Thế nào là văn bản quy phạm pháp luật? Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được quy định như thế nào?
Thế nào là văn bản quy phạm pháp luật?
Căn cứ tại Điều 2 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 giải thích về văn bản quy phạm pháp luật là loại văn bản có chứa quy phạm pháp luật và được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015
Trong đó, quy phạm pháp luật là những quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định.
Nếu văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì cũng không phải là văn bản quy phạm pháp luật.
Thế nào là văn bản quy phạm pháp luật? Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 4 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (được bổ sung bởi điểm b khoản 1 Điều 1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2020) quy định về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật như sau:
(1) Hiến pháp.
(2) Bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội.
(3) Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội;
Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
(4) Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.
(5) Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
(6) Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
(7) Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
(8) Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước.
(9) Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh).
(10) Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
(11) Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
(12) Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (cấp huyện).
(13) Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
(14) Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (cấp xã).
(15) Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Thẩm quyền ban hành các loại văn bản quy phạm pháp luật được quy định như thế nào?
Căn cứ tại Chương 2 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (có một số Điều bị sửa đổi bởi điểm a khoản 1 Điều 1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2020, được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2020, được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2020) thẩm quyền ban hành các các văn bản quy phạm pháp luật như sau:
Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền ban hành | Loại văn bản quy phạm pháp luật | Nội dung |
Quốc hội | Luật, Nghị quyết | - Quốc hội ban hành luật để quy định: + Tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch nước và các cơ quan Nhà nước; + Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Hiến pháp; hạn chế quyền con người, quyền công dân; tội phạm và hình phạt; + Chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia, ngân sách nhà nước; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các loại thuế; + Các chính sách cơ bản về văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường; + Quốc phòng, an ninh quốc gia; + Các chính sách về dân tộc, tôn giáo; + Hàm, cấp nhà nước; huân chương, huy chương và danh hiệu vinh dự nhà nước; + Chính sách cơ bản về đối ngoại; + Trưng cầu ý dân; + Cơ chế bảo vệ Hiến pháp; + Các vấn đề khác thuộc thẩm quyền. - Quốc hội ban hành nghị quyết để quy định: + Tỷ lệ phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; + Thực hiện thí điểm một số chính sách mới; + Tạm ngưng hoặc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần Luật, Nghị quyết của Quốc hội; + Quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; + Đại xá; + Vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội. |
Ủy ban thường vụ Quốc hội | Pháp lệnh, Nghị quyết | - Những vấn đề Quốc hội giao Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ được quy định trong Pháp lệnh. - Nghị quyết dùng để quy định: + Giải thích Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh; + Tạm ngưng hoặc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần Pháp lệnh, Nghị quyết; + Bãi bỏ Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; trường hợp bãi bỏ pháp lệnh thì Ủy ban thường vụ Quốc hội có trách nhiệm báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất; + Hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân; + Tổng động viên hoặc động viên cục bộ; ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương; + Quy định các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội. |
Chủ tịch nước | Lệnh, Quyết định | Lệnh, Quyết định của Chủ tịch nước quy định: - Tổng động viên/động viên cục bộ, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp căn cứ theo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc từng địa phương trong trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội không thể họp; - Các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước. |
Các cơ quan cùng ban hành: Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam | Nghị quyết liên tịch | Nghị quyết liên tịch giữa các cơ quan trên để quy định chi tiết những vấn đề được luật giao hoặc hướng dẫn một số vấn đề cần thiết trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. |
Chính phủ | Nghị định | Nghị định của Chính phủ quy định: - Chi tiết điều, khoản, điểm trong các Luật, Nghị quyết, Pháp lệnh đã được thông qua; - Các biện pháp cụ thể để tổ chức thi hành Hiến pháp, Luật, Nghị quyết, Pháp lệnh, Quyết định của Chủ tịch nước; - Các biện pháp để thực hiện chính sách kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh... thuộc thẩm quyền quản lý, điều hành của Chính phủ; -Vấn đề cần thiết trong thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhưng chưa đủ điều kiện thành Luật hoặc Pháp lệnh. |
Thủ tướng Chính phủ | Quyết định | Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định: - Các biện pháp lãnh đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước; - Biện pháp chỉ đạo, phối hợp hoạt động của các thành viên Chính phủ; kiểm tra hoạt động của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa. |
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao | Nghị quyết | Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành nghị quyết để hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử thông qua tổng kết việc áp dụng pháp luật, giám đốc việc xét xử. |
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ | Thông tư hoặc Thông tư liên tịch giữa các cơ quan | Thông tư của mỗi cơ quan quy định chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong Luật, Nghị quyết. Thông tư liên tịch quy định về việc phối hợp của các cơ quan này trong việc thực hiện trình tự, thủ tục tố tụng và phòng, chống tham nhũng. |
Tổng Kiểm toán Nhà nước | Quyết định | Quy định chuẩn mực kiểm toán nhà nước, quy trình kiểm toán, hồ sơ kiểm toán. |
Hội đồng nhân dân cấp tỉnh | Nghị quyết | Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định: - Chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong văn bản quy phạm của cơ quan cấp trên; - Chính sách, biện pháp nhằm bảo đảm thi hành văn bản quy phạm của cơ quan cấp trên; - Biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh tại địa phương; - Biện pháp đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương. |
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh | Quyết định | Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định: - Chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong văn bản quy phạm của cơ quan cấp trên; - Biện pháp thi văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp về kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương; - Biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương. |
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Dự án bất động sản có phải tuân thủ giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải cấp giấy phép xây dựng không?
- Bên mua bảo hiểm có được chuyển giao hợp đồng bảo hiểm tài sản theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm không?
- Mức thu phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp là 5.000.000 đồng đúng không?
- Chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ phục vụ ký phát hành hộ chiếu có gắn chíp điện tử của DS có hiệu lực trong bao lâu?
- Viết đoạn văn thể hiện tình cảm của em đối với người thân chọn lọc? Đặc điểm môn Ngữ Văn trong chương trình GDPT 2018 là gì?