Thủ tục đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng được thực hiện như thế nào? Hồ sơ bao gồm những gì?
Trình tự thực hiện đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng được thực hiện như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại tiểu mục 2 Phần 2 Thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định 706/QĐ-BTP năm 2023 có nêu rõ trình tự thực hiện đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng như sau:
Bước 1: Văn phòng công chứng nộp hồ sơ đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương đã ra quyết định cho phép thành lập;
Bước 2: Sở Tư pháp xem xét, cấp giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.
Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính: Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định cho phép thành lập, Văn phòng công chứng phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi đã ra quyết định cho phép thành lập.
Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký hoạt động, Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.
Phí thực hiện đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng : 1.000.000 đồng/hồ sơ.
Thủ tục đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng được thực hiện như thế nào? Hồ sơ bao gồm những gì? (Hình từ Internet)
Thành phần hồ sơ đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng gồm những gì?
Căn cứ theo quy định tại tiểu mục 2 Phần 2 Thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định 706/QĐ-BTP năm 2023 quy định thành phần hồ sơ đăng ký hoạt đông Văn phòng công chứng gồm:
- Đơn đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng theo Mẫu TP-CC-09 ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BTP
- Giấy tờ chứng minh về trụ sở của Văn phòng công chứng phù hợp với nội dung đã nêu trong đề án thành lập;
- Hồ sơ đăng ký hành nghề của các công chứng viên hợp danh, công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại Văn phòng công chứng (nếu có).
Lưu ý: Trong trường hợp cần sử dụng đến thông tin về nơi cư trú của người dân thì cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân có thẩm quyền thực hiện khai thác thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo một trong các phương thức quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 104/2022/NĐ-CP khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Nếu không thể khai thác được thông tin cư trú của công dân theo các phương thức nêu tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 104/2022/NĐ-CP, cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công có thể yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình một trong các giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định 104/2022/NĐ-CP.
Các loại giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú được quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định 104/2022/NĐ-CP bao gồm:
- Thẻ Căn cước công dân,
- Chứng minh nhân dân,
- Giấy xác nhận thông tin về cư trú,
- Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đơn đăng ký hoạt động của văn phòng công chứng có dạng như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại tiểu mục 2 Phần 2 Thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định 706/QĐ-BTP năm 2023 quy định mẫu đơn đăng ký hoạt động của văn phòng công chứng có dạng như sau:
Tải mẫu đơn đăng ký hoạt động của văn phòng công chứng:
Ai là người đại diện theo pháp luật của Văn phòng công chứng?
Căn cứ theo quy định tại Điều 22 Luật Công chứng 2014 quy định như sau:
Văn phòng công chứng
1. Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh.
Văn phòng công chứng phải có từ hai công chứng viên hợp danh trở lên. Văn phòng công chứng không có thành viên góp vốn.
2. Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng công chứng là Trưởng Văn phòng. Trưởng Văn phòng công chứng phải là công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng và đã hành nghề công chứng từ 02 năm trở lên.
3. Tên gọi của Văn phòng công chứng phải bao gồm cụm từ “Văn phòng công chứng” kèm theo họ tên của Trưởng Văn phòng hoặc họ tên của một công chứng viên hợp danh khác của Văn phòng công chứng do các công chứng viên hợp danh thỏa thuận, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác, không được vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
4. Văn phòng công chứng phải có trụ sở đáp ứng các điều kiện do Chính phủ quy định.
Văn phòng công chứng có con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính bằng nguồn thu từ phí công chứng, thù lao công chứng và các nguồn thu hợp pháp khác.
5. Văn phòng công chứng sử dụng con dấu không có hình quốc huy. Văn phòng công chứng được khắc và sử dụng con dấu sau khi có quyết định cho phép thành lập. Thủ tục, hồ sơ xin khắc dấu, việc quản lý, sử dụng con dấu của Văn phòng công chứng được thực hiện theo quy định của pháp luật về con dấu.
Theo đó, người đại diện theo pháp luật của Văn phòng công chứng là Trưởng Văn phòng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tổ chức mua bán nợ xấu có được chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá thị trường không?
- Công văn 9582 về cấp định danh tổ chức cho doanh nghiệp, hợp tác xã như thế nào? Xem toàn văn Công văn 9582 ở đâu?
- Giữ thẻ căn cước trái quy định pháp luật là gì? Nghĩa vụ của công dân khi bị giữ thẻ căn cước được quy định thế nào?
- Kịch bản chương trình kiểm điểm Đảng viên cuối năm 2024? Kịch bản kiểm điểm Đảng viên cuối năm 2024?
- Thủ tục cho thuê, cho thuê mua nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân do Nhà nước đầu tư xây dựng bằng vốn đầu tư công cấp trung ương ra sao?