Thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự thay đổi ra sao theo phương án mới nhất của Bộ Quốc phòng?
Thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự hiện nay thực hiện như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 32 Luật An toàn thông tin mạng 2015 hướng dẫn tại Điều 5 Nghị định 58/2016/NĐ-CP thì thủ tục thực hiện như sau:
(1) Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự được lập thành hai bộ, gồm:
+ Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự;
+ Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ khác có giá trị tương đương;
+ Bản sao văn bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn về bảo mật, an toàn thông tin của đội ngũ quản lý, điều hành, kỹ thuật;
+ Phương án kỹ thuật gồm tài liệu về đặc tính kỹ thuật, tham số kỹ thuật của sản phẩm; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của sản phẩm; tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ; các biện pháp, giải pháp kỹ thuật; phương án bảo hành, bảo trì sản phẩm;
+ Phương án bảo mật và an toàn thông tin mạng trong quá trình quản lý và cung cấp sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự;
+ Phương án kinh doanh gồm phạm vi, đối tượng cung cấp, quy mô số lượng sản phẩm, dịch vụ hệ thống phục vụ khách hàng và bảo đảm kỹ thuật.
(2) Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép trực tiếp, hoặc qua hệ thống bưu chính, hoặc dịch vụ công trực tuyến đến Ban Cơ yếu Chính phủ thông qua Cục Quản lý mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm mật mã, số điện thoại/số fax: 04-3775.6896, thư điện tử: info@nacis.gov.vn, website: http://www.nacis.gov.vn.
(3) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ban Cơ yếu Chính phủ thẩm định và cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự; trường hợp từ chối cấp thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
(4) Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự có thời hạn 10 năm.
Thay đổi thủ tục liên quan mật mã dân sự?
Thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự thay đổi ra sao theo phương án mới nhất của Bộ Quốc phòng?
Căn cứ theo phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Quốc phòng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1275/QĐ-TTg năm 2023 thì thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự thay đổi như sau:
- Giảm thời hạn giải quyết thủ tục hành chính từ 30 ngày xuống còn 20 ngày; số lượng hồ sơ từ 02 bộ xuống còn 01 bộ.
- Bỏ thành phần hồ sơ:
+ “Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ khác có giá trị tương đương”;
+ “Bản sao văn bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn về bảo mật, an toàn thông tin của đội ngũ quản lý, điều hành, kỹ thuật”.
Bộ Quốc phòng lý giải việc cắt, giảm thủ tục dựa trên nguyên nhân: Cắt giảm số lượng, thành phần hồ sơ và thời hạn giải quyết để cắt giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho đối tượng thực hiện.
Các thông tin về “Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ khác có giá trị tương đương”, “văn bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn về bảo mật, an toàn thông tin của đội ngũ quản lý, điều hành, kỹ thuật” được khai thác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục và đào tạo, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được các bộ, ngành chia sẻ, kết nối với Cổng Dịch vụ công Bộ Quốc phòng, Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Sửa đổi mẫu Đơn đề nghị theo hướng bổ sung các trường thông tin về đăng ký doanh nghiệp, chứng nhận đầu tư, văn bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn về bảo mật, an toàn thông tin của đội ngũ quản lý, điều hành, kỹ thuật.
Điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự là gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 31 Luật An toàn thông tin mạng 2015 thì doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự phải đáp ứng điều kiện sau:
- Doanh nghiệp phải có Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự khi kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự thuộc Danh mục sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự.
- Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
+ Có đội ngũ quản lý, điều hành, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuyên môn về bảo mật, an toàn thông tin, cụ thể:
Doanh nghiệp phải có ít nhất 02 cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các ngành điện tử - viễn thông, công nghệ thông tin, toán học, an toàn thông tin; cán bộ quản lý, điều hành tốt nghiệp một trong các ngành điện tử - viễn thông, công nghệ thông tin, toán học, an toàn thông tin hoặc tốt nghiệp một ngành khác và có chứng chỉ đào tạo về an toàn thông tin.
+ Có hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất phù hợp với quy mô cung cấp sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự;
+ Có phương án kỹ thuật phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật;
+ Có phương án bảo mật và an toàn thông tin mạng trong quá trình quản lý và cung cấp sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự;
+ Có phương án kinh doanh phù hợp
- Sản phẩm mật mã dân sự phải được kiểm định, chứng nhận hợp quy trước khi lưu thông trên thị trường.
- Nộp phí, lệ phí khi được cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thông tư 12 2024 sửa đổi 10 Thông tư về tiền lương thù lao tiền thưởng người lao động? Thông tư 12 2024 có hiệu lực khi nào?
- Kinh doanh là gì? Có thể hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không cần đăng ký kinh doanh hay không?
- Đơn vị sự nghiệp công lập có phát sinh nước thải sinh hoạt thì có thuộc đối tượng phải đóng phí bảo vệ môi trường?
- Thông qua Nghị quyết giảm thuế GTGT 06 tháng đầu năm 2025 ngay trong tháng 11/2024 đúng không? Công văn 12477 lập đề nghị giảm thuế GTGT thế nào?
- Mức tính tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn là bao nhiêu? Trường hợp nào tính tiền chậm nộp vi phạm hành chính?