Tin cuối cùng về BÃO SỐ 3 (YAGI); CẢNH BÁO mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất

(Chinhphu.vn) - Sau khi đi vào Bắc Bộ, Bão số 3 (Siêu bão YAGI) đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Sáng 8/9, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Tây Bắc.

Dự báo vị trí và đường đi của Bão số 3 (YAGI)

Bão số 3 (YAGI) đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Ngày 3/9, bão YAGI đi vào vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 3 trong năm 2024.

Sáng 5/9, bão số 3 tiếp tục mạnh lên cấp 16 (cấp siêu bão).

Sáng 8/9, sau khi đi vào Bắc Bộ, Bão số 3 (YAGI) đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Sau dód, áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ cơn bão số 3) đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực phía Tây Bắc Bộ.

Hồi 10 giờ, vị trí vùng áp thấp ở vào khoảng 21,4 độ Vĩ Bắc; 104,5 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).

Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây suy yếu và tan dần.

Tình hình mưa lớn ở Bắc Bộ; gió mạnh và sóng lớn ở Vịnh Bắc Bộ còn diễn biến phức tạp. Cần chú ý theo dõi các bản tin dự báo mưa lớn và tin thời tiết nguy hiểm trên biển tiếp theo.

Đây là tin cuối cùng về cơn bão số 3.

MƯA LỚN Ở BẮC BỘ VÀ THANH HÓA

Từ đêm qua đến chiều tối nay (08/9), ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa to đến rất to. Lượng mưa tính từ 19h ngày 07/9 đến 19h ngày 08/9 có nơi trên 400mm như: Tà Sì Láng (Yên Bái) 423.2mm, Pú Dảnh (Sơn La) 410mm, …

Dự báo diễn biến mưa lớn trong 24 giờ đến 48 giờ tới

- Phía Tây Bắc Bộ:

+ Từ tối ngày 08/9 đến chiều tối ngày 09/9, có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 70-140mm, cục bộ có nơi trên 250mm.

+ Từ đêm 09/9 đến chiều tối ngày 10/9 có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 200mm.

- Phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa:

+ Từ tối ngày 08/9 đến chiều tối ngày 09/9, khu vực vùng núi và trung du có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 40-80mm, cục bộ có nơi trên 150mm. Khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa, mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to và dông với lượng mưa phổ biến 15-30mm, có nơi trên 60mm.

+ Từ đêm 09/9 đến chiều tối ngày 10/9 có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30-60mm, có nơi trên 120mm.

Dự báo chi tiết:

Khu vực

Thời gian ảnh hưởng

Tổng lượng (mm)

Phía Tây Bắc Bộ

Từ tối ngày 08/9 đến chiều tối ngày 09/9

70-140, cục bộ có nơi trên 250


Từ đêm 09/9 đến chiều tối ngày 10/9

50-100, có nơi trên 200

Phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa

Từ tối ngày 08/9 đến chiều tối ngày 09/9

40-80, cục bộ có nơi trên 150; riêng khu vực đồng bằng và Thanh Hóa: 15-30, có nơi trên 60


Từ đêm 09/9 đến chiều tối ngày 10/9

30-60, có nơi trên 120

Cảnh báo: đêm 10/9 và ngày 11/9 ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 30-60mm, cục bộ có nơi trên 100mm.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét: cấp 1.

Dự báo tác động của mưa lớn: Mưa lớn và mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc (thông tin cảnh báo khu vực nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thời gian thực được cung cấp trực tuyến trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Khí tượng Thủy văn tại địa chỉ: https://luquetsatlo.nchmf.gov.vn và trong bản tin riêng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất).

TIN CẢNH BÁO LŨ QUÉT, SẠT LỞ ĐẤT, SỤT LÚN ĐẤT DO MƯA LŨ HOẶC DÒNG CHẢY KHU VỰC CÁC TỈNH BẮC BỘ VÀ THANH HÓA

Tình hình mưa đã qua: Trong 24 giờ qua (từ 20 giờ ngày 07/9 đến 20 giờ ngày 08/9), khu vực các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa đã có mưa, có nơi mưa vừa đến mưa to như: Pú Dảnh 417mm (Sơn La); Vạn Mai 343mm (Hoà Bình); Nậm Xây2 383mm (Lào Cai); Tà Si Láng 425 mm (Yên Bái); Bản Péo 211,6 mm (Hà Giang); Xuân Sơn 303 mm (Phú Thọ); Bình Văn 252mm (Bắc Kạn); Hóa Thượng 272mm (Thái Nguyên); Hồng An 240mm (Cao Bằng); Tân Văn 1 246mm (Lạng Sơn); Vàng Danh 234mm (Quảng Ninh); Tân Sơn 255mm (Bắc Giang); Trung Sơn2 181mm (Thanh Hóa);...

Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.

Cảnh báo mưa trong thời gian tiếp theo: Trong 03-06 giờ tới, khu vực các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa với lượng mưa phổ biến như sau: các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La từ 30-50mm, có nơi trên 100mm; các khu vực khác từ 10-30mm, có nơi trên 50mm.

Cảnh báo nguy cơ: Trong 06 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: Cấp 1, riêng Yên Bái, Lạng Sơn, Sơn La, Lào Cai, Bắc Kạn, Hòa Bình, Quảng Ninh và Thái Nguyên: cấp 2.

Cảnh báo tác động của lũ quét, sạt lở, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.

Danh sách các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá trong 06 giờ tới

TT

Tỉnh/TP

Huyện

1

Lai Châu

Phong Thổ, Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên

2

Điện Biên

Điện Biên, Điện Biên Đông

3

Sơn La

Bắc Yên, Mai Sơn, Mộc Châu, Mường La, Phù Yên,

Quỳnh Nhai, Sông Mã, Sốp Cộp, Thuận Châu, Vân Hồ, Yên Châu

4

Hoà Bình

Cao Phong, Đà Bắc, Kim Bôi, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Lương Sơn, Mai Châu, Tân Lạc, Yên Thủy, TP.Hòa

Bình

5

Lào Cai

Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên, Bát Xát, Mường

Khương, Si Ma Cai, Văn Bàn, TP.Lào Cai, TX.Sa Pa

6

Yên Bái

Lục Yên, Mù Căng Chải, Trạm Tấu, Trấn Yên, Văn

Chấn, Văn Yên, Yên Bình, TP.Yên Bái, TX.Nghĩa Lộ

7

Hà Giang

Bắc Mê, Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Mèo Vạc, Quản Bạ, Quang Bình, Vị Xuyên, Xín Mần, Yên Minh,

TP.Hà Giang

8

Tuyên Quang

Chiêm Hóa, Hàm Yên, Lâm Bình, Na Hang, Sơn

Dương, Yên Sơn, TP.Tuyên Quang

9

Vĩnh Phúc

Sông Lô, Tam Đảo

10

Phú Thọ

Cẩm Khê, Đoan Hùng, Hạ Hoà, Lâm Thao, Tam Nông, Tân Sơn, Thanh Ba, Thanh Sơn, Thanh Thuỷ, Yên Lập,

TP.Việt Trì, TX.Phú Thọ

11

Bắc Kạn

Ba Bể, Bạch Thông, Chợ Đồn, Chợ Mới, Na Rì, Ngân

Sơn, Pác Nặm, TP.Bắc Kạn

12

Thái Nguyên

Đại Từ, Định Hóa, Đồng Hỷ, Phú Bình, Phú Lương, Võ

Nhai, TP.Phổ Yên, TP.Sông Công, TP.Thái Nguyên

13

Cao Bằng

Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hạ Lang, Hà Quảng, Hoà An, Nguyên Bình, Quảng Hòa, Thạch An, TP.Cao Bằng,

Trùng Khánh

14

Lạng Sơn

Bắc Sơn, Bình Gia, Cao Lộc, Chi Lăng, Đình Lập, Hữu Lũng, Lộc Bình, Tràng Định, Văn Lãng, Văn Quan,

TP.Lạng Sơn

15

Quảng Ninh

Bình Liêu, Tiên Yên, TP.Hạ Long, TP.Uông Bí,

TX.Đông Triều

16

Bắc Giang

Lạng Giang, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, Tân Yên,

Yên Dũng, Yên Thế, TX.Việt Yên

17

Thanh Hóa

Bá Thước, Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn

Bão số 3 đi vào đất liền gây gió mạnh cấp 10, 11, 12 ở Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định

Trao đổi nhanh với báo chí về diễn biến bão số 3, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, tính đến 9h sáng nay (7/9), bão số 3 vẫn ở cấp 14.

Khoảng cách từ tâm bão đến khu vực đất liền các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình còn khoảng 130km về phía Đông.

Trong thời gian tới bão tiếp tục theo hướng Tây Tây Bắc và chiều nay có khả năng đi vào đất liền gây gió mạnh cấp 10, 11, 12 ở khu vực Quảng Ninh, Thái Bình và Nam Định và cấp 8, 10 ở khu vực Thanh Hóa cũng như các tỉnh sâu trong đất liền như Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, gió trên đất liền sẽ mạnh dần lên và mở rộng dần xuống phía Nam tỉnh Quảng Ninh, sau đó là các tỉnh Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định.

Ngoài ra, sóng lớn ở khu vực vịnh Bắc Bộ duy trì liên tục từ giờ đến trưa hôm nay. Đối với các khu vực ven bờ cảnh báo mức dâng 0,5-2m. Trong đó đặc biệt ở Quảng Ninh mức dâng cao nhất có thể đến 2m, cao điểm của thời gian xảy ra mức dâng trong sáng và trưa hôm nay.

Bão số 3 sẽ gây ra đợt mưa rất lớn ở khu vực Bắc Bộ, thời gian mưa lớn ở khu vực Đông Bắc Bộ tập trung vào ngày và đêm hôm nay (7/9), chiều và đêm nay mưa lớn sẽ mở rộng ra khu vực phía Tây Bắc Bộ và đợt mưa này kéo dài đến ngày 9/9.

Với tổng lượng mưa dự báo khoảng 150-350mm, có nơi trên 500mm. Khu vực Bắc Bộ có khả năng xảy ra đợt lũ.

Ngoài ra, các tỉnh vùng núi Trung du Bắc Bộ như khu vực vùng núi Thanh Hóa, Nghệ An có khả năng xảy ra đợt lũ quét, sạt lở đất diện rộng.

Hà Nội có khả năng gió giật cấp 10, mưa lớn tới 350mm

Nhận định về ảnh hưởng của bão số 3 đến thủ đô Hà Nội, ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết: "Cơn bão số 3 rất mạnh và hoàn lưu rộng, mặc dù Hà Nội không ảnh hưởng trực tiếp hoàn lưu bão số 3 nhưng từ chiều và tối nay, Hà Nội có khả năng có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 9, cấp 10.

Cùng với gió mạnh giật cao như vậy, Hà Nội có khả năng xảy ra đợt mưa lớn, lượng mưa có thể lên tới 150-350 mm".

Ông Nguyễn Văn Hưởng khuyến cáo, tại Hà Nội, gió mạnh có khả năng làm gãy đổ cây như cơn giông lốc buổi chiều hôm qua là ví dụ.

Người dân lưu ý chiều và tối nay, thời điểm tác động trực tiếp của cơn bão số 3, gió có thể làm cây cối, mái tôn, biển quảng cáo đổ nên người dân hạn chế ra khỏi đường và tốt nhất không nên ra khỏi nhà.

Mưa lớn gây ra tình trạng ngập úng cần có phương án xử lý, phòng, chống ngập lụt ở khu vực Hà Nội trong chiều và đêm nay.

Thành lập Bộ Chỉ huy tiền phương tại Hải Phòng chỉ đạo phòng, chống bão số 3

Trước tình hình bão số 3 với cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp đang ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta, Chính phủ đã thành lập Sở Chỉ huy tiền phương tại Hải Phòng để chỉ đạo công tác phòng, chống bão.

Một số Bộ trưởng, Thứ trưởng được cử xuống các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố ven biển để chỉ đạo, đôn đốc phòng, chống bão; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã huy động lực lượng ứng trực và giúp dân phòng chống bão.

Cho biết Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp có các Công điện về về theo dõi diễn biến, tổ chức các biện pháp phòng, chống bão, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trực tiếp chỉ đạo phòng, chống bão và khắc phục hậu quả ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ do hoàn lưu bão theo đúng tinh thần các Công điện của Thủ tướng.

Tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 88/CĐ-TTg ngày 6/9/2024 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão.

Công điện gửi Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc; Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Ngoại giao, Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Theo báo cáo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, đêm ngày 06 tháng 9 năm 2024, bão số 3 đã đi vào Vịnh Bắc Bộ, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 17; từ ngày 07 tháng 9, bão sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ gây gió mạnh, mưa lớn (lượng mưa phổ biến 100-350mm, cục bộ có nơi trên 500mm), nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các đô thị, vùng thấp trũng, sạt lở đất, lũ quét ở trung du và miền núi.

Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 03 tháng 9 năm 2024 và số 87/CĐ-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2024, tập trung ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân và nhà nước.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nêu trên, căn cứ diễn biến tình hình bão, mưa lũ thực tế tại địa phương khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài đường nếu không có việc thực sự cần thiết; quyết định việc cho học sinh các cấp nghỉ học để bảo đảm an toàn.

3. Giao các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ theo lĩnh vực công tác được phân công, trực tiếp theo dõi, chỉ đạo thực hiện các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Công điện này.

Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Công điện này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề đột xuất, phát sinh./.

Sáng 5/9, bão số 3 (YAGI) đã mạnh lên thành siêu bão, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 năm 2024.

Công điện gửi Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang; Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Công điện nêu rõ: Sáng nay (ngày 05 tháng 9 năm 2024), bão số 3 đã mạnh lên thành siêu bão, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17.

Dự báo, từ sáng mai bão ảnh hưởng trực tiếp đến Vịnh Bắc Bộ với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 16; từ đêm mai ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta với sức gió mạnh nhất có thể đạt cấp 10-12, giật cấp 13-14 và ảnh hưởng sâu vào đất liền, khả năng bão gây gió mạnh, nước dâng, sóng lớn trên biển và ven biển, gió mạnh và mưa lớn diện rộng trên đất liền.

Bão số 3 được dự báo có cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Thứ nhất, Bộ trưởng các Bộ, Bí thư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương nêu trên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bão với tinh thần phải chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước.

Đình hoãn các cuộc họp không thật cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để chống bão

Thứ hai, các đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nêu trên đình hoãn các cuộc họp không thật cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công từng đồng chí trong Thường vụ, thường trực Ủy ban trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão, lũ, trong đó tập trung:

Rà soát kỹ, triển khai ngay công tác bảo đảm an toàn đối với các hoạt động trên biển, đảo; bảo đảm an toàn cho người, tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển (đặc biệt là tàu thuyền ở khu vực Vịnh Bắc Bộ và ven biển từ Hà Tĩnh trở ra) và tại nơi tránh trú.

Bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, tàu thuyền tại nơi tránh trú, khu vực có nguy cơ ngập sâu do sóng lớn, nước dâng, mưa lũ, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét không bảo đảm an toàn, kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm khi bão ảnh hưởng trực tiếp và mưa lũ lớn (trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân).

Chỉ đạo đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ đập, an toàn giao thông, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập úng khu đô thị và khu công nghiệp.

Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh khi bão, lũ.

Xem xét trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị lơ là, chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão, lũ; xử lý nghiêm chủ doanh nghiệp, phương tiện, tàu thuyền, lồng bè không tuân thủ chỉ đạo của cơ quan chức năng và lực lượng có thẩm quyền trong công tác phòng, chống bão.

Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với bão, lũ dẫn tới thiệt hại lớn về người và tài sản.

Khẩn trương rà soát, cập nhật phương án ứng phó theo mức độ rủi ro của bão

Thứ ba, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát, cập nhật phương án ứng phó theo mức độ rủi ro của bão, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp với các lực lượng có liên quan triển khai công tác phòng, chống bão, lũ theo quy định.

Các Bộ, ngành khác theo chức năng quản lý nhà nước được giao tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác phòng, chống bão theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 03 tháng 9 năm 2024.

Thứ tư, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức trực ban 24/7 theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai thực tế, kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.

Thứ năm, giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai kịp thời, có hiệu quả công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão.

Thứ sáu, Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Công điện này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách những vấn đề đột xuất, phát sinh.

THỦ TƯỚNG CHỈ ĐẠO KHẨN TRƯƠNG ỨNG PHÓ BÃO SỐ 3 (BÃO YAGI)

Trước đó, ngày 3/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.

Công điện gửi Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình; Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Ngoại giao, Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Sáng nay (ngày 03 tháng 9 năm 2024), cơn bão có tên quốc tế là YAGI đã vượt qua đảo Lu-Dông (Philippin) vào khu vực đông bắc biển Đông trở thành cơn bão số 3 hoạt động trên biển Đông trong năm 2024, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 12.

Dự báo, bão số 3 sẽ tiếp tục mạnh thêm, sức gió mạnh nhất trên biển có thể đạt cấp 13, giật cấp 16 trong những ngày tới, di chuyển nhanh về phía đảo Hải Nam (Trung Quốc) và khu vực Vịnh Bắc Bộ, khả năng rất cao ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển và đất liền khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta.

Đây là cơn bão được dự báo có cường độ rất mạnh, để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ do ảnh hưởng của bão, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Triển khai ứng phó Bão số 3 theo phương châm "bốn tại chỗ", không để bị động, bất ngờ

Thứ nhất, Bộ trưởng các bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương nêu trên chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ" theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

Thứ hai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nêu trên căn cứ tình hình thực tế và khả năng ảnh hưởng của bão, mưa lũ tại địa phương chủ động thông tin kịp thời, chỉ đạo, hướng dẫn người dân ứng phó với bão, lũ, trong đó:

Tập trung bảo đảm an toàn cho các hoạt động trên biển, đảo: Tổ chức rà soát, kiểm đếm, chủ động thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch) còn đang hoạt động trên biển biết, không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; có biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu.

Rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên biển, cửa sông, ven bờ; kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp.

Căn cứ tình hình cụ thể, chủ động quyết định việc cấm biển đối với tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch.

Bảo đảm an toàn khu vực ven biển và trên đất liền: Chủ động tổ chức sơ tán người dân ra khỏi các nhà yếu không đảm bảo an toàn, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, nhất là ở cửa sông, ven biển.

Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, đê điều; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập úng khu đô thị và khu công nghiệp.

Kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ, mưa lũ lớn để đảm bảo an toàn.

Bảo đảm an toàn khu vực miền núi: Chủ động di dời, sơ tán dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm "bốn tại chỗ" để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

Kiểm tra, chủ động biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du; bố trí lực lượng thường trực sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.

Kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ nếu xảy ra tạ cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

Thông tin kịp thời về diễn biến bão, mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để các cơ quan liên quan và người dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó

Thứ ba, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát tình hình bão, lũ, chủ động chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, địa phương liên quan kịp thời triển khai có hiệu quả công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản, kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Thứ tư, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi chặt chẽ, tăng cường bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến bão, mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để các cơ quan liên quan và người dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Thứ năm, Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an chỉ đạo các lực lượng đóng trên địa bàn rà soát phương án ứng phó, chủ động tổ chức triển khai lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ địa phương ứng phó với bão, lũ, sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn.

Thứ sáu, Bộ trưởng các Bộ: Giao thông vận tải, Công Thương và các bộ, ngành có liên quan theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được phân công chủ động chỉ đạo, phối hợp với các địa phương triển khai công tác bảo đảm an toàn các hoạt động dầu khí trên biển, khai thác khoáng sản và hệ thống lưới điện; vận hành đảm bảo an toàn hồ chứa thủy điện; đảm bảo an toàn giao thông theo quy định.

Thứ bẩy, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan truyền thông tăng cường thời lượng, đưa tin kịp thời về diễn biến của bão, mưa lũ và công tác chỉ đạo ứng phó để người dân biết, chủ động phòng, tránh.

Thứ tám, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan thuộc quyền xử lý các vấn đề liên quan đến vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm… do bão, mưa, lũ gây ra.

Thứ chín, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai Công điện này.

Thứ mười, Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Công điện này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách những vấn đề đột xuất, phát sinh.

Khẩn trương triển khai ứng phó Bão số 3. Đồ họa TTXVN

Triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều ứng phó với bão số 3

Ngày 04/9/2024, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có Công văn số 6505/BNN-ĐĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ về việc triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều ứng phó với bão số 3

Bão số 3 (tên quốc tế là YAGI) đang hoạt động trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc biển Đông có cường độ rất mạnh (sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 14 và còn tiếp tục mạnh lên cấp 14-15, giật cấp 16-17) sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, đe dọa trực tiếp đến an toàn các tuyến đê biển, đê cửa sông và hoàn lưu của bão có thể gây mưa lớn kéo dài, ảnh hưởng đến an toàn các tuyến đê sông.

Để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện một số nội dung sau:

1. Thực hiện nghiêm Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 03/9/20204 của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3.

2. Đối với các tuyến đê biển, đê cửa sông:

a) Tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu, đặc biệt là các tuyến đê thường xảy ra sự cố khi có bão đổ bộ, các vị trí đê, kè đã bị xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục (như đê biển Cồn Tròn, Hải Thịnh và sự cố sạt lở kè biển Thịnh Long trên tuyến đê biển Hải Hậu, tỉnh Nam Định), các công trình đê điều đang thi công dở dang (nhất là đối với các cống tiêu số 1, số 2 trên tuyến đê biển Hà Nam, tỉnh Quảng Ninh), các tuyến đê biển chưa được gia cố mặt đê, mái đê phía đồng nguy cơ bị sạt lở khi sóng tràn qua (như tuyến đê biển Bình Minh 4, tỉnh Ninh Bình); trong đó phải khẩn trương hoàn thành gia cố các vị trí có nguy cơ mất an toàn trước khi bão đổ bộ.

b) Bố trí sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị để hộ đê, kịp thời xử lý các sự cố xảy ra ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê.

3. Đối với các tuyến đê sông:

a) Kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu; khẩn trương gia cố các vị trí đê điều đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục và các công trình đê điều đang thi công dở dang để chủ động ứng phó với tình huống mưa lớn kéo dài do hoàn lưu của bão và vận hành điều tiết xả lũ của các hồ chứa có thể gây lũ trên hệ thống sông.

b) Tăng cường công tác kiểm tra đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo đúng quy định của Luật Đê điều và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 06/01/2009 (như Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có ý kiến gửi UBND các tỉnh, thành phố tại văn bản số 5218/BNN-ĐĐ ngày 22/7/2024).

4. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, tình hình hệ thống đê điều, báo cáo kịp thời các sự cố đê điều về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên) để phối hợp chỉ đạo.

Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện./.

BỘ TỔNG THAM MƯU CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ BÃO SỐ 3

Nhằm chủ động ứng phó với bão Yagi, Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) vừa có Công điện gửi các Quân khu: 1, 2, 3, 4, 5, 7, 9; Quân chủng: Hải quân, Phòng không - Không quân; Bộ tư lệnh: Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Thủ đô Hà Nội; Quân đoàn 12, 3, 4; Binh chủng: Pháo binh, Đặc công, Tăng thiết giáp, Công binh, Thông tin liên lạc, Hóa học; Binh đoàn: 11, 12, 15, 16, 18.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão trên Biển Đông và mưa lớn có thể gây ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt vùng trũng thấp, khu đô thị tại vùng núi phía Bắc, khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên, Cục Cứu hộ - Cứu nạn đề nghị các đơn vị quân đội thực hiện một số nội dung sau:

Duy trì nghiêm chế độ trực, theo dõi nắm chắc tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn. Phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, vận động tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp chủ động ứng phó; chủ động điều động lực lượng, phương tiện, di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Bộ tư lệnh Quân khu: 1, 2, 3, 4, 5, 7, 9; Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh, thành phố (quận, huyện) nắm chắc tình hình di chuyển của bão Yagi, mưa lớn khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên; rà soát, bổ sung các kế hoạch, phương án; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp với các đơn vị đứng chân trên địa bàn sẵn sàng lực lượng, phương tiện xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống; bảo đảm an toàn tuyệt đối lực lượng, phương tiện khi đi làm nhiệm vụ.

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh, thành phố và các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, tổ chức kiểm đếm, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão Yagi để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm, thường xuyên duy trì thông tin liên lạc, sẵn sàng xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.

Quân chủng Hải quân, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển chỉ đạo các đơn vị bảo đảm an toàn cho các phương tiện đang hoạt động trên biển; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Quân chủng Phòng không - Không quân, Binh đoàn 18 sẵn sàng lực lượng, phương tiện bay tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh của Bộ Quốc phòng.

Bộ tư lệnh các Quân đoàn, Binh chủng, Binh đoàn có biện pháp bảo đảm an toàn doanh trại, kho tàng; chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với mưa lớn, lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất trên địa bàn, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả.

Các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện và báo cáo về Bộ Tổng Tham mưu (qua Cục Cứu hộ - Cứu nạn) để giúp Bộ theo dõi, chỉ đạo.

BỘ CÔNG AN CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ BÃO SỐ 3 (YAGI) VÀ MƯA LŨ

Ngày 3/9, Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và và phòng thủ dân sự Bộ Công an (gọi tắt là Ban Chỉ đạo ƯPT BCA) có công điện gửi Ban chỉ huy ƯPT Công an các tỉnh, thành phố và các đơn vị chức năng về việc chủ động ứng phó với bão Yagi và mưa lũ do ảnh hưởng của bão.

Cụ thể, Công điện gửi Ban chỉ huy ƯPT Công an các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình và Thủ trưởng các đơn vị: Cục An ninh kinh tế; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục CSGT; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cục Kế hoạch và tài chính; Cục Quản lý xây dựng và doanh trại; Cục Trang bị và kho vận; Cục Y tế; Cục Truyền thông CAND về việc chủ động ứng phó với bão Yagi và mưa lũ do ảnh hưởng của bão.

Công điện nêu rõ: Thực hiện Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3/9/2024, của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương ứng phó bão số 3; Ban Chỉ đạo ƯPT BCA yêu cầu Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương chỉ đạo, triển khai theo dõi sát diễn biến của bão, chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng thông báo, hướng dẫn các chủ phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để ứng phó, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm, về nơi tránh trú an toàn.

Tổ chức hướng dẫn người dân thực hiện ngay các biện pháp hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão, mưa, lũ gây ra.

Phối hợp với các cấp, ngành khẩn trương sơ tán, di dời người dân cùng phương tiện, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, nhất là các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của bão, mưa lũ, khả năng cao xảy ra ngập sâu, sạt lở đất, lũ quét.

Bố trí lực lượng, phương tiện chủ động mọi mặt ngay công tác bảo đảm ANTT, phòng, chống thiên tai, xử lý ngay tại cơ sở, không chủ quan, mất cảnh giác, không để bị động, bất ngờ, nhất là đảm bảo an toàn cho người, tài sản trên các đảo, âu thuyền tránh trú bão, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, phương tiện và các hoạt động du lịch, công trình đang xây dựng khu vực ven biển và vùng trọng điểm của mưa, lũ, bão.

Kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tầu thuyền tại các khu neo đậu, tránh trú, đảm bảo an toàn cháy nổ, ANTT, xã hội.

Bảo đảm an toàn giao thông, nhất là dịp sau lễ 2/9, người dân trở về nơi làm việc, sinh sống, kiên quyết đảm bảo an toàn nhất về người và phương tiện lưu thông, không để xảy ra thiệt hại về người do bất cẩn, chủ quan, nhất là đảm bảo an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết và tham mưu đề xuất cấm đường vượt biển, cầu vượt biển, phà giao thông, các bến đò ngang trong trường hợp cần thiết.

Kịp thời tổ chức cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ gây ra.

Chủ động các phương án, trang thiết bị, phương tiện đặc chủng chuyên dùng, kịp thời phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai; dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm đề phòng mưa lũ gây chia cắt kéo dài nhiều ngày.

Bảo đảm an toàn các lực lượng, an toàn trụ sở, các cơ sở giam giữ của lực lượng CAND.

Tuyên truyền sâu rộng, kịp thời về hình ảnh là đi đầu, nòng cốt của lực lượng CAND trong phòng, chống bão, mưa lũ.

Các đơn vị chức năng của Bộ chủ động mọi lực lượng, phương tiện, vật tư, cơ số thuốc men, y tế, kinh phí để kịp thời chi viện cho các địa phương, các địa bàn và triển khai các phương án đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.

Chỉ đạo Công an các địa phương nắm chắc tình hình, diễn biến bão, mưa lũ, phối hợp các cấp, các ngành theo dõi chặt chẽ và tham mưu chỉ đạo việc xả lũ các hồ thủy điện đảm bảo đúng quy trình, an toàn hồ đập và đặc biệt lưu ý việc thông báo, hỗ trợ di dời dân vùng hạ lưu khi có nguy hiểm.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, kịp thời thông tin, truyền đạt mệnh lệnh của lãnh đạo Bộ đến Công an các đơn vị, địa phương, nhất là cấp cơ sở; đảm bảo quân số sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ bảo đảm ANTT và phòng, chống bão, mưa, lũ.

Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về Bộ theo quy định (qua Văn phòng Bộ, SĐT: 069.2299150, 0904231899 hoặc 0979087633).

Tuyệt đối KHÔNG TỔ CHỨC KHAI GIẢNG ở nhưng nơi mưa lớn có nguy cơ sạt lở, ngập úng

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có Công điện gửi Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh/thành phố phía Bắc từ Nghệ An trở ra về việc chủ động ứng phó bão số 3.

Công điện nêu rõ, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 16h chiều ngày 3/9/2024, vị trí tâm bão số 3 (Yagi) đang ở trên vùng biển phía đông khu vực Bắc Biển Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (89 - 102km/h), giật cấp 12.

Dự báo bão số 3 có khả năng sẽ đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh Bắc Bộ ở cường độ rất mạnh, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình.

Để chủ động ứng phó với bão số 3, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh/thành phố phía Bắc từ Nghệ An trở ra nghiêm túc triển khai theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, ứng trực 24/24 giờ.

Giữ liên hệ thường xuyên với các cơ quan chức năng, lực lượng cứu hộ địa phương để kịp thời ứng phó trong trường hợp có sự cố xảy ra, thực hiện phương châm “4 tại chỗ”.

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức Lễ khai giảng năm học mới gọn nhẹ, an toàn, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Tuyệt đối không tổ chức khai giảng tại những nơi mưa lớn có nguy cơ sạt lở, ngập úng.

Lên các phương án và kịp di dời tài sản, máy móc, thiết bị, bàn ghế, hồ sơ, sách vở đến nơi an toàn đảm bảo không hư hại, hỏng hóc, mất mát, hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra

Khẩn trương khắc phục các thiệt hại; dọn dẹp, vệ sinh trường/lớp học ngay sau mưa bão đảm bảo an toàn, sạch sẽ, phòng tránh dịch bệnh để chuẩn bị các điều kiện phục vụ năm học mới.

Liên tục cập nhật thông tin, tổng hợp thiệt hại và lên phương án xử lý báo cáo UBND cấp tỉnh để khắc phục, đồng thời báo cáo về Bộ GD&ĐT để tổng hợp báo cáo Chính phủ.

Mở 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Tuyên Quang

Ngày 3/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công điện số 6476/CĐ-BNN-ĐĐ lệnh công ty thủy điện Tuyên Quang mở 01 cửa xả đáy vào 14h00 ngày 13/9/2024.

Theo đó, hồi 08h00’ ngày 03/9/2024, mực nước thượng lưu hồ Tuyên Quang ở cao trình 117,49m, lưu lượng đến hồ 827m3/s, lưu lượng xả 195m3/s;

Thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng tại Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 29/6/2024 của Chính phủ về việc bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai trong thời gian kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Tuyên Quang:

- Mở 01 cửa xả đáy hồ thủy điện Tuyên Quang vào hồi 14h00’ ngày 03/9/2024.

- Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, an toàn công trình, lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu hồ chứa kịp thời báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai) và các cơ quan liên quan theo quy định.

Chủ động ứng phó với bão gần biển Đông (bão YAGI)

Ngày 2/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công điện số 475/CĐ-BNN- ĐĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên; các bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công thương, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao; Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam về việc ứng phó với bão gần biển Đông.

Công điện nêu rõ, theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 10 giờ, ngày 2/9, bão Yagi đang hoạt động trên vùng biển phía Đông đảo Luzon (Philippines), vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc, 122,7 độ Kinh Đông với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 11. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 20km/h.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nêu trên theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi.

Tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ phương tiện, thuyền trưởng tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển, diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới là Phía Bắc vĩ tuyến 15,0; phía Đông kinh tuyến 119,0 (vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo).

Các tỉnh, thành phố sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, hệ thống Đài thông tin duyên hải và cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương tăng cường thông tin về diễn biến của bão đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.

Các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai)./.

Theo Báo điện tử Chính phủ

https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/bao-yagi-giat-cap-15-huong-vao-vinh-bac-bo-1192409021359583.htm

Ứng phó thiên tai
Siêu bão yagi
Căn cứ pháp lý
MỚI NHẤT
Thư viện nhà đất
Nội dung chi của Quỹ phòng, chống thiên tai gồm những gì?
Pháp luật
Bão số 7 là gì? Bản tin bão số 7 trên Biển Đông ban hành khi nào? Dự báo về ảnh hưởng của bão số 7 trên Biển Đông như thế nào?
Pháp luật
Hướng dẫn quản lý gia súc gia cầm trong khi ngập lụt? Mức hỗ trợ thiệt hại đối với gia súc gia cầm là bao nhiêu?
Pháp luật
Dự báo thông tin bão Yagi mới nhất phải có những nội dung nào? Hộ gia đình có nhà ở bị sập do bão Yagi gây ra có được hỗ trợ chi phí làm nhà ở?
Pháp luật
Thông báo nghỉ tránh bão cho công ty và cách viết mẫu thông báo khẩn về việc nghỉ tránh bão như thế nào?
Pháp luật
Tình hình bão Yagi: Mấy giờ bão về đến Hà Nội? Người dân có thể thực hiện những biện pháp nào để ứng phó bão Yagi?
Pháp luật
Cập nhật bão Yagi: Tại sao người dân không nên ra ngoài khi đột nhiên lặng gió? Những vùng nào được xem là chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão Yagi?
Pháp luật
App xem bão Yagi được tải nhiều nhất hiện nay? Hướng di chuyển tâm bão Yagi hiện nay như thế nào?
Pháp luật
Siêu bão Yagi: Bão cấp 17 mạnh như thế nào? Nhà nước có những biện pháp nào để ứng phó bão Yagi?
Pháp luật
Bão số 3 Yagi đổ bộ vào đâu đầu tiên? Nhà nước có hỗ trợ chi phí cho các hộ gia đình có nhà ở bị sập do bão số 3 Yagi gây ra hay không?
Pháp luật
Doanh nghiệp ứng phó bão Yagi như thế nào? Người lao động có được trả lương trong thời gian xảy ra bão Yagi hay không?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Ứng phó thiên tai
Nguyễn Văn Phước Độ Lưu bài viết
4,133 lượt xem
TÌM KIẾM LIÊN QUAN
Ứng phó thiên tai Siêu bão yagi

TÌM KIẾM VĂN BẢN
Xem toàn bộ văn bản về Ứng phó thiên tai Xem toàn bộ văn bản về Siêu bão yagi

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào