Trình tự đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP được quy định như thế nào? Hồ sơ đánh giá sản phẩm OCOP bao gồm những gì?
Trình tự đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP được quy định như thế nào?
Căn cứ tiểu mục 1 Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định 148/QĐ-TTg năm 2023 có quy định về trình tự đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP như sau:
(1) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã) tổ chức đánh giá một số nội dung của Hồ sơ sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá sản phẩm OCOP, bao gồm các tiêu chí sau: nguồn gốc sản phẩm/nguyên liệu địa phương; sử dụng lao động địa phương; nguồn gốc ý tưởng sản phẩm; bản sắc/trí tuệ địa phương.
Căn cứ vào điều kiện và đặc điểm thực tế của địa phương, Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức họp với các bộ phận liên quan để lấy ý kiến về các nội dung đánh giá, sau đó ban hành Báo cáo đánh giá của UBND cấp xã về các tiêu chí trên.
(2) Công tác đánh giá tại huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (UBND cấp huyện) thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (Hội đồng cấp huyện), Tổ tư vấn (hoặc Tổ giúp việc) và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng.
- Hội đồng cấp huyện tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.
- UBND cấp huyện ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và Giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt 3 sao, tổ chức công bố kết quả.
- UBND cấp huyện chuyển hồ sơ các sản phẩm có số điểm đạt từ 70 điểm đến 100 điểm (từ 4 sao trở lên) lên Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (UBND cấp tỉnh) để đề nghị đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP.
(3) Công tác đánh giá tại cấp tỉnh
- Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập Hội đồng, Tổ tư vấn Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh (Hội đồng cấp tỉnh) và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng.
- Hội đồng cấp tỉnh tổ chức đánh giá, xếp hạng các sản phẩm do cấp huyện đề xuất.
- UBND cấp tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và Giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt 4 sao, tổ chức công bố kết quả.
- Trường hợp kết quả đánh giá của Hội đồng cấp tỉnh không đạt 4 sao, Hội đồng cấp tỉnh gửi trả kết quả (bằng văn bản) và hồ sơ về UBND cấp huyện:
+ Đối với những sản phẩm được Hội đồng cấp tỉnh đánh giá không đạt 70 điểm trở lên (nhưng đạt trên 50 điểm), UBND cấp huyện xem xét, lấy làm căn cứ để ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và cấp Giấy chứng nhận đạt 3 sao, hoặc tổ chức đánh giá và phân hạng theo thẩm quyền được phân cấp.
+ Đối với sản phẩm được Hội đồng cấp tỉnh đánh giá là hồ sơ không hợp lệ theo quy định, UBND cấp huyện hoàn thiện hồ sơ, đánh giá và phân hạng sản phẩm theo thẩm quyền được phân cấp.
- UBND cấp tỉnh chuyển hồ sơ các sản phẩm đạt từ 90 điểm đến 100 điểm lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
(4) Công tác đánh giá ở cấp trung ương
- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Hội đồng, Tổ tư vấn Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp trung ương (Hội đồng cấp trung ương) và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng.
- Hội đồng cấp trung ương tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm do UBND cấp tỉnh đề xuất.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và Giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt 5 sao (là sản phẩm OCOP cấp quốc gia), tổ chức công bố kết quả.
- Trường hợp kết quả đánh giá không đạt 5 sao, Hội đồng cấp trung ương gửi trả kết quả (bằng văn bản) và hồ sơ về UBND cấp tỉnh:
+ Đối với sản phẩm đánh giá không đạt 90 điểm, nhưng trên 70 điểm, UBND cấp tỉnh có thể căn cứ vào kết quả đánh giá của Hội đồng cấp trung ương để ban hành quyết định công nhận đạt 4 sao, cấp Giấy chứng nhận đạt 4 sao hoặc tổ chức đánh giá và phân hạng theo thẩm quyền được phân cấp.
+ Đối với sản phẩm được Hội đồng Trung ương đánh giá hồ sơ không hợp lệ theo quy định, UBND cấp tỉnh hoàn thiện hồ sơ, đánh giá và phân hạng sản phẩm theo thẩm quyền được phân cấp.
Trình tự đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP được quy định như thế nào? Hồ sơ đánh giá sản phẩm OCOP bao gồm những gì? (Hình từ Internet)
Thành phần Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP các cấp bao gồm những ai?
Căn cứ tiểu mục 2 Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định 148/QĐ-TTg năm 2023 có quy định về thành phần Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP các cấp bao gồm:
(1) Thành phần Hội đồng cấp trung ương: Có từ 07 đến 09 thành viên, bao gồm:
- Chủ tịch Hội đồng: Đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Đại diện các Bộ: Công Thương; Y tế; Khoa học và Công nghệ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tài nguyên và Môi trường; đại diện cơ quan tham mưu triển khai Chương trình OCOP cấp trung ương.
- Đại diện khác (nếu có): Chuyên gia tư vấn Chương trình OCOP; Chuyên gia thuộc tổ chức, đơn vị kiểm định chất lượng; đại diện các hiệp hội, hội có liên quan.
(2) Thành phần Hội đồng cấp tỉnh: Có từ 09 đến 11 thành viên, bao gồm:
- Chủ tịch Hội đồng: Đại diện lãnh đạo UBND cấp tỉnh.
- Đại diện các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương; Y tế; Khoa học và Công nghệ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tài nguyên và Môi trường; đại diện cơ quan tham mưu triển khai Chương trình nông thôn mới, Chương trình OCOP cấp tỉnh.
- Chuyên gia tư vấn Chương trình OCOP; đại diện các hiệp hội, hội có liên quan (nếu có).
(3) Thành phần Hội đồng cấp huyện: Có từ 09 đến 11 thành viên, gồm:
- Chủ tịch Hội đồng: Đại diện lãnh đạo UBND cấp huyện.
- Đại diện các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y tế; Công Thương; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Khoa học và Công nghệ; Tài nguyên và Môi trường. Trong đó, thành phần bắt buộc là đại diện các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường và Sở quản lý sản phẩm theo quy định tại Phụ lục I.
- Đại diện các phòng, ban chuyên môn, tổ chức có liên quan; chuyên gia tư vấn Chương trình OCOP.
Hồ sơ đánh giá sản phẩm OCOP bao gồm những gì?
Căn cứ tiểu mục 3 Phụ lục II ban hành kèm theoQuyết định 148/QĐ-TTg năm 2023 có quy định về hồ sơ đánh giá sản phẩm OCO như sau:
(1) Hồ sơ sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá sản phẩm OCOP (Hồ sơ sản phẩm): Do các chủ thể OCOP (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ hộ sản xuất...) chuẩn bị, bao gồm:
- Phiếu đăng ký đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (mẫu biểu số 1).
- Báo cáo của chủ thể đánh giá về sản phẩm theo Bộ tiêu chí (mẫu biểu số 2).
(2) Hồ sơ đề xuất đánh giá sản phẩm cấp huyện: Do các chủ thể OCOP chuẩn bị, bao gồm:
- Báo cáo đánh giá của UBND cấp xã về một số tiêu chí (theo quy định tại khoản a, mục 1 và biểu mẫu số 3).
- Hồ sơ sản phẩm.
(3) Hồ sơ đề xuất đánh giá sản phẩm cấp tỉnh: Do UBND cấp huyện chuẩn bị, bao gồm:
- Công văn gửi UBND cấp tỉnh đề nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
- Tài liệu họp Hội đồng cấp huyện: Báo cáo thẩm định của Tổ tư vấn; Biên bản đánh giá của Hội đồng cấp huyện; Quyết định phê duyệt kết quả chấm điểm.
- Hồ sơ sản phẩm.
(4) Hồ sơ đề xuất đánh giá sản phẩm cấp quốc gia: Do UBND cấp tỉnh chuẩn bị, bao gồm:
- Công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
- Tài liệu họp Hội đồng cấp tỉnh, bao gồm: Báo cáo thẩm định của Tổ tư vấn; Biên bản đánh giá của Hội đồng cấp tỉnh; Quyết định phê duyệt kết quả chấm điểm.
- Hồ sơ sản phẩm.
- Các văn bản xác nhận kiểm tra, kiểm nghiệm bổ sung của cấp tỉnh (nếu có).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thế chấp tàu biển là gì? Nguyên tắc thế chấp tàu biển Việt Nam được pháp luật quy định thế nào?
- Hướng dẫn lập Bảng cân đối tài khoản kế toán hợp tác xã chi tiết? Quyền của hợp tác xã được quy định như thế nào?
- Cá nhân kinh doanh khai sai căn cứ tính thuế không bị xử phạt hành chính trong trường hợp nào theo quy định?
- Lịch bắn pháo hoa TP Buôn Ma Thuột ngày 22 11 2024 như thế nào? Thời gian bắn pháo hoa TP Buôn Ma Thuột ngày 22 11 2024 ra sao?
- Mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức áp dụng từ 20 11 2024 theo Quyết định 2410 QĐ-NHNN?