Mẫu phương án chữa cháy mới nhất 2024 theo Nghị định 136? Hướng dẫn ghi mẫu phương án chữa cháy cho từng đối tượng?
Mẫu phương án chữa cháy mới nhất 2024?
Mẫu phương án chữa cháy theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP thì có 2 mẫu phương án chữa cháy cho cơ sở và cơ quan công an như sau:
Mẫu phương án chữa cháy của cơ sở tại đây
Mẫu phương án chữa cháy của cơ quan công an tại đây
Mẫu phương án chữa cháy mới nhất 2024 theo Nghị định 136? Hướng dẫn ghi mẫu phương án chữa cháy cho từng đối tượng? (Hình từ internet)
Hướng dẫn ghi mẫu phương án chữa cháy cho từng đối tượng?
Hướng dẫn ghi mẫu phương án chữa cháy của cơ sở:
(1) Tên của cơ sở/khu dân cư/phương tiện: Ghi theo tên giao dịch hành chính.
(2) Sơ đồ mặt bằng tổng thể: Cần thể hiện rõ tên gọi của các hạng mục, nhà, đường giao thông, nguồn nước trong cơ sở và các nguồn nước chữa cháy tiếp giáp xung quanh. Phương án chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới thì bản vẽ thể hiện các khu vực nguy hiểm cháy, nổ và bố trí phương tiện chữa cháy. Sơ đồ vẽ trên khổ giấy A4 hoặc lớn hơn cho phù hợp.
(3) Vị trí cơ sở/khu dân cư: Ghi vị trí địa lý cơ sở, khoảng cách từ trung tâm quận, huyện đến cơ sở/khu dân cư; ghi cụ thể hướng của cơ sở tiếp giáp với các cơ sở, công trình, đường phố, sông, hồ... Đối với khu
dân cư chỉ ghi sơ lược vị trí, không ghi tiếp giáp khu dân cư về các hướng.
(4) Giao thông phục vụ chữa cháy: Ghi cụ thể kích thước chiều rộng, chiều cao (cổng, hành lang), kết cấu xây dựng của các tuyến đường bên trong và bên ngoài cơ sở/khu dân cư phục vụ công tác chữa cháy.
(5) Nguồn nước phục vụ chữa cháy: Tất cả các cơ sở phải thống kê các nguồn nước ở bên trong cơ sở. Riêng đối với cơ sở thuộc Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này phải thống kê thêm nguồn nước ở gần cơ sở như: Bể, hồ, ao, sông, ngòi, kênh, rạch, trụ, bến lấy nước, hố lấy nước... có thể phục vụ công tác chữa cháy; ghi rõ khả năng lấy nước vào các mùa, thời điểm trong ngày; chỉ dẫn vị trí, khoảng cách tới các nguồn nước ở bên ngoài.
(6) Tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy, nổ, độc: Ghi rõ loại chất cháy chủ yếu, vị trí bố trí, sắp xếp, số lượng, khối lượng, đặc điểm cháy, yếu tố độc hại khi cháy, khả năng cháy lan ra khu vực xung quanh của các hạng mục, công trình. Thống kê các loại nguồn nhiệt có khả năng phát sinh gây cháy: lửa trần; sự cố hệ thống điện, thiết bị điện, sự cố kỹ thuật....
Ví dụ: Đối với cơ sở chế biến gỗ thì chất cháy chủ yếu là gỗ, sơn, dung môi, giấy bao bì. Nguồn nhiệt gây cháy có thể do sơ suất trong việc sử dụng lửa trần để gia công sản phẩm hoặc do sự cố thiết bị điện (chập điện), sự cố dây chuyền công nghệ sản xuất (kẹt động cơ điện...).
Khi cháy tại các nhà xưởng, kho hàng hóa sẽ tỏa ra nhiệt lượng lớn, sinh nhiều khói khí độc, đặc biệt khi xảy ra cháy ở khu vực kho chứa các thùng hóa chất làm dung môi pha sơn có khả năng gây nổ, đám cháy sẽ nhanh chóng lan truyền trên diện rộng, gây thương vong. Khi nhà xưởng bị cháy trên 30 phút có thể dẫn đến sụp đổ mái tôn của nhà xưởng gây khó khăn cho việc tiếp cận chữa cháy....
(7) Ghi tổ chức của lực lượng phòng cháy chữa cháy đã được thành lập đội (tổ) phòng cháy chữa cháy cơ sở hay đội dân phòng.
(8) Phương tiện chữa cháy tại chỗ: Thống kê chủng loại, mã hiệu (ví dụ: Máy bơm chữa cháy động cơ xăng Tohatsu V52; bình bột chữa cháy ABC MFZ4...), số lượng, vị trí bố trí phương tiện chữa cháy. Không thống kê những phương tiện, thiết bị, dụng cụ chữa cháy chất lượng kém, không có khả năng chữa cháy.
(9) Giả định tình huống cháy phức tạp nhất: Giả định tình huống cháy có quy mô lớn, diễn biến phức tạp, có thể gây thiệt hại lớn về người và tài sản, công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn, phức tạp.
Trong đó giả định cụ thể thời điểm xảy ra cháy, nơi xuất phát cháy và nguyên nhân xảy ra cháy; chất cháy chủ yếu; quy mô, diện tích đám cháy tại thời điểm phát hiện cháy; những yếu tố gây ảnh hưởng tác động lớn tới việc chữa cháy như: Nhiệt độ cao, nhiều khói, khí độc, sụp đổ công trình...; vị trí và số lượng người bị kẹt hoặc bị nạn trong khu vực cháy.
(10) Tổ chức triển khai chữa cháy: Trên cơ sở tình huống cháy giả định, xây dựng trình tự xử lý sự cố cháy kể từ khi phát hiện cháy:
- Hô hoán, báo động cho mọi người xung quanh biết, tổ chức cắt điện, báo cháy cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở.
- Gọi điện báo cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, tổ chức cứu người và hướng dẫn thoát nạn (nếu có).
- Sử dụng các phương tiện, dụng cụ chữa cháy tại chỗ để dập lửa, sơ tán tài sản để ngăn cháy lan, phối hợp với các lực lượng khác (Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, chính quyền sở tại, công an, điện lực, y tế,...) trong công tác tổ chức chữa cháy và giữ gìn trật tự, bảo vệ tài sản.
- Bảo đảm hậu cần và thực hiện các hoạt động phục vụ chữa cháy.
- Bảo vệ hiện trường và khắc phục hậu quả vụ cháy.
Các công việc trên phải tổ chức phân công cho các tổ (đội), cá nhân một cách cụ thể, rõ ràng, trong đó cần nêu rõ:
- Nhiệm vụ của chỉ huy chữa cháy tại chỗ trước và khi lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có mặt tại đám cháy (chỉ huy lực lượng phòng cháy và chữa cháy tại chỗ triển khai các hoạt động chữa cháy.
- Báo cáo tình hình, cung cấp thông tin cho chỉ huy của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, tham gia ban chỉ huy chữa cháy, tham gia bảo vệ hiện trường phục vụ điều tra xác định nguyên nhân vụ cháy).
(11) Sơ đồ triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy:
- Vẽ sơ đồ thể hiện vị trí điểm phát sinh cháy, diện tích đám cháy.
- Hướng gió chủ đạo.
- Bố trí lực lượng, phương tiện để cứu người, hướng dẫn thoát nạn (nếu có) và tổ chức chữa cháy, sơ tán tài sản, chống cháy lan.
- Thể hiện hướng tấn công chính... bằng các ký hiệu thống nhất theo quy định tại mẫu phương án chữa cháy này. Sơ đồ vẽ trên khổ giấy A4 hoặc lớn hơn cho phù hợp.
(12) Phương án xử lý các tình huống cháy đặc trưng: Đối với các cơ sở có các khu vực, hạng mục công trình có tính chất hoạt động, công năng sử dụng tương tự nhau (như các lớp học, các bể chứa LPG, các phòng làm việc...) lựa chọn một khu vực, hạng mục, công trình đặc trưng làm tình huống giả định cháy để xây dựng phương án xử lý.
Các tình huống sắp xếp theo thứ tự “Tình huống 1, 2, 3...”; nội dung từng tình huống được nêu tóm tắt tương tự như đối với tình huống cháy phức tạp nhất.
(13) Bổ sung, chỉnh lý phương án chữa cháy: Nêu nội dung bổ sung, chỉnh lý trong phương án có liên quan đến việc tổ chức chữa cháy của cơ sở.
(14) Theo dõi học và thực tập phương án chữa cháy: Sau mỗi lần tổ chức học tập, thực tập phương án chữa cháy phải ghi lại thông tin cơ bản về lần học tập, thực tập phương án đó.
(15) Quyền hạn, chức vụ của người phê duyệt phương án chữa cháy.
(16) Quyền hạn, chức vụ của người có trách nhiệm xây dựng phương án chữa cháy.
(17) Số phương án chữa cháy do cơ quan Công an ghi theo số hồ sơ phê duyệt phương án chữa cháy (theo quy định của Bộ Công an về công tác hồ sơ, thống kê nghiệp vụ cảnh sát).
Hướng dẫn ghi Phương án chữa cháy của cơ quan Công an như sau:
(1) Ghi tên cơ quan chủ quản cấp trên của cơ quan xây dựng phương án chữa cháy.
(2) Ghi tên cơ quan xây dựng phương án chữa cháy.
(3) Cấp phê duyệt phương án chữa cháy, ghi:
- “C07” đối với phương án chữa cháy do Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phê duyệt;
- “UBT” đối với phương án chữa cháy do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;
- “UBT + C07” đối với phương án chữa cháy do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phê duyệt;
- “CAT” đối với phương án chữa cháy do Giám đốc Công an cấp tỉnh phê duyệt;
- “PC07” đối với phương án chữa cháy do Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh phê duyệt;
- “UBH” đối với phương án chữa cháy do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt;
- “CAH” do Trưởng Công an cấp huyện phê duyệt.
(4) Ghi tên của cơ sở/khu dân cư theo văn bản giao dịch hành chính.
(5) Vị trí cơ sở/khu dân cư: Ghi rõ các cơ sở, công trình, đường phố, sông, hồ tiếp giáp theo bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc.
(6) Giao thông bên trong và bên ngoài: Ghi rõ các tuyến đường và khoảng cách từ cơ quan Công an được phân công thực hiện nhiệm vụ chữa cháy đến cơ sở khu dân cư; các tuyến đường bên trong và bên ngoài cơ sở mà các phương tiện chữa cháy cơ giới hoạt động, tiếp cận được.
(7) Nguồn nước phục vụ chữa cháy: Thống kê các nguồn nước ở xung quanh cơ sở có thể phục vụ chữa cháy như: bể, hồ, ao, sông, ngòi, kênh, rạch, trụ, bến lấy nước, hố lấy nước..., ghi rõ khả năng lấy nước vào các mùa, thời điểm trong ngày; chỉ dẫn vị trí, khoảng cách tới các nguồn nước ở bên ngoài.
(8) Tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy, nổ, độc:
- Nêu khái quát đặc điểm kiến trúc, xây dựng của các hạng mục công trình (số tầng, bậc chịu lửa, diện tích mặt bằng, loại vật liệu của các cấu kiện xây dựng chủ yếu như tường, cột, trần, sàn, mái...).
- Số người thường xuyên có mặt trong các hạng mục công trình; tính chất hoạt động, công năng sử dụng của các hạng mục công trình liên quan đến nguy hiểm cháy, nổ, độc.
- Đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ của các chất cháy chủ yếu (loại chất cháy, vị trí bố trí, sắp xếp, số lượng, khối lượng, vận tốc cháy, đặc điểm cháy, yếu tố độc hại khi cháy, khả năng cháy lan ra khu vực xung quanh).
- Các loại nguồn nhiệt có khả năng phát sinh gây cháy (lửa trần, sự cố hệ thống điện, thiết bị điện, sự cố kỹ thuật...).
(9) Tổ chức lực lượng chữa cháy tại chỗ: Nêu tình hình tổ chức, số lượng đội viên phòng cháy chữa cháy và số người đã qua huấn luyện về phòng cháy và chữa cháy. Số người thường trực trong và ngoài giờ làm việc.
(10) Phương tiện chữa cháy tại chỗ: Thống kê chủng loại, số lượng, vị trí bố trí phương tiện chữa cháy cơ giới, hệ thống chữa cháy vách tường, phương tiện cứu người... (chỉ thống kê những phương tiện, thiết bị, dụng cụ có khả năng sử dụng để chữa cháy).
(11) Giả định tình huống cháy phức tạp nhất:
- Giả định tình huống cháy có quy mô lớn, diễn biến phức tạp, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn nhất, cần phải huy động nhiều lực lượng và phương tiện mới có thể xử lý được, trong đó giả định cụ thể về thời điểm xảy ra cháy (có thể vào ban đêm hoặc ngoài giờ làm việc, việc phát hiện và báo cháy muộn);
- Điểm xuất phát cháy, nguyên nhân xảy ra cháy và nguyên nhân dẫn đến cháy lớn; loại chất cháy chủ yếu, thời gian cháy tự do; quy mô, diện tích đám cháy tại thời điểm phát hiện cháy.
- Dự kiến khả năng phát triển của đám cháy và những yếu tố ảnh hưởng tác động tới việc chữa cháy như nhiệt độ cao, nhiều khói, khí độc, sụp đổ công trình...
- Dự kiến vị trí và số lượng người bị nạn trong khu vực cháy.
(12) Chiến, kỹ thuật chữa cháy: Căn cứ vào quy mô, diện tích, loại hình, tính chất, đặc điểm của đám cháy, chất cháy chủ yếu, dạng phát triển của đám cháy (giả định) và khả năng huy động lực lượng phương tiện để đề ra chiến thuật, kỹ thuật, phương pháp, biện pháp chữa cháy phù hợp
(13) Tính toán lực lượng, phương tiện chữa cháy:
- Trên cơ sở áp dụng chiến thuật, kỹ thuật chữa cháy đối với tình huống cháy giả định, tính toán số lượng lực lượng, phương tiện, chất chữa cháy cần thiết để chữa cháy (tổ chức trinh sát, cứu người, hướng dẫn thoát nạn.
- Làm mát, phá dỡ ngăn chặn cháy lan; cấp nước chữa cháy, cứu tài sản...) và phục vụ chữa cháy (xe thang, xe cứu thương, xe chở nước, xe máy xúc, máy ủi, xe cẩu, xe nâng...).
- Trường hợp tính toán lực lượng, phương tiện cần thiết để chữa cháy vượt quá khả năng đáp ứng của đơn vị, địa phương mình thì phải tính đến việc huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy của các đơn vị, cơ quan, tổ chức trong và ngoài địa phương để đề nghị người có thẩm quyền huy động.
(14) Lực lượng, phương tiện dự kiến huy động: Căn cứ vào kết quả tính toán ở (13) để ghi vào bảng thống kê lực lượng, phương tiện dự kiến huy động (kể cả của các đơn vị trong và ngoài công an hoặc của địa phương khác chi viện chữa cháy).
(15) Nhiệm vụ của lực lượng tại chỗ:
- Ghi tóm tắt nhiệm vụ chữa cháy sẽ phân công cho người chỉ huy và lực lượng chữa cháy tại chỗ, trong đó phải phối hợp với lực lượng cơ sở nắm rõ thông tin về tình trạng nguồn điện tại khu vực cháy.
- Loại, số lượng chất cháy trong đám cháy, nhất là đối với các loại hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ, độc hại; các khu vực có khả năng phát sinh nổ.
- Khai thác sử dụng các nguồn nước chữa cháy tại chỗ và bảo đảm công tác hậu cần phục vụ chữa cháy trong trường hợp chữa cháy lâu dài.
- Tổ chức bảo vệ hiện trường phục vụ công tác điều tra nguyên nhân vụ cháy và khắc phục hậu quả vụ cháy.
(16) Nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy:
- Nêu rõ nhiệm vụ, vai trò của chỉ huy chữa cháy trong việc tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin về vụ cháy, tổ chức điều động, huy động lực lượng, phương tiện đi chữa cháy.
- Trường hợp xác định đám cháy có quy mô lớn, diễn biến phức tạp, kéo dài, người chỉ huy chữa cháy phải kịp thời đề xuất thành lập ban chỉ đạo chữa cháy để huy động lực lượng, phương tiện của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong và ngoài địa phương chi viện chữa cháy theo thẩm quyền.
- Thành lập ban chỉ huy, ban tham mưu chữa cháy, xác định số lượng và nhiệm vụ cụ thể của thành viên thuộc các ban. Khi đến hiện trường phải tổ chức chỉ huy chữa cháy theo quy định (tổ chức trinh sát đám cháy, nắm tình hình người bị nạn, quy mô, diễn biến của đám cháy, khai thác sử dụng các nguồn nước chữa cháy.
- Xác định khu vực chữa cháy và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị tham gia chữa chá.
- Đề ra và tổ chức thực hiện các biện pháp chiến, kỹ thuật chữa cháy, cứu người theo từng giai đoạn phù hợp với tình hình lực lượng, phương tiện chữa cháy hiện có.
- Kịp thời thông tin phối hợp với các lực lượng tham gia khác bảo đảm trật tự, giao thông, y tế, cấp nước, thông tin liên lạc, chiếu sáng, hậu cần bảo đảm phục vụ chữa cháy). Trường hợp chữa cháy lâu dài phải có phương án thay quân, bổ sung nhiên liệu, chất chữa cháy, thực phẩm, đồng thời tổ chức động viên tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ tham gia chữa cháy.
Bên cạnh việc tổ chức chữa cháy, chỉ huy chữa cháy phải chủ động tập hợp thông tin về vụ cháy phục vụ công tác báo cáo và truyền thông.
Khi đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn, chỉ huy chữa cháy phải tổ chức thu hồi lực lượng, phương tiện chữa cháy, tập hợp thông tin, thống kê phục vụ xây dựng báo cáo; phối hợp bảo vệ hiện trường, phục vụ công tác điều tra nguyên nhân vụ cháy.
(17) Nhiệm vụ của các lực lượng khác: Ghi rõ nhiệm vụ cơ bản sẽ phân công cho các lực lượng được huy động tham gia chữa cháy và thực hiện các hoạt động khác có liên quan đến chữa cháy.
(18) Sơ đồ bố trí lực lượng phương tiện chữa cháy:
- Vẽ sơ đồ mặt bằng tổng thể cơ sở, trong đó thể hiện các công trình, đường giao thông, sông, hồ... giáp ranh.
- Hướng gió chủ đạo.
- Giao thông nguồn nước bên trong và chỉ dẫn nguồn nước bên ngoài cơ sở; vị trí phát sinh cháy; quy mô diện tích đám cháy; hướng phát triển của đám cháy; vị trí ban chỉ huy; hướng tấn công chính; bố trí lực lượng, phương tiện chữa cháy của các đơn vị tham gia... bằng các ký hiệu thống nhất theo quy định tại mẫu phương án này.
Trường hợp tổ chức chữa cháy theo nhiều giai đoạn thì có thể trình bày bằng nhiều sơ đồ để thuận tiện khi khai thác sử dụng phục vụ công tác chỉ huy chữa cháy. Sơ đồ sử dụng khổ giấy A4 hoặc lớn hơn cho phù hợp.
(19) Phương án xử lý một số tình huống cháy đặc trưng: Đối với các cơ sở có các khu vực, hạng mục, công trình có tính chất hoạt động, công năng sử dụng tương tự nhau (như các lớp học, các bể chứa LPG, các phòng làm việc...) lựa chọn một khu vực, hạng mục, công trình đặc trưng làm tình huống giả định cháy để xây dựng phương án xử lý.
Các tình huống sắp xếp theo thứ tự “Tình huống 1, 2, 3...”, nội dung từng tình huống được nêu tóm tắt tương tự như đối với tình huống cháy phức tạp nhất.
(20) Bổ sung, chỉnh lý phương án chữa cháy: Nếu nội dung bổ sung, chỉnh lý trong phương án có liên quan đến việc tổ chức chữa cháy của cơ sở.
(21) Theo dõi học và thực tập phương án chữa cháy: Sau mỗi lần tổ chức học tập, thực tập phương án chữa cháy phải ghi lại thông tin cơ bản về lần học tập, thực tập phương án đó.
(22) Quyền hạn, chức vụ của người phê duyệt phương án chữa cháy. Đối với phương án có huy động lực lượng, phương tiện của các cơ quan, tổ chức, quân đội của địa phương và lực lượng Công an của Công an cấp tỉnh các địa phương lân cận tham gia xử lý sẽ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt trực tiếp vào mục “Phê duyệt phương án”, Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sẽ có văn bản phê duyệt phương án riêng.
(23) Quyền hạn, chức vụ của người chỉ huy đơn vị tổ chức xây dựng và trình duyệt phương án chữa cháy (Đội, Phòng, Công an cấp huyện, Công an cấp tỉnh).
(24) Quyền hạn, chức vụ của người trực tiếp xây dựng phương án chữa cháy hoặc chủ trì xây dựng phương án chữa cháy;
(25) Số phương án chữa cháy do cơ quan Công an ghi theo số hồ sơ phê duyệt phương án chữa cháy (theo quy định của Bộ Công an về công tác hồ sơ, thống kê nghiệp vụ cảnh sát).
Phương án chữa cháy phải bảo đảm các yêu cầu và nội dung cơ bản gì?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 19 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định phương án chữa cháy phải bảo đảm các yêu cầu và và nội dung cơ bản như sau:
- Nêu được tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy, nổ, độc và các điều kiện liên quan đến hoạt động chữa cháy;
- Đề ra tình huống cháy phức tạp nhất và một số tình huống cháy đặc trưng khác có thể xảy ra, khả năng phát triển của đám cháy theo các mức độ khác nhau;
- Đề ra kế hoạch huy động, sử dụng lực lượng, phương tiện, tổ chức chỉ huy, biện pháp kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy và các công việc phục vụ chữa cháy phù hợp với từng giai đoạn của từng tình huống cháy;
- Phương án chữa cháy phải được bổ sung, chỉnh lý kịp thời và được cấp có thẩm quyền phê duyệt lại khi có những thay đổi lớn về quy mô, tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy, nổ, độc và các điều kiện liên quan đến hoạt động chữa cháy.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lợi dụng dịch bệnh tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bị xử phạt bao nhiêu tiền? Bình ổn giá trong trường hợp nào?
- Cá nhân buôn bán hàng hóa nhập lậu có giá trị dưới 3.000.000 đồng thì sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn dưới 50 triệu đồng có phải ký hợp đồng? Nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn được xét duyệt trúng thầu khi nào?
- Cổng Dịch vụ công quốc gia được kết nối với hệ thống nào? Thông tin nào được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia?
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự có thời hạn bao lâu? Trường hợp nào được ủy quyền đứng tên trong Giấy chứng nhận?