Thủ tục ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông theo Nghị định 163/2024 được thực hiện như thế nào?
Thủ tục ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông theo Nghị định 163/2024 được thực hiện như thế nào?
Căn cứ theo Điều 13 Nghị định 163/2024/NĐ-CP quy định về thủ tục ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông như sau:
(1) Doanh nghiệp viễn thông không phải là doanh nghiệp viễn thông nắm giữ phương tiện thiết yếu, doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường hoặc doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với thị trường dịch vụ viễn thông Nhà nước quản lý, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông công ích khi ngừng kinh doanh một phần hoặc toàn bộ các dịch vụ viễn thông phải gửi hồ sơ thông báo ngừng kinh doanh dịch vụ đến Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) ít nhất 30 ngày trước ngày dự định ngừng kinh doanh.
(2) Doanh nghiệp viễn thông nắm giữ phương tiện thiết yếu, doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường hoặc doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với thị trường dịch vụ viễn thông Nhà nước quản lý, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông công ích khi ngừng kinh doanh một phần hoặc toàn bộ dịch vụ viễn thông trực tiếp liên quan đến phương tiện thiết yếu, dịch vụ viễn thông thống lĩnh thị trường, dịch vụ viễn thông công ích nhưng không chấm dứt hoạt động phải gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị được ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông tới Bộ Thông tin và Truyền thông ít nhất 60 ngày trước ngày dự định ngừng kinh doanh.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời chấp thuận hoặc từ chối bằng văn bản cho doanh nghiệp biết.
(3) Doanh nghiệp viễn thông nắm giữ phương tiện thiết yếu, doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường hoặc doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với thị trường dịch vụ viễn thông Nhà nước quản lý, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông công ích khi ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông do chấm dứt hoạt động phải gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị được ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông tới Bộ Thông tin và Truyền thông ít nhất 60 ngày trước ngày dự định ngừng kinh doanh.
Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan có liên quan cho ý kiến đối với phương án tổ chức lại doanh nghiệp hoặc phương án phá sản, giải thể doanh nghiệp và trả lời bằng văn bản cho doanh nghiệp biết. Trên cơ sở văn bản trả lời của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện phương án tổ chức lại hoặc phương án phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật.
(4) Thông báo ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông nêu tại (1) theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 163/2024/NĐ-CP, bao gồm các thông tin sau:
- Dịch vụ ngừng kinh doanh, thời gian bắt đầu ngừng kinh doanh, lý do ngừng kinh doanh, phạm vi ngừng kinh doanh;
- Biện pháp và cam kết bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông theo hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông đã giao kết và của các bên có liên quan.
(5) Hồ sơ đề nghị ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông nêu tại các khoản 2, 3 Điều 13 Nghị định 163/2024/NĐ-CP bao gồm:
- Đơn đề nghị ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 163/2024/NĐ-CP;
- Báo cáo tình hình kinh doanh đối với dịch vụ dự kiến ngừng kinh doanh: Doanh thu, lợi nhuận, sản lượng, thị phần, số người sử dụng dịch vụ;
- Biện pháp và cam kết bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông theo hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông đã giao kết và của các bên có liên quan;
- Phương án bảo đảm cung cấp cho người sử dụng dịch vụ viễn thông các dịch vụ viễn thông thay thế, chuyển người sử dụng dịch vụ viễn thông sang sử dụng dịch vụ viễn thông tương ứng của doanh nghiệp viễn thông khác hoặc thoả thuận bồi thường cho người sử dụng dịch vụ trong trường hợp ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông mà không chấm dứt hoạt động.
- Phương án tổ chức lại hoặc phương án phá sản, giải thể doanh nghiệp, biện pháp bảo đảm tiếp tục duy trì việc cung cấp dịch vụ viễn thông cho người sử dụng trong trường hợp ngừng kinh doanh do chấm dứt hoạt động.
(6) Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm thông báo cho người sử dụng dịch vụ viễn thông và các bên có liên quan, công bố trên phương tiện thông tin đại chúng về việc ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông ít nhất 30 ngày trước khi chính thức ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông.
(7) Trường hợp phải sửa đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông do ngừng kinh doanh dịch vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) có trách nhiệm yêu cầu doanh nghiệp viễn thông thực hiện việc sửa đổi, bổ sung giấy phép theo quy định.
(8) Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm hoàn trả tài nguyên viễn thông đã được phân bổ đối với dịch vụ hoặc phần dịch vụ ngừng kinh doanh (nếu có).
Thủ tục ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông theo Nghị định 163/2024 được thực hiện như thế nào? (Hình ảnh Internet)
Bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động viễn thông như thế nào?
Căn cứ theo Điều 15 Nghị định 163/2024/NĐ-CP quy định về bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động viễn thông như sau:
Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động viễn thông như sau:
- Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo quy định đối với mạng viễn thông; phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý, ứng cứu sự cố, giảm thiểu các nguy cơ mất an toàn thông tin, tấn công mạng theo yêu cầu và điều phối của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin).
- Bảo đảm an toàn thông tin mạng khi cung cấp dịch vụ viễn thông cho người sử dụng đầu cuối theo yêu cầu và hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
- Thực hiện hoặc phối hợp thực hiện ngăn chặn, xử lý thông tin vi phạm pháp luật trên mạng viễn thông mình quản lý theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin), Bộ Công an theo quy định của pháp luật.
- Bảo đảm thiết bị mạng đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Các hành vi nào bị nghiêm cấm trong hoạt động viễn thông?
Căn cứ Điều 9 Luật Viễn thông 2023 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động viễn thông bao gồm:
(1) Lợi dụng hoạt động viễn thông nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
(2) Thu trộm, nghe trộm, xem trộm thông tin trên mạng viễn thông; trộm cắp, sử dụng trái phép tài nguyên viễn thông, mật khẩu, khóa mật mã và thông tin riêng của tổ chức, cá nhân khác.
(3) Cản trở trái pháp luật việc thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông, gây rối, phá hoại việc thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông, việc cung cấp và sử dụng hợp pháp các dịch vụ viễn thông.
(4) Thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông, cung cấp dịch vụ viễn thông khi chưa được phép thực hiện theo quy định của Luật Viễn thông 2023.
(5) Sử dụng thiết bị, phần mềm gửi, truyền, nhận thông tin qua mạng viễn thông để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mức phạt kịch khung nồng độ cồn xe ô tô 2025? Kịch khung nồng độ cồn xe ô tô bị phạt bao nhiêu?
- Mẫu tờ trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng mới nhất theo Nghị định 175 như thế nào?
- Lịch thi đấu LCK Cup 2025 LMHT mới nhất? Đội hình thi đấu chính thức LCK Cup 2025? Phân loại trò chơi điện tử trên mạng theo độ tuổi người chơi ra sao?
- Trong hoạt động đấu thầu, nội dung hồ sơ mời thầu đối với lựa chọn nhà thầu gồm những nội dung gì?
- Đề án giải thể đơn vị sự nghiệp công lập nêu rõ phương án xử lý đối với những vấn đề gì theo Nghị định 120?