TCVN 9398:2012 về công tác trắc địa trong xây dựng công trình? Quy định chung về công tác trắc địa ra sao?
TCVN 9398:2012 về Công tác trắc địa trong xây dựng công trình?
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9398:2012 được chuyển đổi từ TCXDVN 309:2004 theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006 và điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật về đo vẽ bản đồ địa hình tỷ lệ lớn và trắc địa công trình, để cung cấp các dữ liệu chuẩn xác dùng trong thiết kế và thi công xây lắp, kiểm định, giám sát chất lượng các công trình xây dựng.
TCVN 9398:2012 về Công tác trắc địa trong xây dựng công trình? Quy định chung về công tác trắc địa ra sao? (Hình từ Internet)
Quy định chung về công tác trắc địa ra sao?
Căn cứ Mục 4 Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9398:2012, công tác trắc địa trong xây dựng công trình phải đáp ứng các quy định chung như sau:
(1) Công tác trắc địa là một khâu công việc quan trọng trong toàn bộ các công tác khảo sát, thiết kế, thi công xây lắp công trình trên mặt bằng xây dựng. Chúng phải được thực hiện theo một đề cương hoặc phương án kỹ thuật đã được phê duyệt và phù hợp với tiến độ chung của các giai đoạn khảo sát, thiết kế, xây lắp, đánh giá độ ổn định và bảo trì công trình.
(2) Công tác trắc địa phục vụ xây dựng công trình gồm 3 giai đoạn chính:
- Công tác khảo sát trắc địa và địa hình phục vụ thiết kế công trình, bao gồm: Thành lập lưới khống chế mặt bằng và độ cao phục vụ cho việc đo vẽ bản đồ tỷ lệ lớn, lập báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế kỹ thuật thi công.
- Công tác trắc địa phục vụ thi công xây lắp công trình, bao gồm: Thành lập lưới khống chế mặt bằng và độ cao phục vụ bố trí chi tiết và thi công xây lắp công trình. Kiểm tra kích thước hình học và căn chỉnh các kết cấu công trình, đo vẽ hoàn công công trình.
- Công tác trắc địa phục vụ quan trắc biến dạng công trình, bao gồm: thành lập lưới khống chế cơ sơ, lưới mốc chuẩn và mốc kiểm tra nhằm xác định đầy đủ, chính xác các giá trị chuyển dịch phục vụ cho việc đánh giá độ ổn định và bảo trì công trình.
Ba công đoạn trên có liên quan mật thiết với nhau và phải được thực hiện theo một trình tự quy định.
(3) Nội dung, quy mô của công tác khảo sát đo đạc địa hình, yêu cầu độ chính xác thành lập lưới khống chế thi công, quan trắc chuyển dịch công trình và biện pháp, kế hoạch thực hiện cần được nêu rõ trong đề cương hoặc phương án kỹ thuật và phải được phê duyệt trước khi thi công.
(4) Tọa độ và độ cao dùng để đo đạc khảo sát trắc địa, địa hình, thiết kế, thi công xây lắp công trình phải nằm trong cùng một hệ thống nhất.
Nếu sử dụng hệ tọa độ giả định thì gốc tọa độ phải được chọn sao cho tọa độ của tất cả các điểm trên mặt bằng xây dựng đều có dấu dương. Nếu sử dụng tọa độ quốc gia thì phải sử dụng hệ tọa độ VN - 2000 và kinh tuyến trục được chọn sao cho biến dạng chiều dài của các cạnh không vượt quá 1/50 000, nếu vượt quá thì phải tính chuyển.
Mặt chiếu được chọn trong đo đạc xây dựng công trình là mặt có độ cao trung bình của khu vực xây dựng công trình. Khi hiệu số độ cao mặt đất và mặt chiếu nhỏ hơn 32 m thì có thể bỏ qua số hiệu chỉnh DSh, nếu lớn hơn thì phải tính số hiệu chỉnh do độ cao.
(5) Tiêu chuẩn để đánh giá độ chính xác của các đại lượng đo trong xây dựng là sai số trung phương. Sai số giới hạn được lấy bằng hai lần sai số trung phương.
(6) Để phục vụ xây dựng các công trình lớn, phức tạp và các nhà cao tầng đơn vị thi công phải lập phương án kỹ thuật bao gồm các nội dung chính như sau:
- Giới thiệu chung về công trình, yêu cầu độ chính xác của công tác trắc địa phục vụ thi công xây dựng công trình, các tài liệu trắc địa địa hình đã có trong khu vực.
- Thiết kế lưới khống chế mặt bằng và độ cao, đưa ra các phương án và chọn phương án tối ưu.
- Tổ chức thực hiện đo đạc.
- Phương án xử lý số liệu đo đạc.
- Phương án xử lý các vấn đề phức tạp như căn chỉnh độ phẳng, độ thẳng đứng của các thiết bị, đo kiểm tra các khu vực quan trọng ...
- Sơ đồ bố trí và cấu tạo các loại dấu mốc.
(7) Trước khi tiến hành các công tác trắc địa trên mặt bằng xây dựng cần nghiên cứu tổng bình đồ công trình, kiểm tra các bản vẽ chi tiết sẽ sử dụng cho việc bố trí các công trình như: khoảng cách giữa các trục, khoảng cách tổng thể, tọa độ và độ cao của các điểm và được sự phê duyệt của bộ phận giám sát kỹ thuật.
(8) Đối với các công trình lớn có dây chuyền công nghệ phức tạp và công trình cao tầng cần phải sử dụng các máy móc thiết bị hiện đại có độ chính xác cao như máy toàn đạc điện tử, máy thủy chuẩn tự cân bằng có bộ đo cực nhỏ và mia invar, máy chiếu đứng …
Để thành lập lưới khống chế có thể sử dụng công nghệ GPS kết hợp với máy toàn đạc điện tử. Tất cả các thiết bị sử dụng đều phải được kiểm tra, kiểm nghiệm và hiệu chỉnh theo đúng các yêu cầu trong tiêu chuẩn hoặc quy phạm chuyên ngành trước khi đưa vào sử dụng.
Trình tự bố trí công trình được quy định thế nào?
Căn cứ tiểu mục 7.3 Mục 7 Tiêu chuẩn TCVN 9398:2012, trình tự bố trí công trình cần được tiến hành theo các nội dung sau:
- Lập lưới bố trí trục công trình;
- Định vị công trình;
- Chuyển trục công trình ra thực địa và giác móng công trình;
- Bố trí các trục phụ của công trình dựa trên cơ sơ các trục chính đã được bố trí;
- Bố trí chi tiết các trục dọc và trục ngang của các hạng mục công trình;
- Chuyển trục và độ cao lên các tầng xây lắp;
- Bố trí các điểm chi tiết của công trình dựa vào bản vẽ thiết kế;
- Đo vẽ hoàn công.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân?
- Hướng dẫn ghi Phiếu lấy ý kiến đồng nghiệp trong tổ chuyên môn đối với giáo viên cơ sở phổ thông mới nhất?
- Người nhận hối lộ trong việc đăng ký cư trú có nằm trong hành vi bị pháp luật nghiêm cấm không?
- Trường hợp đăng ký biến động đất đai thì chi nhánh của tổ chức đăng ký đất đai có thẩm quyền cấp sổ đỏ không?
- Dự án bất động sản có phải tuân thủ giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải cấp giấy phép xây dựng không?