Thông tin về thức ăn thủy sản không được cập nhật, cập nhật không đúng, không đầy đủ thì bị xử phạt thế nào?
- Thông tin về thức ăn thủy sản không được cập nhật, cập nhật không đúng, không đầy đủ thì bị phạt bao nhiêu tiền?
- Biện pháp khắc phục hậu quả hành vi vi phạm cập nhật thông tin thức ăn thủy sản thế nào?
- Những đối tượng nào bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản?
- Đội trưởng Đội quản lý thị trường có thẩm quyền xử phạt cá nhân vi phạm quy định đặt tên giống thủy sản không?
Thông tin về thức ăn thủy sản không được cập nhật, cập nhật không đúng, không đầy đủ thì bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ tại khoản 1, 2 Điều 13 Nghị định 38/2024/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi vi phạm quy định về thông tin thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản như sau:
Vi phạm quy định về thông tin thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; lưu giữ, vận chuyển, giới thiệu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản nhập khẩu để giới thiệu ở hội chợ, triển lãm
1. Phạt tiền đối với hành vi cập nhật không đúng hoặc không đầy đủ thông tin về thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trước khi lưu thông trên thị trường theo các mức phạt sau:
a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp vi phạm dưới 03 sản phẩm;
b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với trường hợp vi phạm từ 03 sản phẩm đến dưới 05 sản phẩm;
c) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp vi phạm từ 05 sản phẩm đến dưới 10 sản phẩm;
d) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trường hợp vi phạm từ 10 sản phẩm trở lên.
2. Phạt tiền đối với hành vi không cập nhật thông tin thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trước khi lưu thông trên thị trường theo các mức phạt sau:
a) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp vi phạm dưới 03 sản phẩm;
b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trường hợp vi phạm từ 03 sản phẩm đến dưới 05 sản phẩm;
c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với trường hợp vi phạm từ 05 sản phẩm đến dưới 10 sản phẩm;
d) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với trường hợp vi phạm từ 10 sản phẩm trở lên.
Như vậy, hành vi vi phạm cập nhật thông tin về thức ăn thủy sản trước khi lưu thông trên thị trường bị phạt tiền như sau:
- Đối với hành vi cập nhật không đúng hoặc không đầy đủ thông tin về thức ăn thủy sản: Phạt từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng
- Đối với hành vi không cập nhật thông tin thức ăn thủy sản: Phạt từ 15.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng
Lưu ý: Mức phạt trên áp dụng với cá nhân vi phạm trong lĩnh vực thủy sản, mức phạt đối với tổ chức có hành vi vi phạm tương ướng gấp 02 lần mức phạt của cá nhân. (Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 38/2024/NĐ-CP).
Do đó, tổ chức có hành vi vi phạm quy định cập nhật thông tin về thức ăn thủy sản có thể bị phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng, tùy vào số lượng sản phẩm vi phạm.
Thông tin về thức ăn thủy sản không được cập nhật, cập nhật không đúng, không đầy đủ thì bị xử phạt thế nào? (Hình từ Internet)
Biện pháp khắc phục hậu quả hành vi vi phạm cập nhật thông tin thức ăn thủy sản thế nào?
Căn cứ tại điểm a khoản 4 Điều 13 Nghị định 38/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về thông tin thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; lưu giữ, vận chuyển, giới thiệu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản nhập khẩu để giới thiệu ở hội chợ, triển lãm
...
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thu hồi thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này;
...
Như vậy, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi cập nhật không đúng hoặc không đầy đủ hoặc không cập nhật thông tin thức ăn thủy sản là bị buộc thu hồi thức ăn thủy sản.
Những đối tượng nào bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản?
Căn cứ tại Điều 2 Nghị định 38/2024/NĐ-CP quy định các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản như sau:
- Tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây viết chung là tổ chức, cá nhân) thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định 38/2024/NĐ-CP.
- Tổ chức là đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định 38/2024/NĐ-CP, bao gồm:
+ Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư 2020 gồm:
++ Doanh nghiệp tư nhân
++ Công ty cổ phần
++ Công ty trách nhiệm hữu hạn
++ Công ty hợp danh
++ Tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài đầu tư kinh doanh tại Việt Nam;
+ Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Hợp tác xã 2023 gồm:
++ Hợp tác xã
++ Liên hiệp hợp tác xã,
- Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;
- Đơn vị sự nghiệp và các tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
- Hộ kinh doanh phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, hộ gia đình, chủ tàu cá thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định 38/2024/NĐ-CP bị xử phạt vi phạm như đối với cá nhân.
Như vậy, các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Nghị định 38/2024/NĐ-CP thì bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Đội trưởng Đội quản lý thị trường có thẩm quyền xử phạt cá nhân vi phạm quy định đặt tên giống thủy sản không?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 51 Nghị định 38/2024/NĐ-CP quy định thẩm quyền xử phạt của Đội trưởng Đội quản lý thị trường như sau:
Thẩm quyền của Quản lý thị trường
...
2. Đội trưởng Đội Quản lý thị trường, Trưởng phòng Nghiệp vụ thuộc Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường có quyền:
a) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;
b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt quy định tại điểm a khoản này;
c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, đ, e và g khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính và khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
Bên cạnh đó, tại khoản 7 Điều 55 Nghị định 38/2024/NĐ-CP có nội dung sau:
Phân định thẩm quyền xử phạt
....
7. Quản lý thị trường xử phạt đối với những hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 11; Điều 12; Điều 13; Điều 14; khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 15; Điều 18; khoản 2 Điều 28; Điều 32; Điều 41; Điều 42; Điều 43 và khoản 1 Điều 44 theo thẩm quyền quy định tại Điều 51 Nghị định này và chức năng, nhiệm vụ được giao.
Theo đó, mức xử phạt hành vi vi phạm quy định đặt tên giống thủy sản là từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, do đó Đội trưởng Đội quản lý thị trường có thẩm quyền xử phạt cá nhân vi phạm này.
Nghị định 38/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 5 năm 2024.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Khi xảy ra tai nạn trong phạm vi giới hạn trách nhiệm bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có phải bồi thường thiệt hại không?
- Ngân hàng là gì? Ngân hàng có những loại hình nào? Hình thức pháp lý của ngân hàng là gì theo quy định?
- Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trên môi trường điện tử của cơ quan nhà nước được xây dựng bao nhiêu năm?
- Phân loại hàng hóa trong hải quan được giải thích thế nào? Quy định về việc phân loại hàng hóa?
- Từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong trường hợp nào? Từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP ra sao?