Từ 01/7/2023, trợ cấp BHXH có tăng lên như thế nào? Mức tăng là bao nhiêu? Tăng hơn bao nhiêu so với quy định hiện nay?
Khi nào sẽ tăng lương cơ sở?
Hiện nay, có hai phương án đang được đại biểu quốc hội đề xuất khi thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 2020, dự kiến 2023 như sau:
-Tăng lương cơ sở ngay từ ngày 01/01/2023
Theo đó, các đại biểu Quốc hội đề xuất áp dụng việc tăng lương cơ sở sớm hơn 06 tháng, thay vì 01/7/2023 thì sẽ tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức ngay từ ngày 01/01/2023 để kịp thời hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức khó khăn nhất là khi các mặt hàng đang không ngừng tăng mạnh như hiện nay.
-Tăng lương cơ sở từ ngày 01/7/2023
Chiều 20/10/2022, tại buổi khai mạc phiên họp thứ 14 của Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023.
Trong báo cáo, đồng chí nêu rõ, tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động còn thấp, đặc biệt hiện nay còn có tình trạng một bộ phận không nhỏ các đối tượng này nghỉ việc, chuyển việc nhất là giáo dục và y tế.
Theo đó, đồng chí nhấn mạnh, cần phải hoàn thiện và phát triển hiệu quả chính sách về tiền lương trong đó có điều chỉnh mức lương cơ sở từ 01/7/2023.
Lương cơ sở được đề xuất tăng bao nhiêu?
Tại Tờ trình đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2022, Chính phủ hiện đang đề xuất tăng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng (tức tăng 20,8%).
Việc không tăng mức lương cơ sở đã làm cho đời sống của người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn. Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc hoặc chuyển việc từ khu vực công sang khu vực tư ngày càng nhiều.
Vì vậy, để đảm bảo cân đối thu nhập của cán bộ, công chức với tình hình kinh tế của quốc gia, Chính phủ cũng dự kiến thời điểm tăng lương cơ sở là từ ngày 01/7/2023.
Để kịp thời hỗ trợ giảm khó khăn cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong bối cảnh giá cả các mặt hàng leo thang, nhiều đại biểu Quốc hội còn đề xuất tăng lương cơ sở sớm hơn lộ trình mà Chính phủ đề xuất là 06 tháng, tức tăng lương cơ sở từ ngày 01/01/2023.
Tuy nhiên để biết chính xác mức tăng và thời điểm tăng vẫn cần chờ ý kiến từ Quốc hội.
Từ 01/7/2023, trợ cấp BHXH có tăng lên như thế nào? Mức tăng là bao nhiêu? Tăng hơn bao nhiêu so với quy định hiện nay? (Hình từ Internet)
Tăng lương cơ sở 2023: Trợ cấp BHXH có tăng theo không và tăng bao nhiêu?
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, có rất nhiều khoản trợ cấp BHXH được tính theo lương cơ sở. Do đó, khi lương cơ sở thay đổi, các khoản trợ cấp về ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tử tuất cũng sẽ thay đổi theo, cụ thể như sau:
Mức trợ cấp dưỡng sức sau ốm đau
Hiện nay, căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định mức dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau như sau:
Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau
…
3. Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Theo đó, nếu mức lương cơ sở tăng từ 1.490.000 đồng/ tháng thành 1.800.000 đồng/ tháng thì khoản trợ cấp trên sẽ tăng từ 447.000 đồng/ngày lên thành 540.000 đồng/ngày.
Mức trợ cấp 1 lần khi sinh con
Căn cứ theo quy định tại Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau
Trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi
Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.
Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.
Theo đó, nếu mức lương cơ sở tăng từ 1.490.000 đồng/ tháng thành 1.800.000 đồng/ tháng thì mức trợ cấp 1 lần khi sinh con hoặc nuôi con nuôi của người lao động cũng điều chỉnh tăng từ 2,98 triệu đồng/con lên thành 3,6 triệu đồng/con.
Mức dưỡng sức sau thai sản
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:
Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản
…
3. Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Theo đó, nếu mức lương cơ sở tăng từ 1.490.000 đồng/ tháng thành 1.800.000 đồng/ tháng thì tiền trợ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đâu cũng sẽ tăng từ 447.000 đồng/ngày lên thành 540.000 đồng/ngày.
Mức trợ cấp mai táng
Căn cứ theo quy định tại Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:
Trợ cấp mai táng
1. Những người sau đây khi chết thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng:
a) Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này đang đóng bảo hiểm xã hội hoặc người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà đã có thời gian đóng từ đủ 12 tháng trở lên;
b) Người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc chết trong thời gian điều trị do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
c) Người đang hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đã nghỉ việc.
2. Trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người quy định tại khoản 1 Điều này chết.
Theo đó, nếu mức lương cơ sở tăng từ 1.490.000 đồng/ tháng thành 1.800.000 đồng/ tháng thì: khoản tiền trợ cấp mai táng cũng tăng từ 14,9 triệu đồng lên 18 triệu đồng.
Mức trợ cấp tuất hằng tháng
Căn cứ theo quy định tại Điều 68 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:
Mức trợ cấp tuất hằng tháng
1. Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.
Theo đó, nếu mức lương cơ sở tăng từ 1.490.000 đồng/ tháng thành 1.800.000 đồng/ tháng thì:
- Thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng: Trợ cấp tuất hằng tháng tăng từ 1,043 triệu đồng/tháng lên thành 1,26 triệu đồng/tháng.
- Trường hợp còn lại: Trợ cấp tuất hằng tháng tăng từ 745.000 đồng/tháng lên thành 900.000 đồng/tháng.
Mức trợ cấp 1 lần khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Căn cứ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 48 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 quy định như sau:
Trợ cấp một lần
1. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần.
2. Mức trợ cấp một lần được quy định như sau:
a) Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;
b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp; trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.
Theo đó, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần và nếu mức lương cơ sở tăng từ 1.490.000 đồng/ tháng thành 1.800.000 đồng/ tháng thì:
- Suy giảm 5% khả năng lao động: Trợ cấp tăng từ 7,45 triệu đồng lên 9 triệu đồng.
- Sau đó cứ suy giảm thêm 1%: Hưởng thêm 900.000 đồng (hiện nay là 745.000 đồng).
Trợ cấp hằng tháng khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Căn cứ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 49 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 quy định như sau:
Trợ cấp hằng tháng
1. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.
2. Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau:
a) Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;
b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp; trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.
Theo đó, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng và nếu mức lương cơ sở tăng từ 1.490.000 đồng/ tháng thành 1.800.000 đồng/ tháng thì:
- Suy giảm 31% khả năng lao động: Trợ cấp tăng 447.000 đồng/tháng lên thành 540.000 đồng/tháng.
- Sau đó cứ suy giảm thêm 1%: Hưởng thêm 36.000 đồng/tháng (hiện nay là 29.800 đồng).
Trợ cấp phục vụ cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Căn cứ theo quy định tại Điều 52 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 quy định như sau:
Trợ cấp phục vụ
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng quy định tại Điều 49 của Luật này, hằng tháng còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở.
Theo đó, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sẽ được trợ cấp phục vụ hằng tháng nếu có thêm một trong các điều kiện sau:
- Bị liệt cột sống
- Mù hai mắt.
- Cụt, liệt hai chi.
- Bị bệnh tâm thần.
Và nếu mức lương cơ sở tăng từ 1.490.000 đồng/ tháng thành 1.800.000 đồng/ tháng thì: mức trợ cấp phục vụ tăng theo từ 1,49 triệu đồng/tháng lên thành 1,8 triệu đồng/tháng.
Trợ cấp 1 lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Căn cứ theo quy định tại Điều 53 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 quy định như sau:
Trợ cấp khi người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng ba mươi sáu lần mức lương cơ sở tại tháng người lao động bị chết và được hưởng chế độ tử tuất theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
2. Người lao động bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
3. Người lao động bị chết trong thời gian điều trị thương tật, bệnh tật mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động.
Hồ sơ hưởng chế độ tử tuất trong trường hợp người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 111 của Luật bảo hiểm xã hội.
Theo đó, người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì thân nhân sẽ được thanh toán trợ cấp 1 lần và nếu mức lương cơ sở tăng từ 1.490.000 đồng/ tháng thành 1.800.000 đồng/ tháng thì: Mức trợ cấp này cũng tăng từ 53,64 triệu đồng lên 64,8 triệu đồng.
Mức dưỡng sức sau điều trị
Căn cứ theo quy định tại Điều 54 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 quy định như sau:
Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật
1. Người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp, trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày cho một lần bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Trường hợp chưa nhận được kết luận giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc thì người lao động vẫn được giải quyết chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cho người lao động sau khi điều trị thương tật, bệnh tật theo quy định tại khoản 2 Điều này nếu Hội đồng giám định y khoa kết luận mức suy giảm khả năng lao động đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
…
3. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều này được hưởng 01 ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Theo đó, người lao động quay trở lại làm việc sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp mà trong thời gian 30 ngày đầu mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe và nếu mức lương cơ sở tăng từ 1.490.000 đồng/ tháng thành 1.800.000 đồng/ tháng thì:
Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau điều trị thương tật, bệnh tật tăng từ 447.000 đồng/ngày lên 540.000 đồng/ngày.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Biên tập viên hạng 1 lĩnh vực xuất bản chỉ đạo việc phối hợp giữa biên tập viên các bộ phận nào để bản thảo đi in đạt yêu cầu chất lượng xuất bản phẩm?
- Quán net được mở đến mấy giờ? Quán net không được hoạt động từ 22 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau đúng không?
- Thành viên trong nhóm người sử dụng đất muốn chuyển nhượng đối với phần quyền sử dụng đất của mình thì xử lý như thế nào?
- Kinh phí khuyến công quốc gia đảm bảo chi cho những hoạt động khuyến công do cơ quan nào thực hiện?
- Người nộp thuế có được yêu cầu cơ quan quản lý thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của mình không?