Thông tư 122/2024 quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở trong Quân đội nhân dân Việt Nam như thế nào?
Thông tư 122/2024 quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở trong Quân đội nhân dân Việt Nam như thế nào?
Ngày 31/12/2024, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 122/2024/TT-BQP quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Theo đó, Thông tư 122/2024/TT-BQP quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền, nghĩa vụ của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ (sau đây viết chung là quân nhân), công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động trong thực hiện dân chủ và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Bên cạnh đó, căn cứ Điều 2 Thông tư 122/2024/TT-BQP quy định về đối tượng áp dụng như sau:
(1) Quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động, người sử dụng lao động, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
(2) Người làm công tác cơ yếu, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ.
Thông tư 122/2024 quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở trong Quân đội nhân dân Việt Nam như thế nào? (Hình ảnh Internet)
Tổ chức hội nghị tập thể quân nhân về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở như thế nào?
Căn cứ Điều 15 Thông tư 122/2024/TT-BQP quy định về tổ chức hội nghị tập thể quân nhân về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở như sau:
(1) Hội nghị tập thể quân nhân về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở do chỉ huy cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức; định kỳ mỗi năm một lần sau khi kết thúc năm công tác của cơ quan, đơn vị; nếu chậm thì trong tháng 01 của năm tiếp theo phải tổ chức do người chỉ huy quyết định sau khi thống nhất với Hội đồng quân nhân và Công đoàn (nếu có).
Hội nghị tập thể quân nhân được tổ chức đột xuất khi có đề xuất của các đối tượng theo quy định tại khoản 1 Điều 14; hội nghị hằng tháng, quý thực hiện theo quy định tại Điều 24 và Điều 37 Thông tư 122/2024/TT-BQP.
(2) Thành phần dự hội nghị tập thể quân nhân:
- Cấp đại đội và tương đương tổ chức hội nghị toàn thể quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động trừ trường hợp quy định tại các điểm b, d khoản 2 Điều 15 Thông tư 122/2024/TT-BQP;
- Đối với cấp tiểu đoàn và tương đương hoặc cấp đại đội nhưng làm việc phân tán hoặc vì lý do công tác không thể rời khỏi vị trí làm việc, thì chỉ huy cơ quan, đơn vị thống nhất với Hội đồng quân nhân, Công đoàn (nếu có) quyết định thành phần tham dự hội nghị là toàn thể hoặc đại biểu quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn;
- Hội nghị được tổ chức hợp lệ khi có ít nhất hai phần ba tổng số quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động hoặc ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu được triệu tập có mặt. Quyết định của hội nghị được thông qua khi có trên 50% tổng số thành viên dự hội nghị tán thành và nội dung không trái với quy định của pháp luật, Bộ Quốc phòng và cơ quan, đơn vị;
- Đối với các cơ quan, đơn vị có đơn vị trực thuộc, khi tổ chức hội nghị có thể mời đại diện cấp ủy, chỉ huy và đại diện Hội đồng quân nhân, các tổ chức quần chúng của đơn vị trực thuộc nếu thấy cần thiết.
(3) Nội dung của hội nghị tập thể quân nhân:
- Kiểm điểm việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của Quân đội có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị;
- Kiểm điểm việc thực hiện chương trình hành động của hội nghị tập thể quân nhân trước đó và những quy định về thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị;
- Thảo luận và quyết định các nội dung theo quy định tại Điều 13 Thông tư 122/2024/TT-BQP;
- Thực hiện các nội dung về công khai thông tin; lấy ý kiến của quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động về những nội dung theo quy định tại Điều 17 Thông tư 122/2024/TT-BQP;
- Thực hiện các nội dung có liên quan khác theo quyết định của hội nghị.
(4) Trình tự tổ chức hội nghị tập thể quân nhân:
- Chỉ huy cơ quan, đơn vị trình bày báo cáo về các nội dung quy định tại điểm a khoản 3 Điều 15 Thông tư 122/2024/TT-BQP và các nội dung quy định tại Điều 13 Thông tư 122/2024/TT-BQP;
- Đại diện Hội đồng quân nhân, Công đoàn (nếu có) cơ quan, đơn vị trình bày báo cáo các nội dung quy định tại điểm b khoản 3 Điều 15 Thông tư 122/2024/TT-BQP; kết quả giám sát, hỗ trợ quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động thực hiện dân chủ;
- Quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động tham gia ý kiến, đề xuất, kiến nghị (nếu có);
- Chỉ huy, Chủ tịch Hội đồng quân nhân, Chủ tịch (Tổ trưởng) Công đoàn (nếu có) cơ quan, đơn vị tiếp thu, giải trình, thống nhất biện pháp tổ chức thực hiện các nội dung được bàn tại hội nghị; giải đáp thắc mắc, kiến nghị các vấn đề thuộc thẩm quyền;
- Đại diện Ban Thanh tra nhân dân (nếu có) trình bày báo cáo hoạt động trong năm (hoặc nhiệm kỳ) và chương trình công tác năm (nhiệm kỳ) tiếp theo;
- Tổ chức trao thưởng, phát động thi đua, ký kết giao ước thi đua (đối với cơ quan, đơn vị có tổ chức công đoàn);
- Thông qua biên bản hội nghị.
Khi nào Thông tư 122 có hiệu lực?
Căn cứ khoản 1 Điều 60 Thông tư 122/2024/TT-BQP quy định về hiệu lực thi hành như sau:
Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 02 năm 2025.
Như vậy, Thông tư 122/2024/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 15/2/2025.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ví dụ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng về việc bên bị thiệt hại không được bồi thường thiệt hại đối với phần lỗi của mình?
- Lịch nghỉ Tết Âm lịch 2025 Shopee ra sao? Lịch nghỉ tết Shopee 2025 chi tiết nhất như thế nào?
- Mẫu Thông báo kết quả thẩm định theo Nghị định 175 thay thế Nghị định 15 trong hoạt động xây dựng?
- Ước tính tuổi đời kinh tế của tài sản vô hình theo Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá tài sản vô hình như thế nào?
- Cách tính tiền phạt vi phạm giao thông 2025? Chậm nộp tiền phạt vi phạm giao thông sẽ bị tính lãi?