Viên chức bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2023 thì có bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc không?
Trường hợp nào viên chức sẽ bị đánh giá, xếp loại là không hoàn thành nhiệm vụ?
Căn cứ vào Điều 15 Nghị định 90/2020/NĐ-CP quy định về các tiêu chí đánh giá, xếp loại viên chức không hoàn thành nhiệm vụ như sau:
(1) Đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý, có một trong các tiêu chí sau sẽ được xem là không hoàn thành nhiệm vụ:
-Có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa theo đánh giá của cấp có thẩm quyền;
- Có trên 50% các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả;
- Có hành vi vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá.
(2) Đối với viên chức giữ chức vụ quản lý thì sẽ bị xem là không hoàn thành nhiệm vụ khi có một trong các tiêu chí sau đây:
- Có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa theo đánh giá của cấp có thẩm quyền;
- Có trên 50% các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả;
- Đơn vị hoặc lĩnh vực công tác được giao phụ trách hoàn thành dưới 50% các chỉ tiêu, nhiệm vụ.
- Đơn vị thuộc thẩm quyền phụ trách, quản lý trực tiếp liên quan đến tham ô, tham nhũng, lãng phí và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
- Có hành vi vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá.
Như vậy, trong năm 2023 nếu như viên chức có một trong những tiêu chí nêu trên thì sẽ bị đánh giá, xếp loại là không hoàn thành nhiệm vụ.
Viên chức bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2023 thì có bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc không?
Viên chức bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2023 thì có bị buộc thôi việc không?
Căn cứ vào Điều 19 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với viên chức
Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với viên chức có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với viên chức quản lý hoặc cảnh cáo đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý mà tái phạm;
2. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 16 Nghị định này;
3. Viên chức quản lý có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định này;
4. Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị;
5. Nghiện ma túy; đối với trường hợp này phải có xác nhận của cơ sở y tế hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền.
Theo như các trường hợp nêu trên và các trường hợp về xử lý kỷ luật cách chức, cảnh cáo thì không có quy định về việc viên chức không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc.
Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 29 Luật Viên chức 2010 được bổ sung bởi khoản 4 Điều 2 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019, một số cụm từ bị thay thế bởi điểm b khoản 12 Điều 2 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 quy định như sau:
Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc
1. Đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức trong các trường hợp sau:
a) Viên chức có 02 năm liên tiếp bị xếp loại chất lượng ở mức độ không hoàn thành nhiệm vụ;
b) Viên chức bị buộc thôi việc theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 52 và khoản 1 Điều 57 của Luật này;
c) Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn bị ốm đau đã điều trị 12 tháng liên tục, viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn bị ốm đau đã điều trị 06 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục. Khi sức khỏe của viên chức bình phục thì được xem xét để ký kết tiếp hợp đồng làm việc;
d) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ làm cho đơn vị sự nghiệp công lập buộc phải thu hẹp quy mô, khiến vị trí việc làm mà viên chức đang đảm nhận không còn;
đ) Khi đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
e) Viên chức không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự.
Theo đó, trường hợp viên chức có 02 năm liên tục bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ bị cơ qua, đơn vị đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc.
Do đó, nếu như vào năm 2022 viên chức đã bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ và năm 2023 tiếp tục lại không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ bị đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc.
Còn trường hợp, chỉ mới 01 lần bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2023 thì viên chức sẽ không bị đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc.
Có những hình thức xử lý kỷ luật nào được áp dụng với viên chức?
Căn cứ vào Điều 15 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Các hình thức kỷ luật đối với viên chức
1. Áp dụng đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý
a) Khiển trách.
b) Cảnh cáo.
c) Buộc thôi việc.
2. Áp dụng đối với viên chức quản lý
a) Khiển trách.
b) Cảnh cáo.
c) Cách chức.
d) Buộc thôi việc.
Viên chức bị kỷ luật bằng một trong các hình thức quy định tại Điều này còn có thể bị hạn chế thực hiện hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật có liên quan.
Theo đó, đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý thì sẽ có 03 hình thức xử lý kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo và buộc thôi việc.
Đối với viên chức giữ chức danh quản ly thì sẽ có 04 hình thức xử lý kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo, cách chức và buộc thôi việc.
Trường hợp nào viên chức chưa bị xem xét xử lý kỷ luật?
Căn cứ tại Điều 3 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định 04 trường hợp sau viên chức chưa bị xem xét xử lý kỷ luật:
- Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian nghỉ hàng năm, nghỉ theo chế độ, nghỉ việc riêng được cấp có thẩm quyền cho phép.
- Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian điều trị bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức; bị ốm nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.
- Cán bộ, công chức, viên chức là nữ giới đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc cán bộ, công chức, viên chức là nam giới (trong trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
- Cán bộ, công chức, viên chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật, trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cổng Dịch vụ công quốc gia được kết nối với hệ thống nào? Thông tin nào được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia?
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự có thời hạn bao lâu? Trường hợp nào được ủy quyền đứng tên trong Giấy chứng nhận?
- Trạm y tế được giới thiệu, chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh chữa bệnh khác trong trường hợp nào?
- Liên hệ bản thân về 19 điều Đảng viên không được làm? Liên hệ bản thân về những điều Đảng viên không được làm?
- Nhân viên y tế học đường là gì? Mức hỗ trợ phụ cấp cho nhân viên y tế học đường hiện nay là bao nhiêu?