghề nghiệp viên chức, chức danh chuyên gia cao cấp và chức danh chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát (sau đây gọi là chức danh) hiện giữ, thì được xét nâng một bậc lương thường xuyên khi có đủ điều kiện thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh và đạt đủ tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này trong suốt thời gian giữ bậc lương như sau:
…
2. Tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên:
…
b) Đối với viên chức và người lao động:
- Tiêu chuẩn 1: Được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên;
- Tiêu chuẩn 2: Không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức.
Theo đó, viên chức sẽ được nâng bậc lương thường xuyên khi đáp ứng 02 tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trở lên theo đánh giá của cấp có thẩm quyền và không vi phạm kỷ luật một trong những hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức.
Điều kiện và tiêu chuẩn nâng bậc lương trước thời hạn đối với viên chức được quy định thế nào?
Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 3 Thông tư 80/2013/TT-BNV quy định như sau:
Chế độ nâng bậc lương trước thời hạn
1. Chế độ nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ:
a) Điều kiện và chế độ được hưởng:
Đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư này đạt đủ 02 tiêu chuẩn quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư này và lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận bằng văn bản, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh và tính đến ngày 31 tháng 12 của năm xét nâng bậc lương trước thời hạn còn thiếu từ 12 tháng trở xuống để được nâng bậc lương thường xuyên thì được xét nâng một bậc lương trước thời hạn tối đa là 12 tháng so với thời gian quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 2 Thông tư này.
Căn cứ vào điểm e khoản 1 Điều 3 Thông tư 80/2013/TT-BNV quy định như sau:
Chế độ nâng bậc lương trước thời hạn
1. Chế độ nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ:
…
e) Tiêu chuẩn xét nâng bậc lương trước thời hạn:
Tiêu chuẩn, cấp độ về lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ và thời gian được nâng bậc lương trước thời hạn tương ứng với từng cấp độ thành tích khác nhau của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động do người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trao đổi với cấp ủy và Ban Chấp hành công đoàn cùng cấp quy định cụ thể trong Quy chế nâng bậc lương trước thời hạn của cơ quan, đơn vị. Căn cứ vào quy định này, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc diện được xét nâng bậc lương trước thời hạn hằng năm do tập thể bình chọn, nhưng mỗi năm không quá 10% tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.
Theo đó, viên chức sẽ được nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ khi đáp ứng được các điều kiện và tiêu chuẩn theo các quy định nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Trong hợp đồng EPC, nhà thầu có phải chịu bồi thường rủi ro tổn hại thân thể đối với bất cứ người nào do nguyên nhân thi công không?
- Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu cấm nhập khẩu được quy định như thế nào? Hồ sơ cấp Giấy phép quá cảnh hàng hóa bao gồm?
- Chức năng của Quân đội nhân dân Việt Nam là gì? Công dân có quyền và nghĩa vụ gì về quốc phòng?
- https//baocaovien vn thi trực tuyến Quân đội Nhân dân Việt Nam 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành 2024 đăng nhập thế nào?
- Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 23, Nghị định 24 hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023 mới nhất?