Đã có quy định mới về việc lập, quản lý, sử dụng hồ sơ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc trong ngành Kiểm sát nhân dân?
Lập, quản lý, sử dụng hồ sơ kiểm sát dựa trên các nguyên tắc nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 264/QĐ-VKSTC năm 2022, việc lập, quản lý, sử dụng hồ sơ kiểm sát dựa trên 06 nguyên tắc sau:
(1) Tuân thủ quy định của pháp luật, các quy định, hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về lập, quản lý, sử dụng hồ sơ kiểm sát.
(2) Bảo vệ bí mật Nhà nước, bí mật công tác của ngành Kiểm sát nhân dân.
(3) Bảo đảm đầy đủ, khoa học, thuận lợi trong việc khai thác, sử dụng.
(4) Hồ sơ kiểm sát phải thể hiện đầy đủ, chính xác các thông tin về vụ việc dân sự, việc giải quyết của Tòa án và hoạt động của Viện kiểm sát.
Tài liệu do Tòa án gửi cho Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật và tài liệu do Viện kiểm sát ban hành khi đưa vào hồ sơ kiểm sát phải là bản chính.
Các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ kiểm sát phải được sắp xếp theo thứ tự ngày, tháng, năm; giấy tờ, tài liệu có trước thì để ở dưới, giấy tờ, tài liệu có sau thì để ở trên và được đánh số thứ tự từ dưới lên trên. Hồ sơ kiểm sát gồm nhiều tập thì giấy tờ, tài liệu trong mỗi tập cũng được sắp xếp theo quy định trên.
(5) Không được làm thất lạc, mất, hư hỏng hồ sơ, tài liệu trong hồ sơ.
(6) Nghiêm cấm việc làm sai lệch hồ sơ kiểm sát, sử dụng hồ sơ kiểm sát vào những việc Kiểm sát viên không được làm theo Điều 84 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 hoặc vào các việc khác không đúng quy định của pháp luật và của ngành Kiểm sát nhân dân.
Đã có quy định mới về việc lập, quản lý, sử dụng hồ sơ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc trong ngành Kiểm sát nhân dân? (Hình từ Internet)
Trách nhiệm lập, quản lý, sử dụng hồ sơ kiểm sát thuộc về ai?
Theo quy định tại Điều 4 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 264/QĐ-VKSTC năm 2022, như sau:
Chủ thể lập, quản lý, sử dụng hồ sơ kiểm sát
1. Viện kiểm sát kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự có trách nhiệm lập, quản lý hồ sơ kiểm sát.
Vụ việc dân sự có kháng cáo, kháng nghị, kiến nghị thì Viện kiểm sát kiểm sát việc Tòa án xem xét, giải quyết kháng cáo, kháng nghị, kiến nghị có trách nhiệm lập, quản lý hồ sơ kiểm sát do mình lập ra.
2. Công chức được phân công kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự có trách nhiệm trực tiếp lập hồ sơ kiểm sát.
3. Kiểm sát viên được phân công kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự có trách nhiệm quản lý hồ sơ kiểm sát cho đến khi hồ sơ được đưa vào lưu trữ hoặc được chuyển cho người khác quản lý.
Hồ sơ kiểm sát được chuyển cho người có quyền sử dụng hồ sơ quy định tại khoản 4 Điều này thì người đó có trách nhiệm quản lý hồ sơ.
4. Công chức được phân công kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự; người có thẩm quyền thẩm định, duyệt án, xem xét lại việc giải quyết vụ việc dân sự; công chức khác được người có thẩm quyền giao nhiệm vụ được sử dụng hồ sơ kiểm sát để thực hiện nhiệm vụ.
Theo đó, Viện kiểm sát kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự có trách nhiệm lập, quản lý hồ sơ kiểm sát.
Việc lập hồ sơ kiểm sát sẽ do công chức được phân công kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự thực hiện.
Tiếp đó, Kiểm sát viên được phân công kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự có trách nhiệm quản lý hồ sơ kiểm sát cho đến khi hồ sơ được đưa vào lưu trữ hoặc được chuyển cho người khác quản lý.
Từ ngày 5/10/2022 ưu tiên sử dụng hồ sơ kiểm sát bản điện tử?
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 264/QĐ-VKSTC năm 2022, như sau:
Lập, quản lý, sử dụng hồ sơ kiểm sát bản điện tử
1. Hồ sơ kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự bản điện tử được lập trên cơ sở số hóa tài liệu giấy, tài liệu ảnh, tài liệu phim ảnh, tài liệu âm thanh trong hồ sơ vụ việc dân sự của Tòa án hoặc hồ sơ kiểm sát bản giấy.
2. Viện kiểm sát đã kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự hoặc đã lập hồ sơ kiểm sát bản giấy thì thực hiện việc lập hồ sơ kiểm sát bản điện tử.
Viện kiểm sát đã lập hồ sơ kiểm sát bản giấy chưa lập hồ sơ kiểm sát bản điện tử mà hồ sơ đã được bàn giao cho Viện kiểm sát khác để lưu trữ thì Viện kiểm sát đã tiếp nhận hồ sơ để lưu trữ thực hiện việc lập hồ sơ kiểm sát bản điện tử.
3. Ưu tiên sử dụng hồ sơ kiểm sát bản điện tử nếu có cả hồ sơ kiểm sát bản giấy và bản điện tử.
4. Việc lập, quản lý, sử dụng hồ sơ kiểm sát bản điện tử được thực hiện theo quy định, hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Như vậy, trong quá trình lập, quản lý, sử dụng hồ sơ kiểm sát sẽ ưu tiên sử dụng hồ sơ kiểm sát bản điện tử nếu có cả hồ sơ kiểm sát bản giấy và bản điện tử.
Quy định ban hành kèm theo Quyết định 264/QĐ-VKSTC năm 2022 có hiệu lực từ ngày 05/10/2022.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người thuê nhà ở công vụ có được đề nghị đơn vị quản lý vận hành nhà ở sửa chữa kịp thời hư hỏng của nhà ở công vụ không?
- Giám đốc quản lý dự án hạng 2 của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án phải đáp ứng điều kiện năng lực như thế nào?
- Tổ chức, cá nhân không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ trong kinh doanh bị xử phạt bao nhiêu tiền từ 12/7/2024?
- Dấu dưới hình thức chữ ký số có phải là dấu của doanh nghiệp? Làm giả con dấu của doanh nghiệp bị phạt bao nhiêu tiền?
- Chủ hàng hóa quá cảnh có phải nộp lệ phí hải quan và các loại phí khác cho hàng hóa quá cảnh của mình không?