Thẻ đi lại doanh nhân APEC là gì, điều kiện cấp thẻ đi lại doanh nhân APEC như thế nào? Những đối tượng nào được xem xét cấp thẻ ABTC?
Thẻ đi lại doanh nhân APEC (thẻ ABTC) là gì?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 3 Quyết định 09/2023/QĐ-TTg định nghĩa thẻ đi lại doanh nhân APEC như sau:
Thẻ đi lại doanh nhân APEC, gọi tắt là thẻ ABTC, là một loại thẻ do cơ quan có thẩm quyền của nền kinh tế thành viên APEC cấp cho doanh nhân của mình sau khi nhận được sự đồng ý cho phép nhập cảnh từ các nền kinh tế thành viên khác.
Có những hình thức thẻ ABTC nào?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 4 Quyết định 09/2023/QĐ-TTg quy định như sau:
Hình thức thẻ ABTC
1. Thẻ ABTC có hai dạng là thẻ cứng và thẻ điện tử. Thẻ ABTC cứng và thẻ ABTC điện tử có giá trị pháp lý như nhau.
2. Thẻ ABTC cứng là một dạng thẻ có kích thước hình chữ nhật, được in trên chất liệu đặc biệt theo công nghệ chung của các nền kinh tế thành viên và đáp ứng tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế.
3. Thẻ ABTC điện tử là một dạng thẻ được cấp trên giao diện điện tử thông qua ứng dụng ABTC trên thiết bị điện tử thông minh có kết nối mạng internet.
4. Doanh nhân Việt Nam có quyền lựa chọn cấp thẻ ABTC cứng hoặc thẻ ABTC điện tử.
Như vậy theo quy định trên thẻ ABTC có hai dạng là thẻ cứng và thẻ điện tử. Thẻ ABTC cứng và thẻ ABTC điện tử có giá trị pháp lý như nhau.
Thẻ đi lại doanh nhân APEC là gì, điều kiện cấp thẻ đi lại doanh nhân APEC? Những đối tượng nào được xem xét cấp thẻ ABTC? (Hình từ Internet)
Điều kiện cấp thẻ đi lại doanh nhân APEC là gì?
Căn cứ tại Điều 8 Quyết định 09/2023/QĐ-TTg quy định điều kiện được xem xét cấp thẻ ABTC như sau:
- Đối với cơ quan, tổ chức nơi doanh nhân đang làm việc cần có điều kiện sau: Có nhu cầu cử nhân sự đi lại thường xuyên, ngắn hạn để tham dự các hội nghị, hội thảo, cuộc họp thường niên và các hoạt động về hợp tác, phát triển kinh tế của APEC.
- Đối với doanh nghiệp nơi doanh nhân đang làm việc cần có điều kiện sau:
+ Doanh nghiệp đã có thời gian hoạt động liên tục từ 12 tháng trở lên, chấp hành đúng quy định của pháp luật về thương mại, thuế, hải quan, lao động, bảo hiểm xã hội và các quy định pháp luật liên quan khác.
+ Doanh nghiệp phải có các hoạt động ký kết, hợp tác kinh doanh trực tiếp với đối tác của các nền kinh tế thành viên APEC.
+ Có nhu cầu cử nhân sự đi lại thường xuyên, ngắn hạn để thực hiện các hoạt động hợp tác kinh doanh, thương mại, đầu tư, dịch vụ hoặc các mục đích kinh tế khác tại các nền kinh tế thành viên APEC.
- Đối với doanh nhân đề nghị cấp thẻ ABTC cần có điều kiện sau:
+ Từ đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự.
+ Đang làm việc, giữ chức vụ thực tế tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp từ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị cho phép sử dụng thẻ ABTC.
+ Không thuộc các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh theo quy định tại Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019.
Những đối tượng nào được xem xét cấp thẻ ABTC?
Căn cứ tại Điều 9 Quyết định 09/2023/QĐ-TTg quy định đối tượng được xem xét cấp thẻ ABTC bao gồm:
- Thứ nhất, nhóm doanh nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước:
+ Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị; Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc các doanh nghiệp, ngân hàng hoặc chi nhánh ngân hàng.
+ Trưởng ban, Phó Trưởng ban Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.
+ Kế toán trưởng, Trưởng ban, Phó Trưởng ban, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng có liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh, thương mại, đầu tư, dịch vụ trong các doanh nghiệp; Trưởng chi nhánh của doanh nghiệp.
- Thứ hai là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Giám đốc doanh nghiệp trực thuộc các tổ chức chính trị - xã hội; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Trưởng ban, Phó Trưởng ban, Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng phòng thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
- Ngoài ra, nhóm doanh nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam:
+ Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị; Chủ tịch công ty; Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Tổng giám đốc hoặc Phó Giám đốc doanh nghiệp.
+ Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc hợp tác xã hoặc liên hợp tác xã.
+ Kế toán trưởng, Giám đốc bộ phận hoặc Trưởng phòng có liên quan trực tiếp đến các hoạt động kinh doanh, thương mại, đầu tư, dịch vụ trong các doanh nghiệp; Trưởng chi nhánh của doanh nghiệp.
- Cán bộ, công chức, viên chức có nhiệm vụ tham dự các hội nghị, hội thảo, cuộc họp và các hoạt động về hợp tác, phát triển kinh tế của APEC.
- Trưởng đại diện, Phó Trưởng đại diện cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại các nước và vùng lãnh thổ thành viên APEC.
Quyết định 09/2023/QĐ-TTg sẽ có hiệu lực từ ngày 10/7/2023
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hồ sơ, thủ tục xét công nhận đảng viên dự bị thành đảng viên chính thức? Đảng viên dự bị có được biểu quyết không?
- Giá hợp đồng trọn gói là gì? Giá hợp đồng trọn gói được áp dụng cho các gói thầu xây dựng nào?
- Mẫu sổ tiếp nhận lưu trú mới nhất là mẫu nào? Sổ tiếp nhận lưu trú được sử dụng trong trường hợp nào?
- Tạm ngừng xuất khẩu là biện pháp áp dụng đối với hàng hóa từ đâu đến đâu theo quy định pháp luật?
- Người dân có được soát người, khám xét người khác khi nghi bị lấy cắp đồ không? Có bị truy cứu TNHS?