Tỷ lệ tái chế, quy cách tái chế bắt buộc 2025 theo Nghị định 05/2025 đối với sản phẩm, bao bì ra sao?
Tỷ lệ tái chế, quy cách tái chế bắt buộc 2025 theo Nghị định 05/2025 ra sao?
Căn cứ Điều 78 Nghị định 08/2022/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 34 Điều 1 Nghị định 05/2025/NĐ-CP quy định về tỷ lệ tái chế quy cách tái chế bắt buộc như sau:
- Tỷ lệ tái chế bắt buộc là tỷ lệ khối lượng sản phẩm, bao bì tối thiểu phải được thu gom và tái chế theo quy cách tái chế bắt buộc trong năm thực hiện trách nhiệm trên tổng khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất, nhập khẩu được đưa ra thị trường trong năm có trách nhiệm.
Tỷ lệ tái chế bắt buộc của từng loại sản phẩm, bao bì được xác định trên cơ sở vòng đời, tỷ lệ thải bỏ, tỷ lệ thu gom của sản phẩm, bao bì; mục tiêu tái chế quốc gia, yêu cầu bảo vệ môi trường và điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
- Tỷ lệ tái chế bắt buộc cho từng loại sản phẩm, bao bì trong 03 năm đầu tiên được quy định tại Cột 4 Phụ lục XXII ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP. Tỷ lệ tái chế bắt buộc được điều chỉnh 03 năm một lần tăng dần để thực hiện mục tiêu tái chế quốc gia và yêu cầu bảo vệ môi trường.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường điều chỉnh, ban hành tỷ lệ tái chế bắt buộc cho từng loại sản phẩm, bao bì cho các chu kỳ 03 năm tiếp theo.
- Nhà sản xuất, nhập khẩu được tái chế các sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu hoặc tái chế sản phẩm, bao bì cùng loại quy định tại Cột 3 Phụ lục XXII ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP do nhà sản xuất, nhập khẩu khác sản xuất, nhập khẩu để đạt được tỷ lệ tái chế bắt buộc.
Việc tái chế phế liệu nhập khẩu; bao bì là chất thải phát sinh từ quá trình sản xuất công nghiệp; sản phẩm lỗi bị thải loại trong quá trình sản xuất không được tính vào tỷ lệ tái chế bắt buộc của nhà sản xuất, nhập khẩu.
- Trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì cao hơn tỷ lệ tái chế bắt buộc quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 78 Nghị định 08/2022/NĐ-CP thì được bảo lưu phần khối lượng chênh lệch để tính vào tỷ lệ tái chế bắt buộc của các năm tiếp theo.
- Quy cách tái chế bắt buộc là các giải pháp tái chế được lựa chọn cho từng sản phẩm, bao bì được quy định tại Cột 5 Phụ lục XXII ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP.
Tỷ lệ tái chế, quy cách tái chế bắt buộc 2025 theo Nghị định 05/2025 ra sao? Đăng ký kế hoạch và báo cáo kết quả tái chế ra sao? (Hình từ internet)
Đăng ký kế hoạch và báo cáo kết quả tái chế ra sao?
Việc đăng ký kế hoạch và báo cáo kết quả tái chế được quy định tại Điều 80 Nghị định 08/2022/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 36 Điều 1 Nghị định 05/2025/NĐ-CP như sau:
- Trước ngày 31 tháng 3 hằng năm, nhà sản xuất, nhập khẩu đăng ký kế hoạch tái chế đối với các sản phẩm, bao bì sản xuất, nhập khẩu được đưa ra thị trường của năm liền trước và báo cáo kết quả tái chế sản phẩm, bao bì của năm trước theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định, gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Nhà sản xuất, nhập khẩu chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin đăng ký kế hoạch tái chế, báo cáo kết quả tái chế.
Nhà sản xuất, nhập khẩu bao bì và các sản phẩm ắc quy, pin; dầu nhớt; săm lốp đã đăng ký và thực hiện kế hoạch tái chế sản phẩm, bao bì trong năm 2024 thì khối lượng sản phẩm, bao bì đã tái chế đáp ứng theo quy định của pháp luật được tính vào kết quả tái chế sản phẩm, bao bì trong năm 2025.
- Nhà sản xuất, nhà nhập khẩu có trách nhiệm kê khai thông tin về kế hoạch tái chế, báo cáo kết quả tái chế theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định.
- Trước ngày 31 tháng 3 hằng năm, đơn vị tái chế và bên được ủy quyền quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 79 Nghị định 08/2022/NĐ-CP có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường kết quả thực hiện tái chế của năm trước cho nhà sản xuất, nhập khẩu; mẫu báo cáo theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Khuyến khích nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm tái chế, sản phẩm bao bì theo hình thức quy định tại điểm a khoản 2 Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Đối tượng nào không phải thực hiện trách nhiệm tái chế?
Căn cứ tại khoản 3 Điều 77 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định các đối tượng sau đây không phải thực hiện trách nhiệm tái chế, cụ thể:
- Nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì để xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường 2020.
- Nhà sản xuất bao bì quy định tại khoản 1 Điều 77 Nghị định 08/2022/NĐ-CP có doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của năm trước dưới 30 tỷ đồng;
- Nhà nhập khẩu bao bì quy định tại khoản 1 Điều 77 Nghị định 08/2022/NĐ-CP có tổng giá trị nhập khẩu (tính theo trị giá hải quan) của năm trước dưới 20 tỷ đồng.
Trên đây là các đối tượng không phải thực hiện trách nhiệm tái chế.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lời chúc hoàn thành nghĩa vụ quân sự ngày xuất ngũ năm 2025? Đi nghĩa vụ 2025 về được bao nhiêu tiền?
- Quy định trẻ em ngồi ghế trước ô tô, xe máy tại Nghị định 168 cần nắm rõ? Chở trẻ em trên 6 tuổi ngồi trước xe máy bị phạt đến 14 triệu đồng đúng không?
- Cán bộ, công chức cấp xã dôi dư nghỉ hưu trước tuổi có bị trừ tỷ lệ lương hưu không? Thời điểm hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi?
- Kiểm soát biên chế mới sau sáp nhập: Không vượt tổng số CBCCVC không giữ chức danh lãnh đạo, quản lý hiện có?
- Công văn 10225/SNV-CCVC thực hiện chế độ thưởng theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP TPHCM như thế nào?