Thủ tục mở lại sân bay chuyên dùng thay đổi như thế nào theo đề án mới nhất của Bộ Quốc phòng?
- Thủ tục mở lại sân bay chuyên dùng hiện nay thực hiện ra sao?
- Thủ tục mở lại sân bay chuyên dùng thay đổi như thế nào theo đề án mới nhất của Bộ Quốc phòng?
- Nguyên nhân thay đổi và quá trình thực hiện phương án thay đổi thủ tục mở lại sân bay chuyên dùng như thế nào?
- Bộ Quốc phòng có trách nhiệm ra sao trong công tác quản lý sân bay chuyên dùng?
Thủ tục mở lại sân bay chuyên dùng hiện nay thực hiện ra sao?
Trình tự, thủ tục mở lại sân bay chuyên dùng hiện nay được quy định tại Điều 18 Nghị định 42/2016/NĐ-CP như sau:
(1) Hồ sơ đề nghị bao gồm:
+ Đơn đề nghị mở lại sân bay chuyên dùng theo Mẫu 08 của Phụ lục ban hành theo Nghị định 42/2016/NĐ-CP;
+ Hồ sơ tài liệu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép đóng tạm thời sân bay chuyên dùng.
(2) Trình tự, thủ tục giải quyết:
+ Tổ chức, cá nhân đề nghị mở lại sân bay chuyên dùng gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này qua hệ thống bưu chính đến Bộ Tổng Tham mưu theo địa chỉ quy định tại Điều 19 Nghị định 42/2016/NĐ-CP;
+ Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ Tổng Tham mưu có trách nhiệm thẩm định, kiểm tra, và có văn bản xin ý kiến của Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi mở sân bay chuyên dùng trên mặt đất, mặt nước;
Trường hợp, hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Tổng Tham mưu có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị mở lại sân bay chuyên dùng biết để hoàn thiện hồ sơ theo quy định;
+ Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi mở sân bay chuyên dùng có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về Bộ Tổng Tham mưu;
+ Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản thống nhất của Bộ Giao thông vận tải và văn bản trả lời của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tổng Tham mưu ra văn bản chấp thuận mở lại sân bay chuyên dùng;
Trường hợp chưa chấp thuận, Bộ Tổng Tham mưu có trách nhiệm trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do chưa chấp thuận.
Thủ tục mở lại sân bay chuyên dùng? (Hình ảnh từ Internet)
Thủ tục mở lại sân bay chuyên dùng thay đổi như thế nào theo đề án mới nhất của Bộ Quốc phòng?
Căn cứ theo quy định tại Quyết định 1275/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Quốc phòng giai đoạn 2023-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành thì phương án của Bộ quốc phòng về thủ tục mở lại sân bay chuyên dùng thay đổi như sau:
- Bổ sung cách thức nộp hồ sơ trực tuyến;
- Giảm thời gian thẩm định, kiểm tra và ra văn bản xin ý kiến Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh từ 15 ngày làm việc xuống còn 10 ngày làm việc; giảm thời gian Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản trả lời từ 10 ngày làm việc xuống còn 07 ngày làm việc; giảm thời gian giải quyết đề nghị chấp thuận mở lại sân bay chuyên dùng từ 15 ngày làm việc xuống còn 10 ngày làm việc.
- Bãi bỏ yêu cầu điều kiện: “Có đội ngũ nhân lực đủ trình độ kỹ thuật vận hành, khai thác sân bay chuyên dùng”.
Như vậy, nội dung thay đổi thủ tục mở lại sân bay chuyên dùng gồm ba nội dung chính là:
+ Thêm hình thức nộp hồ sơ trực tuyến
+ Giảm thời gian thẩm định, kiểm tra
+ Bãi bỏ điều kiện về đội ngũ nhân lực
Nguyên nhân thay đổi và quá trình thực hiện phương án thay đổi thủ tục mở lại sân bay chuyên dùng như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Quyết định 1275/QĐ-TTg năm 2023 thì Bộ Quốc phòng lý giải việc thay đổi thủ tục trên dựa trên lý do:
Tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian, thuận lợi cho đối tượng thực hiện.
Phương án trên được thực hiện bằng cách sửa đổi Điều 13 Nghị định 42/2016/NĐ-CP và thực hiện từ 2023 - 2025.
Bộ Quốc phòng có trách nhiệm ra sao trong công tác quản lý sân bay chuyên dùng?
Căn cứ theo quy định tại Điều 20 Nghị định 42/2016/NĐ-CP quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở, đóng sân bay chuyên dùng có quy định trách nhiệm của Bộ Quốc phòng công tác quản lý sân bay chuyên dùng như sau:
+ Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan để thống nhất việc quản lý và tổ chức khai thác sân bay chuyên dùng phù hợp với các quy hoạch tổng thể như bố trí quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế, xã hội, vùng, ngành, địa phương và xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ, các khu kinh tế - quốc phòng.
+ Tổ chức quản lý hệ thống thông tin về sân bay chuyên dùng, quy định chức trách, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị chức năng trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh; quản lý việc mở, đóng, mở lại các sân bay chuyên dùng.
+ Chủ trì theo dõi, đôn đốc và phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền cấp tỉnh hướng dẫn việc kiểm tra, thanh tra, giám sát, ngăn ngừa và xử lý các vi phạm pháp luật trong mở, đóng và tổ chức hoạt động của sân bay chuyên dùng.
+ Ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng và quản lý kết cấu hạ tầng, an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường; chỉ đạo kiểm tra việc tổ chức bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của sân bay chuyên dùng.
+ Thực hiện trưng dụng đối với sân bay chuyên dùng theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Kết thúc xây dựng Khu kinh tế quốc phòng là gì? Kết thúc xây dựng Khu kinh tế quốc phòng trong trường hợp nào?
- Người thực hiện vận chuyển bình xịt hơi cay có số lượng lớn qua biên giới có bị phạt tù hay không?
- Phần mềm Họp không giấy của Kiểm toán nhà nước được xây dựng nhằm mục đích gì? Được quản lý tập trung ở đâu?
- Lưu học sinh Campuchia hệ đào tạo dài hạn tự lựa chọn phương tiện là xe khách có được hỗ trợ thanh toán giá vé không?
- Vận động viên đe dọa xâm phạm sức khỏe tính mạng trong thi đấu thể thao có bị xử phạt hay không?