Giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện chậm so với thời hạn quy định với những trường hợp nào theo Nghị định 143/2024?
- Như thế nào là tai nạn lao động?
- Giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện chậm so với thời hạn quy định với những trường hợp nào?
- Điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện gồm những gì?
- Chi phí điều tra lại tai nạn lao động đối với người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện do ai chi trả?
Như thế nào là tai nạn lao động?
Về tai nạn lao động, tại Điều 3 Nghị định 143/2024/NĐ-CP có giải thích như sau:
Tai nạn lao động
Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc người lao động làm các nghề, công việc theo thời gian và nơi làm việc đã đăng ký tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được quy định tại khoản 1 Điều 14 của Nghị định này.
Như vậy, tai nạn lao động là sự cố gây tổn hại cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc dẫn đến tử vong đối với người lao động, xảy ra trong quá trình làm việc và có liên quan đến các công việc, nghề nghiệp mà người lao động thực hiện tại nơi làm việc đã đăng ký tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 143/2024/NĐ-CP.
Giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện chậm so với thời hạn quy định với những trường hợp nào theo Nghị định 143/2024? (Hình từ internet)
Giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện chậm so với thời hạn quy định với những trường hợp nào?
Căn cứ Điều 24 Nghị định 143/2024/NĐ-CP những trường hợp giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện chậm so với thời hạn quy định bao gồm:
- Trường hợp vượt quá thời hạn nộp hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 143/2024/NĐ-CP, thì người lao động hoặc thân nhân người lao động phải có văn bản nêu rõ lý do, gửi cơ quan bảo hiểm xã hội cùng với hồ sơ hưởng.
- Trường hợp vượt quá thời hạn giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định 143/2024/NĐ-CP, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải trình bằng văn bản cho người nộp hồ sơ, trong đó nêu rõ lý do.
- Trường hợp giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động và chỉ trả tiền trợ cấp chậm so với thời hạn quy định, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người hưởng thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do lỗi của bản thân người lao động hoặc của thân nhân của người lao động bị chết do tai nạn lao động.
Theo đó, có 03 trường hợp giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện chậm so với thời hạn quy định như đã nêu trên.
Điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện gồm những gì?
Căn cứ tại Điều 4 Nghị định 143/2024/NĐ-CP quy định chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện bao gồm:
- Giám định mức suy giảm khả năng lao động.
- Trợ cấp tai nạn lao động.
Theo đó, để hưởng chế độ nêu trên, tại Điều 5 Nghị định 143/2024/NĐ-CP có quy định về điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động như sau:
- Người lao động đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện quy định tại Điều 4 Nghị định 143/2024/NĐ-CP khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do tai nạn lao động xảy ra trong thời gian tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện;
+ Không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 143/2024/NĐ-CP.
- Người lao động không được hưởng các chế độ tai nạn lao động tại Điều 4 Nghị định 143/2024/NĐ-CP nếu tai nạn xảy ra do một trong các nguyên nhân sau:
+ Mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến công việc, nhiệm vụ lao động;
+ Người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;
+ Sử dụng chất ma tuý, chất gây nghiện trái quy định của pháp luật.
Theo đó, để hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện thì người lao động cần đáp ứng được đầy đủ các điều kiện theo quy định như đã nêu trên.
Chi phí điều tra lại tai nạn lao động đối với người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện do ai chi trả?
Căn cứ tại Điều 21 Nghị định 143/2024/NĐ-CP có quy định về chi phí điều tra, điều tra lại tai nạn lao động đối với người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện như sau:
- Cơ quan có thẩm quyền điều tra, điều tra lại tai nạn lao động, cơ quan cử người tham gia đoàn điều tra, điều tra lại tai nạn lao động chi trả các khoản công tác phí cho người tham gia đoàn điều tra theo quy định của pháp luật.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện và cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều tra, điều tra lại tai nạn lao động chịu trách nhiệm chi trả các chi phí bao gồm: Dựng lại hiện trường; chụp, in, phóng ảnh hiện trường và nạn nhân; trưng cầu giám định kỹ thuật, giám định pháp y (khi cần thiết); khám nghiệm tử thi; in ấn các tài liệu liên quan đến vụ tai nạn lao động; phương tiện đi lại tại nơi xảy ra tai nạn lao động phục vụ quá trình điều tra tai nạn lao động; tổ chức cuộc họp công bố biên bản biểu tra tai nạn lao động và các chi phí hợp lý liên quan đến điều tra tai nạn lao động của người lao động.
- Các khoản chi phí nêu trên được hạch toán trong chỉ hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị; được thanh, quyết toán theo quy định của Bộ Tài chính.
- Chi phí điều tra lại các vụ tai nạn lao động theo yêu cầu của cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Nghị định 143/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Chiến lược quản lý rủi ro tín dụng của tổ chức tín dụng phi ngân hàng gồm những nội dung nào theo quy định?
- Hành lang bảo vệ kho tiền tổ chức tín dụng là khu vực nào? Hành lang bảo vệ kho tiền tổ chức tín dụng có cửa riêng không?
- Hàng tiêu dùng nội bộ không phải xuất hóa đơn trong trường hợp nào? Hàng tiêu dùng nội bộ có được sử dụng hóa đơn điện tử không?
- Việc xây dựng bảng giá đất lần đầu để công bố và áp dụng từ ngày tháng năm nào theo Nghị định 71?
- Hương ước quy ước được thể hiện dưới hình thức nào? Hương ước quy ước thông qua khi nào theo quy định?