Đơn vị được kiểm toán từ chối nộp báo cáo tài chính có thể bị xử phạt lên đến 50 triệu đồng có đúng không?
Báo cáo tài chính là gì? Đơn vị kiểm toán phải nộp báo cáo tài chính khi nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Luật Kế toán 2015, khái niệm báo cáo tài chính được định nghĩa như sau:
Báo cáo tài chính là hệ thống thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán được trình bày theo biểu mẫu quy định tại chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán.
Có thể hiểu báo cáo tài chính là tổng hợp thông tin kinh tế, tài chính của các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Về trách nhiệm nộp báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán, Điều 58 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 xác định như sau:
Trách nhiệm gửi báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách, dự toán kinh phí của các đơn vị được kiểm toán
1. Kết thúc năm ngân sách, các đơn vị dự toán cấp I của ngân sách trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị được kiểm toán có trách nhiệm gửi báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách, dự toán kinh phí năm sau cho Kiểm toán nhà nước.
2. Bộ Tài chính, Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi báo cáo thực hiện dự toán thu, chi ngân sách năm cho Kiểm toán nhà nước.
3. Tổng Kiểm toán nhà nước quy định cụ thể về thời gian, nơi nhận báo cáo theo quy định của pháp luật.
Theo đó, đơn vị được kiểm toán có trách nhiệm nộp báo cáo tài chính cho Kiểm toán nhà nước khi kết thúc năm ngân sách.
Đơn vị được kiểm toán từ chối nộp báo cáo tài chính có thể bị xử phạt lên đến 50 triệu đồng có đúng không?
Nguyên tắc nộp báo cáo tài chính đến Kiểm toán nhà nước đối với đơn vị được kiểm toán ra sao?
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 03/2019/QĐ-KTNN như sau:
Nguyên tắc gửi báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách, dự toán kinh phí
1. Việc gửi báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách, dự toán kinh phí năm sau phải đảm bảo kịp thời, đầy đủ, đúng nội dung, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền và tuân thủ các quy định về bảo mật của Nhà nước.
2. Tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật và quy định tại văn bản này về lập, gửi báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách, dự toán kinh phí năm sau.
Như vậy, theo quy định thì đơn vị được kiểm toán có trách nhiệm nộp báo cáo tài chính cho Kiểm toán nhà nước theo 02 nguyên tắc sau:
- Kịp thời, đầy đủ, đúng nội dung, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền và tuân thủ các quy định về bảo mật của Nhà nước;
- Tuân thủ các quy định của pháp luật và quy định về lập, gửi báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách, dự toán kinh phí năm sau.
Đơn vị được kiểm toán từ chối nộp báo cáo tài chính có thể bị xử phạt lên đến 50 triệu đồng có đúng không?
Căn cứ nội dung Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước 2023 (sau đây gọi chung là "Pháp lệnh").
Đối với các vi phạm có liên quan đến từ chối nộp báo cáo tài chính, Điều 8 Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước 2023 quy định như sau:
Hành vi vi phạm quy định về gửi báo cáo định kỳ
1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi chậm gửi báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách thuộc phạm vi quản lý đến 15 ngày so với thời hạn quy định.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi chậm gửi báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách thuộc phạm vi quản lý từ trên 15 ngày đến 30 ngày so với thời hạn quy định.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi chậm gửi báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách thuộc phạm vi quản lý từ trên 30 ngày đến 60 ngày so với thời hạn quy định.
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi chậm gửi báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách thuộc phạm vi quản lý từ trên 60 ngày trở lên so với thời hạn quy định.
5. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi từ chối gửi báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách thuộc phạm vi quản lý theo yêu cầu của Kiểm toán nhà nước.
Như vậy, khi có yêu cầu của Kiểm toán nhà nước, nếu đơn vị được kiểm toán từ chối nộp báo cáo tài chính thì có thể bị phạt hành chính với số tiền từ 30 triệu đến 50 triệu đồng.
Lưu ý rằng, mức phạt được nêu trên là mức phạt áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Tổ chức có hành vi từ chối nộp báo cáo tài chính thì mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Trong trường hợp cơ quan nhà nước thực hiện hành vi vi phạm thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan.
Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước 2023 có hiệu lực từ ngày 01/05/2023.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lệ phí cấp Giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là bao nhiêu theo quy định mới?
- Thanh toán tiền thuê phòng nghỉ tại nơi đến công tác theo hình thức khoán được thực hiện như thế nào?
- Không nộp tiền sử dụng đất nhưng không bị thu hồi đất trong trường hợp nào? Áp dụng bảng giá đất để tính tiền sử dụng đất trong trường hợp nào?
- Giấy tờ tài liệu nào thuộc phạm vi thực hiện số hóa theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan thuế?
- Đăng tải thông tin tiết lộ nội dung hồ sơ mời thầu trước thời điểm phát hành trái quy định pháp luật bị xử phạt vi phạm hành chính bao nhiêu tiền?