Việc xử lý vi phạm trong hoạt động đấu thầu được quy định thế nào theo Nghị định 24/2024/NĐ-CP? Có mấy hình thức kiểm tra hoạt động đấu thầu?
Việc xử lý vi phạm trong hoạt động đấu thầu được quy định thế nào theo Nghị định 24/2024/NĐ-CP?
Ngày 27/02/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Cụ thể theo Điều 125 Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định việc xử lý vi phạm trong hoạt động đấu thầu như sau:
Mức phạt | Hành vi |
Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 03 năm đến 05 năm | Hành vi vi phạm các khoản 1, 2, 4 và điểm a khoản 3 Điều 16 Luật Đấu thầu 2023 |
Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 01 năm đến 03 năm | Hành vi vi phạm điểm b, điểm c khoản 3; khoản 5; điểm g, h, i, k, l khoản 6; khoản 8; khoản 9 Điều 16 Luật Đấu thầu 2023 |
Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 06 tháng đến 01 năm | Hành vi vi phạm các điểm a, b, c, d, đ, e khoản 6 và khoản 7 Điều 16 Luật Đấu thầu 2023 |
Lưu ý:
- Đối với nhà thầu liên danh, việc cấm tham gia hoạt động đấu thầu áp dụng với tất cả thành viên liên danh khi một hoặc một số thành viên liên danh vi phạm quy định tại Điều 16 Luật Đấu thầu 2023. Trừ trường hợp:
Thành viên liên danh vi phạm quy định tại điểm c khoản 3, khoản 4, các điểm b, c, d, đ khoản 5, các điểm a, b, c, d, đ, e, g khoản 6, khoản 7, điểm a, điểm b khoản 8 Điều 16 Luật Đấu thầu 2023 thì chỉ cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với thành viên đó mà không cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với các thành viên còn lại.
- Trường hợp tổ chức, cá nhân có từ 02 hành vi vi phạm trở lên thuộc cùng phạm vi quản lý của người có thẩm quyền và các hành vi này chưa bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu thì người có thẩm quyền ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu với thời gian cấm được xác định bằng tổng thời gian cấm của các hành vi vi phạm nhưng tối đa không quá 05 năm.
- Thời hiệu áp dụng biện pháp cấm tham gia hoạt động đấu thầu quy định tại khoản 1 Điều 125 Nghị định 24/2024/NĐ-CP là 10 năm tính từ ngày xảy ra hành vi vi phạm.
Việc xử lý vi phạm trong hoạt động đấu thầu được quy định thế nào theo Nghị định 24/2024/NĐ-CP? Có mấy hình thức kiểm tra hoạt động đấu thầu? (Hình từ Internet)
Có mấy hình thức kiểm tra hoạt động đấu thầu?
Căn cứ theo Điều 118 Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định có 02 hình thức kiểm tra hoạt động đấu thầu, cụ thể như sau:
(1) Kiểm tra định kỳ:
- Kiểm tra định kỳ được thực hiện theo kế hoạch thường xuyên hằng năm được người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền kiểm tra phê duyệt;
- Căn cứ tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu của từng năm, đơn vị chủ trì kiểm tra lập kế hoạch kiểm tra định kỳ cho năm kế tiếp, trình người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền kiểm tra phê duyệt.
Kế hoạch kiểm tra định kỳ bao gồm các nội dung sau đây:
+ Danh sách các đơn vị được kiểm tra;
+ Dự án, dự toán mua sắm sẽ tiến hành kiểm tra;
+ Thời gian thực hiện kiểm tra;
+ Phạm vi và nội dung kiểm tra;
+ Đơn vị phối hợp kiểm tra (nếu có);
- Trường hợp cần điều chỉnh kế hoạch kiểm tra định kỳ đã phê duyệt, đơn vị chủ trì kiểm tra lập kế hoạch điều chỉnh, trình người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền kiểm tra phê duyệt;
- Kế hoạch kiểm tra định kỳ và kế hoạch điều chỉnh (nếu có) được phê duyệt là cơ sở để người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền kiểm tra phê duyệt quyết định kiểm tra và tổ chức triển khai thực hiện kiểm tra;
- Kế hoạch kiểm tra định kỳ và kế hoạch điều chỉnh (nếu có) được gửi đến đơn vị được kiểm tra trong thời hạn tối đa là 10 ngày kể từ ngày được phê duyệt nhưng phải đảm bảo đơn vị được kiểm tra nhận được tối thiểu là 15 ngày trước ngày tiến hành kiểm tra.
(2) Kiểm tra đột xuất:
- Kiểm tra đột xuất do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền kiểm tra quyết định;
- Kiểm tra đột xuất được thực hiện đối với từng trường hợp theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền kiểm tra.
Các cá nhân tổ chức thuộc đơn vị bị kiểm tra hoạt động đấu thầu có trách nhiệm như thế nào?
Căn cứ theo Điều 116 Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức thuộc đơn vị bị kiểm tra như sau:
- Phối hợp và tạo điều kiện cho đoàn kiểm tra trong quá trình kiểm tra;
- Báo cáo trung thực, cung cấp thông tin, tài liệu kịp thời, đầy đủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung đã cung cấp;
- Giải trình về các nội dung tại dự thảo báo cáo kiểm tra (nếu có);
- Thực hiện kết luận kiểm tra của cơ quan kiểm tra;
- Gửi báo cáo phản hồi về tình hình thực hiện kết luận kiểm tra đến cơ quan kiểm tra theo quy định tại khoản 4 Điều 121 của Nghị định 24/2024/NĐ-CP.
Ngoài ra, đối với những cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc kiểm tra hoạt động đấu thầu có trách nhiệm như sau:
- Báo cáo trung thực, cung cấp thông tin, tài liệu kịp thời, đầy đủ khi đoàn kiểm tra có yêu cầu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung đã cung cấp;
- Giải trình về các nội dung tại dự thảo báo cáo kiểm tra (nếu có).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tổ chức mua bán nợ xấu có được chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá thị trường không?
- Công văn 9582 về cấp định danh tổ chức cho doanh nghiệp, hợp tác xã như thế nào? Xem toàn văn Công văn 9582 ở đâu?
- Giữ thẻ căn cước trái quy định pháp luật là gì? Nghĩa vụ của công dân khi bị giữ thẻ căn cước được quy định thế nào?
- Kịch bản chương trình kiểm điểm Đảng viên cuối năm 2024? Kịch bản kiểm điểm Đảng viên cuối năm 2024?
- Thủ tục cho thuê, cho thuê mua nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân do Nhà nước đầu tư xây dựng bằng vốn đầu tư công cấp trung ương ra sao?