Hướng dẫn cách kê khai và tính thuế thu nhập cá nhân cho cá nhân cư trú có thu nhập dưới 11 triệu đồng/tháng như thế nào?
Hướng dẫn cách tính thuế thu nhập cá nhân cho cá nhân cư trú có thu nhập dưới 11 triệu đồng/tháng?
Căn cứ theo quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 sửa đổi bổ sung năm 2012, 2014 và Thông tư 111/2013/TT-BTC thì đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú gồm 2 nhóm đối tượng sau:
+ Cá nhân ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên,
+ Cá nhân ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng hoặc không ký hợp đồng lao động.
Theo đó, thuế thu nhập cá nhân được tính như sau:
Trường hợp 1: Cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên và có nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công.
Áp dụng các công thức sau để tính thuế thu nhập cá nhân
(1): Thuế thu nhập cá nhân = Thu nhập tính thuế x Thuế suất.
(2): Thu nhập tính thuế = Thu nhập phải chịu thuế - các khoản giảm trừ.
Các khoản giảm trừ gia cảnh:
+ Giảm trừ gia cảnh bản thân người nộp thuế
+ Giảm trừ gia cảnh người phụ thuộc
Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay được quy định tại Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 như sau:
+ Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm);
+ Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
(3): Thu nhập phải chịu thuế = Tổng tiền lương nhận được - Các khoản được miễn thuế.
Để tính thuế suất người tính thuế áp dụng bảng biểu thuế lũy tiến từng phần được quy định tại Điều 22 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 theo bảng sau:
Bậc thuế | Phần thu nhập tính thuế/năm (triệu đồng) | Phần thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng) | Thuế suất (%) |
1 | Đến 60 | Đến 5 | 5 |
2 | Trên 60 đến 120 | Trên 5 đến 10 | 10 |
3 | Trên 120 đến 216 | Trên 10 đến 18 | 15 |
4 | Trên 216 đến 384 | Trên 18 đến 32 | 20 |
5 | Trên 384 đến 624 | Trên 32 đến 52 | 25 |
6 | Trên 624 đến 960 | Trên 52 đến 80 | 30 |
7 | Trên 960 | Trên 80 | 35 |
Trường hợp 2: Cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng
Căn cứ điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định như sau:
Cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng hoặc không ký hợp đồng lao động mà có tổng mức trả thu nhập từ 02 triệu đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập (khấu trừ luôn trước khi trả tiền).
Công thức tính thuế TNCN phải nộp áp dụng như sau:
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = 10% x Tổng thu nhập trước khi trả
Như vậy, đối với trường hợp cá nhân cư trú có thu nhập dưới 11 triệu được tính như sau:
Ví dụ: Tháng 5/2021 ông A nhận được 3 khoản thu nhập sau:
Tiền lương tính theo ngày công thực tế: 10.000.000đ;
Phụ cấp tiền ăn giữa ca: 730.000đ;
Phụ cấp điện thoại: 200.000đ (không có trong quy chế công ty).
>> Trong tháng này, ông A không đóng góp bất cứ khoản nào liên quan đến từ thiện, nhân đạo… Ngoài ra, ông A đang nuôi 1 người con dưới 18 tuổi (đã đăng ký người phụ thuộc tại công ty).
>> Cách tính thuế TNCN của ông A như sau:
Tổng thu nhập = 10.000.000 + 730.000 + 200.000 = 10.930.000đ;
Các khoản bảo hiểm bao gồm:
BHXH (8%) = 10.000.000 x 8% = 800.000đ;
BHYT (1,5%) = 10.000.000 x 1,5% = 150.000đ;
BHTN (1%) = 10.000.000 x 1% = 100.000đ;
Tổng các khoản bảo hiểm = 1.050.000đ.
Các khoản giảm trừ, bao gồm:
Bản thân ông A = 11.000.000đ;
1 người phụ thuộc = 4.400.000đ;
Tổng giảm trừ = 15.400.000đ.
Các khoản được miễn = 730.000 (phụ cấp tiền ăn giữa ca).
➞ Vậy, thu nhập tính thuế của ông A là:
Thu nhập tính thuế (TNTT) = Tổng thu nhập - (Các khoản bảo hiểm + Giảm trừ + Các khoản miễn thuế) = 10.930.000 - (2.100.000 + 15.400.000 + 730.000) < 0
Có thể thấy, thu nhập tính thuế của ông A sau khi trừ các khoản giảm trừ sẽ không đủ để tính thuế. Do đó, đối với trường hợp cá nhân cư trú có thu nhập dưới 11 triệu sẽ không phải đóng thuế thu nhập cá nhân do các khoản giảm trừ lớn hơn so với thu nhập.
Hướng dẫn cách tính thuế thu nhập cá nhân cho cá nhân cư trú có thu nhập dưới 11 triệu đồng/tháng? (Hình ảnh từ Internet)
Kê khai thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có thu nhập dưới 11 triệu thực hiện ra sao?
TH1: Cá nhân ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên
Cụ thể, khoản 1, khoản 2 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP và đối chiếu với quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 126/2020/NĐ-CP có thể thấy:
Người nộp thuế có thể nộp thuế thu nhập cá nhân theo tháng.
Ngoài ra, căn cứ khoản 1 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019, thời hạn khai, nộp thuế thu nhập cá nhân được quy định như sau:
- Trường hợp nộp thuế thu nhập cá nhân theo tháng: Thời hạn chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế.
Tuy nhiên, tại điểm e khoản 3 Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định như sau:
3. Người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế trong các trường hợp sau đây:
...
e) Người khai thuế thu nhập cá nhân là tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc trường hợp khai thuế thu nhập cá nhân theo tháng, quý mà trong tháng quý đó không phát sinh việc khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của đối tượng nhận thu nhập
Như vậy, trường hợp trả lương cho người lao động nhưng có thu nhập dưới 11 triệu đồng/tháng thì không phải nộp hồ sơ khai thuế.
TH2: Cá nhân ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở xuống hoặc không ký hợp đồng
Theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì đối với trường hợp này:
Người nộp thuế cần làm cam kết theo Mẫu số 08/CK-TNCN (ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC) gửi doanh nghiệp để doanh nghiệp làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân (người lao động làm cam kết phải đăng ký thuế và có mã số thuế tại thời điểm cam kết).
Căn cứ vào bản cam kết của người lao động, kết thúc năm tính thuế, doanh nghiệp vẫn phải tổng hợp danh sách và thu nhập của những người lao động chưa đến mức khấu trừ thuế và nộp cho cơ quan thuế.
Đối tượng nào được tính để giảm trừ gia cảnh người phụ thuộc cho người nộp thuế?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định 65/2013/NĐ-CP thì đối tượng người phụ thuộc mà người nộp thuế có nghĩa vụ nuôi dưỡng sau sẽ được giảm trừ gia cảnh:
- Con (bao gồm con đẻ, con nuôi hợp pháp, con riêng của vợ, con riêng của chồng) dưới 18 tuổi;
- Con (bao gồm con đẻ, con nuôi hợp pháp, con riêng của vợ, con riêng của chồng) từ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật không có khả năng lao động;
- Con (bao gồm con đẻ, con nuôi hợp pháp, con riêng của vợ, con riêng của chồng) đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, kể cả con từ 18 tuổi trở lên đang học bậc học phổ thông mà không có thu nhập hoặc có thu nhập không vượt quá mức thu nhập quy định tại khoản 4 Điều 12 Nghị định 65/2013/NĐ-CP;
- Người ngoài độ tuổi lao động, người trong độ tuổi lao động theo quy định của pháp luật nhưng bị khuyết tật không có khả năng lao động mà không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng không vượt quá mức thu nhập quy định tại Khoản 4 Điều này, bao gồm:
+ Vợ hoặc chồng của người nộp thuế;
+ Cha đẻ, mẹ đẻ, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ nuôi hợp pháp, cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng) của người nộp thuế;
+Cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bản kiểm điểm đảng viên sinh hoạt nơi cư trú cuối năm 2024 thế nào? Tải về mẫu bản kiểm điểm đảng viên sinh hoạt nơi cư trú cuối năm 2024 ở đâu?
- Công ty chứng khoán là thành viên giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phải đáp ứng điều kiện nhân sự công nghệ thông tin thế nào?
- Biện pháp chống bán phá giá sẽ được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu khi hàng hóa đáp ứng những điều kiện nào?
- Mẫu thỏa thuận liên danh thuộc hồ sơ mời thầu mua thuốc qua mạng theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ?
- Được gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không? Hồ sơ yêu cầu gia hạn Giấy chứng nhận gồm những gì?