Thông tư 01/2024/TT-BLĐTBXH về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng?
- Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng cúa Thông tư 01/2024/TT-BLĐTBXH thế nào?
- Yêu cầu chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng phải bảo đảm tính khoa học, logic, hệ thống, thực tiễn, phù hợp và linh hoạt đúng không?
- Cấu trúc chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng trong giáo dục nghề nghiệp ra sao?
Ngày 19/02/2024, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 01/2024/TT-BLĐTBXH quy định về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng; tổ chức biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình có hiệu lực kể từ ngày 05/04/2024.
Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng cúa Thông tư 01/2024/TT-BLĐTBXH thế nào?
Theo Điều 1 và Điều 2 Thông tư 01/2024/TT-BLĐTBXH quy định phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng cúa Thông tư 01/2024/TT-BLĐTBXH như sau:
(1) Phạm vi điều chỉnh:
Thông tư 01/2024/TT-BLĐTBXH quy định về:
- Quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình;
- Tổ chức biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng trong giáo dục nghề nghiệp.
(2) Đối tượng áp dụng:
- Thông tư 01/2024/TT-BLĐTBXH áp dụng đối với trường cao đẳng, trường trung cấp và các cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng (gọi chung là cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp).
- Thông tư 01/2024/TT-BLĐTBXH không áp dụng đối với các chương trình đào tạo do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp bằng tốt nghiệp và các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Thông tư 01/2024/TT-BLĐTBXH về Quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng? (Hình từ Internet)
Yêu cầu chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng phải bảo đảm tính khoa học, logic, hệ thống, thực tiễn, phù hợp và linh hoạt đúng không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Thông tư 01/2024/TT-BLĐTBXH quy định như sau:
Yêu cầu đối với chương trình đào tạo
1. Chương trình đào tạo phải đáp ứng quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp theo từng ngành, nghề và trình độ đào tạo. Đối với những ngành, nghề chưa ban hành quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp thì phải đảm bảo đáp ứng quy định tại Thông tư số 12/2017/TT- BLĐTBXH ngày 20 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng; Thông tư số 04/2023/TT-BLĐTBXH ngày 15 tháng 6 năm 2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2017/TT-BLĐTBXH.
2. Phải xác định được danh mục và thời lượng của từng môn học, mô đun trong chương trình đào tạo; thời gian học lý thuyết, thời gian thực hành, thực tập và thời gian thi kết thúc môn học, mô đun.
3. Nội dung và thời lượng học tập các môn học chung trong chương trình đào tạo được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
4. Chương trình đào tạo phải bảo đảm tính khoa học, logic, hệ thống, thực tiễn, phù hợp và linh hoạt; thích ứng được với sự đa dạng trong phương thức tổ chức đào tạo. Nội dung chuyên môn phải đáp ứng được những năng lực chính, cốt lõi của nghề nghiệp; những năng lực bổ trợ, tự chọn và nâng cao để người học lựa chọn phù hợp nhu cầu của bản thân.
5. Quy định phương pháp đánh giá kết quả học tập phù hợp với phương thức tổ chức đào tạo, xác định mức độ đạt yêu cầu về năng lực của người học sau khi học xong các môn học, mô đun của chương trình đào tạo.
6. Nội dung chương trình đào tạo phải đáp ứng sự thay đổi của khoa học, công nghệ, yêu cầu trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương và cả nước.
7. Đảm bảo tính hiện đại và hội nhập quốc tế, có xu hướng tiếp cận với trình độ đào tạo tiên tiến của các quốc gia phát triển trên thế giới ; hướng tới yêu cầu xanh hóa trong đào tạo và các mục tiêu chuyển đổi số.
8. Bảo đảm tính liên thông với trình độ đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp và liên thông với các trình độ đào tạo khác trong hệ thống giáo dục quốc dân.
9. Quy định cụ thể về các điều kiện tổ chức thực hiện chương trình đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo.
Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên thì chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng phải bảo đảm tính khoa học, logic, hệ thống, thực tiễn, phù hợp và linh hoạt theo yêu cầu của chương trình đào tạo.
Cấu trúc chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng trong giáo dục nghề nghiệp ra sao?
Theo Điều 4 Thông tư 01/2024/TT-BLĐTBXH quy định cấu trúc chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng nghề nghiệp gồm có như sau:
- Tên ngành, nghề đào tạo;
- Mã ngành, nghề (đối với những ngành nghề trong Danh mục);
- Trình độ đào tạo;
- Đối tượng tuyển sinh;
- Thời gian khóa học (năm học);
- Khối lượng kiến thức toàn khóa học (giờ, tín chỉ);
- Giới thiệu chương trình/mô tả ngành, nghề đào tạo;
- Mục tiêu đào tạo;
- Bảng tổng hợp năng lực của ngành, nghề trong chương trình đào tạo;
- Danh mục và thời lượng các môn học, mô đun (bắt buộc, tự chọn);
- Chương trình chi tiết các môn học, mô đun (bắt buộc, tự chọn);
- Hướng dẫn sử dụng chương trình.
Thông tư 01/2024/TT-BLĐTBXH có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 04 năm 2024.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Chủ hàng hóa quá cảnh có phải nộp lệ phí hải quan và các loại phí khác cho hàng hóa quá cảnh của mình không?
- Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13929:2024 về Bê tông - Phương pháp thử tăng tốc Cacbonat hóa thế nào?
- Mức ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất? Quy định về việc quản lý nguồn thu lựa chọn nhà đầu tư?
- Không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra trong quản lý giá từ ngày 12/7/2024 bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Tổ chức, cá nhân liên quan đến phương tiện vận tải xuất cảnh trong việc phòng chống buôn lậu có nghĩa vụ gì?