Mua bán giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH giả bị phạt như thế nào? Có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Mua giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH giả bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo quy định hiện nay tại khoản 1 Điều 40 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, về xử lý đối với hành vi vi phạm quy định về lập hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp như sau:
Vi phạm quy định về lập hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người lao động có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định khi người lao động có việc làm trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp;
c) Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không thông báo theo quy định với Trung tâm dịch vụ việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: có việc làm; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hưởng lương hưu hằng tháng; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì người lao động mua giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH giả mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng tùy vào tính chất và mức độ vi phạm.
Trường hợp đối tượng mua giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH giả là tổ chức thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt nêu trên.
Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 40 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, người mua giấy nghỉ ốm hưởng BHXH giả có trách nhiệm nộp lại cho cơ quan BHXH số tiền đã nhận.
Mua bán giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH giả bị phạt như thế nào? Có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Hình từ Internet)
Có bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi mua giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH giả không?
Có thể thấy, mua giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH giả được xác định là hành vi vi phạm pháp luật.
Tùy vào tính chất và mức độ vi phạm mà người có hành vi mua giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH giả để sử dụng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gian lận BHXH tại Điều 214 Bộ Luật Hình sự 2015 như sau:
Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội;
b) Dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, trong trường hợp người lao động có hành vi dùng giấy giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH giả nếu chiếm đoạt tiền BHXH từ 10 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đồng trở lên đủ để cấu thành tội Gian lận BHXH thì có thể bị phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng - 02 năm tùy tính chất, mức độ vi phạm.
Trường hợp nặng nhất sẽ bị phạt tù lên đến 10 năm.
Đơn vị bán giấy chứng nhận nghỉ ốm hưởng BHXH giả bị xử lý như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, trường hợp đủ điều kiện cấu thành tội phạm, đơn vị bán giấy chứng nhận chứng nhận nghỉ hưởng BHXH giả có thể bị xử lý theo 02 tội sau:
- Tội gian lận BHXH tại Điều 214 Bộ Luật Hình sự 2015;
- Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.
Dựa vào tính chất, quy mô và mức độ, đơn vị bán giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH giả sẽ có hình thức xử lý tương ứng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tổ chức, cá nhân liên quan đến phương tiện vận tải xuất cảnh trong việc phòng chống buôn lậu có nghĩa vụ gì?
- Có được áp dụng hình thức kỷ luật tước danh hiệu Công an nhân dân đối với cán bộ sử dụng chất gây nghiện trái phép không?
- Việc xử lý bưu gửi không có người nhận được thực hiện như thế nào? Tổ chức xử lý không đúng quy định đối với bưu gửi bị xử phạt bao nhiêu?
- Loại hình giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là gì? VSDC thực hiện thanh toán giao dịch theo phương thức nào?
- 05 căn cứ tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ trong trường hợp cần thiết? Chế độ chính sách của cán bộ bị tạm đình chỉ công tác được thực hiện thế nào?