Từ 15/9/2023, CSGT được dừng xe trong những trường hợp nào theo quy định tại Thông tư 32/2023/TT-BCA?
Từ 15/9/2023, CSGT được dừng xe trong những trường hợp nào?
Theo quy định tại Thông tư 32/2023/TT-BCA ngày 01/8/2023 của Bộ Công an thì từ 15/9/2023, cảnh sát giao thông tuần tra sẽ được dừng xe kiểm soát trong 4 trường hợp:
- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
- Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát xe cộ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội đã được cấp có thẩm quyền ban hành.
- Có văn bản đề nghị của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai, cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh; cứu nạn, cứu hộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp.
- Có tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Hiện hành, những trường hợp cảnh sát giao thông được dừng xe theo Thông tư 65/2020/TT-BCA gồm:
- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác;
- Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;
- Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Từ 15/9/2023, cảnh sát giao thông được dừng xe trong trường hợp nào? (Hình từ Internet)
Hiệu lệnh dừng xe của Cảnh sát giao thông như thế nào?
Theo quy định tại Điều 17 Thông tư 32/2023/TT-BCA thì hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông được quy định như sau:
- Hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông của Cảnh sát giao thông được thực hiện thông qua một trong các tín hiệu hoặc kết hợp đồng thời các tín hiệu sau:
+ Gậy chỉ huy giao thông, còi, loa, tín hiệu ưu tiên của phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát;
+ Các tín hiệu khác theo quy định của pháp luật, gồm: Biển báo hiệu, cọc tiêu, hàng rào chắn.
- Hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông khi kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm Cảnh sát giao thông
+ Cán bộ Cảnh sát giao thông lựa chọn vị trí phù hợp, đứng nghiêm, hướng về phía phương tiện giao thông cần kiểm soát, phát hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông ở khoảng cách bảo đảm an toàn; tay phải cầm gậy chỉ huy giao thông đưa lên và chỉ vào phương tiện giao thông cần kiểm soát, đồng thời thổi hồi còi dứt khoát, hướng dẫn người điều khiển phương tiện giao thông cần kiểm soát dừng vào vị trí phù hợp, an toàn để kiểm soát;
+ Người điều khiển phương tiện giao thông khi nhận được tín hiệu phải giảm tốc độ và dừng phương tiện giao thông vào vị trí theo hướng dẫn của Cảnh sát giao thông.
- Hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông khi đang ngồi trên phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát cơ động
+ Trường hợp phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát đi cùng chiều và ở phía trước phương tiện giao thông cần kiểm soát
Cán bộ Cảnh sát giao thông cầm gậy chỉ huy giao thông đưa sang ngang phía bên phải hoặc bên trái phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát (tùy theo phần đường, làn đường phương tiện giao thông cần kiểm soát đang lưu thông), sau đó đưa lên theo phương thẳng đứng, vuông góc với mặt đất; sử dụng còi, loa, phát tín hiệu ưu tiên của phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn người điều khiển phương tiện giao thông cần kiểm soát dừng vào vị trí phù hợp, an toàn để kiểm soát.
Người điều khiển phương tiện giao thông khi nhận được tín hiệu phải giảm tốc độ và dừng phương tiện giao thông vào vị trí theo hướng dẫn của cán bộ Cảnh sát giao thông;
+ Trường hợp phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát đi cùng chiều và ở phía sau phương tiện giao thông cần kiểm soát
Cán bộ Cảnh sát giao thông sử dụng loa, phát tín hiệu ưu tiên của phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát; hướng dẫn người điều khiển phương tiện giao thông cần kiểm soát dừng vào vị trí phù hợp, an toàn để kiểm soát. Trường hợp cần thiết, nếu bảo đảm an toàn, phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát có thể vượt lên phía trước phương tiện giao thông cần kiểm soát và thực hiện hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông theo quy định tại điểm a khoản này.
Người điều khiển phương tiện giao thông khi nhận được tín hiệu phải giảm tốc độ và dừng phương tiện giao thông vào vị trí theo hướng dẫn của cán bộ Cảnh sát giao thông.
Kết thúc tuần tra, kiểm soát Tổ cảnh sát giao thông phải thực hiện công việc gì?
Theo quy định tại Điều 25 Thông tư 32/2023/TT-BCA thì khi kết thúc thời gian tuần tra, kiểm soát, Tổ Cảnh sát giao thông phải thực hiện những công việc sau:
- Tổ trưởng phải họp Tổ để rút kinh nghiệm, nhận xét, đánh giá những ưu điểm, tồn tại, đề xuất ý kiến, ghi vào nhật ký trong Sổ kế hoạch và nhật ký tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ về tình hình trật tự, an toàn giao thông, kết quả tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính, những vấn đề khác có liên quan, đề xuất, kiến nghị và ký xác nhận.
- Báo cáo tình hình, kết quả của Tổ.
- Bàn giao cho cán bộ quản lý của đơn vị: Hồ sơ các vụ việc vi phạm hành chính, các giấy tờ liên quan, tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tiền phạt tại chỗ, các tài liệu, hình ảnh thu thập được bằng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc các phương tiện khác; phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ và các trang bị khác. Việc bàn giao phải ghi vào sổ theo quy định, được người giao và người nhận ký, ghi rõ họ tên và phải chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng đơn vị về việc bàn giao.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mức hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn khi mua nhà ở xã hội tại TP.HCM theo Quyết định 81/2024 là bao nhiêu?
- Mức phạt sử dụng đất trồng lúa sang loại đất khác mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo Nghị định 123/2024?
- Mẫu báo cáo sơ kết học kỳ 1 THPT mới nhất? Hướng dẫn viết mẫu báo cáo sơ kết học kỳ 1 THPT thế nào?
- Cập nhật giá đất các quận huyện TPHCM từ 31 10 2024? Bảng giá đất mới nhất của TPHCM từ 31 10 2024?
- Tiêu chí phân loại vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập là gì? Việc điều chỉnh vị trí việc làm thực hiện như thế nào?