NHNN áp dụng biện pháp can thiệp sớm đối với tổ chức tín dụng theo Luật Các tổ chức tín dụng 2024 trong trường hợp nào?
- Can thiệp sớm đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là gì? Áp dụng biện pháp can thiệp sớm trong trường hợp nào?
- Các yêu cầu, biện pháp hạn chế đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm là gì?
- Trường hợp nào chấm dứt áp dụng can thiệp sớm đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài?
Can thiệp sớm đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là gì? Áp dụng biện pháp can thiệp sớm trong trường hợp nào?
Căn cứ theo Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có nêu như sau:
Giải thích từ ngữ
...
3. Can thiệp sớm là việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) áp dụng các yêu cầu, biện pháp hạn chế đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó thực hiện phương án khắc phục dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước nhằm khắc phục tình trạng theo quy định tại khoản 1 Điều 156 của Luật này.
Vậy, can thiệp sớm là việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam áp dụng các yêu cầu, biện pháp hạn chế đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó phải thực hiện phương án khắc phục dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước nhằm khắc phục những tình trạng sau:
- Số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu quy định tại điểm b khoản 1 Điều 138 của Luật Các tổ chức tín dụng 2024;
- Xếp hạng dưới mức trung bình theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước;
- Vi phạm tỷ lệ khả năng chi trả quy định tại điểm a khoản 1 Điều 138 của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 trong thời gian 30 ngày liên tục;
- Vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu quy định tại điểm b khoản 1 Điều 138 của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 trong thời gian 06 tháng liên tục;
- Bị rút tiền hàng loạt và có báo cáo gửi Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước áp dụng biện pháp can thiệp sớm đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi nào? (Hình từ Internet)
Các yêu cầu, biện pháp hạn chế đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm là gì?
Căn cứ theo Điều 157 Luật Các tổ chức tín dụng 2024, khi áp dụng can thiệp sớm các yêu cầu, biện pháp hạn chế đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm:
- Các yêu cầu đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm bao gồm:
+ Tăng vốn điều lệ, vốn được cấp; tăng cường nắm giữ tài sản có tính thanh khoản cao và thực hiện các giải pháp khác để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng;
+ Cắt giảm chi phí hoạt động, chi phí quản lý, thù lao, lương, thưởng; yêu cầu bồi hoàn thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý, người điều hành, thành viên Ban kiểm soát;
+ Tăng cường quản trị rủi ro; tổ chức lại bộ máy quản trị, điều hành.
- Các biện pháp hạn chế đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm bao gồm:
+ Không chia cổ tức, lợi tức, phân phối lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập các quỹ, chuyển lợi nhuận về nước; hạn chế chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, chuyển nhượng tài sản;
+ Hạn chế hoạt động kinh doanh không hiệu quả, có rủi ro cao; giảm giới hạn cấp tín dụng, giới hạn góp vốn, mua cổ phần; hạn chế tăng trưởng tín dụng;
+ Đình chỉ, tạm đình chỉ một hoặc một số hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật; không bổ sung nội dung hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh mới khác, không mở rộng mạng lưới hoạt động;
+ Đình chỉ người quản lý, người điều hành có hành vi vi phạm pháp luật hoặc gây rủi ro lớn đến hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; yêu cầu bầu, bổ nhiệm thay thế người quản lý, người điều hành có hành vi vi phạm pháp luật hoặc gây rủi ro lớn đến hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm;
+ Biện pháp khác theo thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước.
Trường hợp nào chấm dứt áp dụng can thiệp sớm đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài?
Căn cứ theo Điều 161 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định về việc chấm dứt áp dụng can thiệp sớm đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như sau:
- Tổ chức tín dụng chấm dứt can thiệp sớm trong các trường hợp sau đây:
+ Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt việc thực hiện văn bản yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 156 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 khi tổ chức tín dụng khắc phục được tình trạng dẫn đến thực hiện can thiệp sớm theo quy định tại khoản 1 Điều 156 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 và có văn bản báo cáo gửi Ngân hàng Nhà nước;
+ Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận sáp nhập, hợp nhất với tổ chức tín dụng khác theo quy định tại Điều 201 của Luật Các tổ chức tín dụng 2024;
+ Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyết định giải thể, phá sản tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật;
+ Ngân hàng Nhà nước có quyết định đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt quy định tại Điều 162 Luật Các tổ chức tín dụng 2024.
- Chi nhánh ngân hàng nước ngoài chấm dứt can thiệp sớm trong các trường hợp sau đây:
+ Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt việc thực hiện văn bản yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 156 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 khi chi nhánh ngân hàng nước ngoài khắc phục được tình trạng dẫn đến thực hiện can thiệp sớm quy định tại khoản 1 Điều 156 của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 và có văn bản báo cáo gửi Ngân hàng Nhà nước;
+ Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận giải thể, chấm dứt hoạt động chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, trừ quy định tại khoản 3 Điều 200 và khoản 15 Điều 210 của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13929:2024 về Bê tông - Phương pháp thử tăng tốc Cacbonat hóa thế nào?
- Mức ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất? Quy định về việc quản lý nguồn thu lựa chọn nhà đầu tư?
- Không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra trong quản lý giá từ ngày 12/7/2024 bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Tổ chức, cá nhân liên quan đến phương tiện vận tải xuất cảnh trong việc phòng chống buôn lậu có nghĩa vụ gì?
- Có được áp dụng hình thức kỷ luật tước danh hiệu Công an nhân dân đối với cán bộ sử dụng chất gây nghiện trái phép không?