Nghị định 66/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung nguyên tắc lập danh sách cử tri để phát phiếu lấy ý kiến về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính?
- Nghị định 66/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung nguyên tắc lập danh sách cử tri để phát phiếu lấy ý kiến về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính trong Nghị định 54/2018/NĐ-CP có đúng không?
- Thẩm quyền khiếu nại và giải quyết khiếu nại danh sách cử tri về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính được quy định như thế nào?
- Có bao nhiêu hình thức thông tin, tuyên truyền lấy ý kiến cử tri về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính?
Nghị định 66/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung nguyên tắc lập danh sách cử tri để phát phiếu lấy ý kiến về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính trong Nghị định 54/2018/NĐ-CP có đúng không?
Ngày 24/08/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 66/2023/NĐ-CP nhằm sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 54/2018/NĐ-CP hướng dẫn việc lấy ý kiến cử tri về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh đơn vị địa giới hành chính.
Tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 66/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung nguyên tắc lập danh sách cử tri để phát phiếu lấy ý kiến như sau:
Nguyên tắc lập danh sách cử tri để phát phiếu lấy ý kiến
1. Công dân có quyền bầu cử theo quy định tại Điều 2 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đông nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri để được phát phiếu lấy ý kiến việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, trừ các trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều này.
2. Cử tri được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi mình đăng ký thường trú và đăng ký tạm trú.
Trường hợp cấp có thẩm quyền tổ chức lấy ý kiến việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đối với cùng 01 đơn vị hành chính ở cả nơi cử tri đăng ký thường trú và đăng ký tạm trú thì cử tri chỉ được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi mình đăng ký thường trú.
3. Cử tri nếu ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri do UBND cấp xã nơi đó lập đến trước thời điểm cơ quan có thẩm quyền quyết định việc tổ chức lấy ý kiến cử tri 24 giờ thì đến UBND cấp xã xuất trình hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam tại UBND cấp xã nơi mình đăng ký thường trú và đăng ký tạm trú để được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát phiếu lấy ý kiến cử tri.
4. Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri.
5. Cử tri bị xóa đăng ký thường trú hoặc xóa đăng ký tạm trú tại đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính sau khi danh sách đã được niêm yết, cử tri đã có tên trong danh sách mà đến thời điểm phát phiếu lấy ý kiến bị Tòa án tước quyền bầu cử, phải chấp hành hình phạt tù hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì xóa tên khỏi danh sách cử tri.
6. Danh sách cử tri được niêm yết trong thời gian tối thiểu 30 ngày kể từ ngày bắt đầu niêm yết danh sách đến ngày tổ chức phát phiếu lấy ý kiến cử tri.
Theo đó, tại Điều 4 Nghị định 54/2018/NĐ-CP quy định về nguyên tắc lập danh sách cử tri để phát phiếu lấy ý kiến như sau:
Nguyên tắc lập danh sách cử tri để phát phiếu lấy ý kiến
1. Mọi cử tri ở đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát phiếu lấy ý kiến cử tri.
2. Mỗi cử tri chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình đăng ký thường trú.
3. Cử tri nếu là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đăng ký thường trú ghi tên vào danh sách cử tri để phát phiếu lấy ý kiến tại nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, nơi có cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
4. Cử tri nếu ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đó lập đến trước thời điểm cơ quan có thẩm quyền quyết định việc tổ chức lấy ý kiến cử tri 24 giờ thì đến Ủy ban nhân dân cấp xã xuất trình hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mình đăng ký thường trú để được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát phiếu lấy ý kiến cử tri.
5. Cử tri thay đổi nơi cư trú đến đơn vị hành chính khác sau khi danh sách đã được niêm yết, cử tri đã có tên trong danh sách mà trước hoặc thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự hoặc tuyên án phải chấp hành hình phạt tù hoặc bị tước quyền công dân thì xóa tên ra khỏi danh sách cử tri.
6. Danh sách cử tri được niêm yết trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bắt đầu niêm yết danh sách đến ngày tổ chức phát phiếu lấy ý kiến cử tri.
Như vậy, so với quy định cũ, quy định về nguyên tắc lập danh sách cử tri được sửa đổi, bổ sung ở Nghị định mới được quy định chặt chẽ hơn.
Ngoài ra, quy định mới cũng cho phép cử tri được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi mình đăng ký thường trú và đăng ký tạm trú.
Nghị định 66/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung nguyên tắc lập danh sách cử tri để phát phiếu lấy ý kiến về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính trong Nghị định 54/2018/NĐ-CP có đúng không? (Hình từ Internet)
Thẩm quyền khiếu nại và giải quyết khiếu nại danh sách cử tri về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính được quy định như thế nào?
Thẩm quyền khiếu nại và giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri được quy định tại Điều 5 Nghị định 54/2018/NĐ-CP như sau:
- Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lập và niêm yết danh sách cử tri để phát phiếu lấy ý kiến cử tri trên địa bàn tại thời điểm tổ chức lấy ý kiến.
- Khi kiểm tra danh sách cử tri, nếu phát hiện có sai sót thì trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức phát phiếu lấy ý kiến cử tri, công dân có quyền khiếu nại với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi lập danh sách cử tri. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi lập danh sách cử tri phải ghi vào sổ những khiếu nại đó. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại, Ủy ban nhân dân cấp xã phải giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết kết quả giải quyết.
- Trường hợp người khiếu nại không đồng ý về kết quả giải quyết khiếu nại hoặc hết thời hạn giải quyết mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
- Đối với đơn vị hành chính cấp huyện không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm lập, niêm yết danh sách cử tri và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác của Ủy ban nhân dân cấp xã quy định tại Điều 131 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 và Nghị định 54/2018/NĐ-CP.
Có bao nhiêu hình thức thông tin, tuyên truyền lấy ý kiến cử tri về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính?
Tại Điều 8 Nghị định 54/2018/NĐ-CP quy định về 2 hình thức thông tin, tuyên truyền về việc lấy ý kiến cử tri như sau:
- Tổ chức thông tin, tuyên truyền về việc lấy ý kiến trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở ở địa phương theo quy định của pháp luật.
- Phổ biến tại hội nghị cử tri do Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức và tại các cuộc họp thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm,... (sau đây gọi chung là thôn, tổ dân phố) trên địa bàn cấp xã.
Nghị định 66/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2023.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Đăng tải thông tin tiết lộ nội dung hồ sơ mời thầu trước thời điểm phát hành trái quy định pháp luật bị xử phạt vi phạm hành chính bao nhiêu tiền?
- Việc ban hành văn bản định giá hoặc điều chỉnh mức giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền định giá ban hành được thực hiện thế nào?
- Tổ chức thực hiện thanh lý rừng trồng trong trường hợp nào? Chi phí thanh lý rừng trồng được thực hiện như thế nào?
- Mã dự án đầu tư công trên Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công có phải là mã số định danh duy nhất?
- Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền và nghĩa vụ gì trong quan hệ lao động? Được thành lập nhằm mục đích gì?