Công văn 1608/BYT-PB của Bộ Y tế khuyến cáo phòng chống bệnh Sởi năm 2025? Bệnh Sởi là gì?
Công văn 1608/BYT-PB của Bộ Y tế khuyến cáo phòng chống bệnh Sởi năm 2025?
Ngày 20/3/2025, Bộ Y tế ban hành Công văn 1608/BYT-PB năm 2025 thực hiện Công điện 23/CĐ-TTg năm 2025 đẩy nhanh tiêm chủng vắc xin phòng chống bệnh.
>>> Tải về Công văn 1608/BYT-PB Bộ Y tế khuyến cáo phòng chống bệnh Sởi năm 2025
Theo đó, để thực hiện Công điện 23/CĐ-TTg năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiêm chủng vắc xin phòng chống bệnh Sởi, Bộ Y tế trân trọng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các các cơ quan báo chí trên cả nước triển khai thực hiện một số nội dung được quy định cụ thể như sau:
- Quán triệt thực hiện nghiêm Công điện 23/CĐ-TTg năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiêm chủng vắc xin phòng chống bệnh Sởi.
- Tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu, rộng, thường xuyên, đầy đủ, chính xác trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình dịch bệnh Sởi và các biện pháp phòng chống, nhất là tiêm chủng vắc xin phòng bệnh Sởi đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế (khuyến cáo phòng, chống bệnh sởi và một số thông điệp về bệnh sởi xin gửi kèm).
- Tăng thời lượng chương trình phóng sự, số lượng các tin, bài hướng dẫn, phổ biến kiến thức về bệnh Sởi để mọi người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng; tổ chức các chương trình tọa đàm tư vấn về y tế, phỏng vấn chuyên gia y tế,... với các hình thức, ngôn ngữ phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa phương, khu vực cụ thể, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
- Kịp thời tuyên truyền, ngăn chặn, xử lý hiệu quả thông tin không đúng về dịch Sởi gây hoang mang trong cộng đồng.
Công văn 1608/BYT-PB của Bộ Y tế khuyến cáo phòng chống bệnh Sởi năm 2025? Bệnh Sởi là gì? Một số thông điệp về bệnh Sởi của Bộ Y tế? (Hình từ Internet)
Bệnh Sởi là gì? Biểu hiện của bệnh Sởi?
Căn cứ theo quy định tại Mục I Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh Sởi ban hành kèm theo Quyết định 1327/QĐ-BYT năm 2014 có quy định như sau:
I. ĐẠI CƯƠNG
- Bệnh Sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do vi rút Sởi gây nên. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, hay xảy ra vào mùa đông xuân, có thể xuất hiện ở người lớn do chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đầy đủ.
- Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy.... có thể gây tử vong.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì bệnh Sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch, do vi rút Sởi gây ra.
Bệnh Sởi lây qua đường hô hấp và thường bùng phát vào mùa đông - xuân.
Bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi nhưng cũng có thể gặp ở người lớn chưa tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đầy đủ.
Bệnh Sởi có biểu hiện đặc trưng sau đây:
- Sốt
- Viêm long đường hô hấp
- Viêm kết mạc
- Phát ban
- Bệnh Sởi có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy.... có thể gây tử vong.
Khuyến cáo phòng, chống bệnh sởi và một số thông điệp về bệnh Sởi theo Công văn 1608?
Căn cứ tại Công văn 1608/BYT-PB, Bộ Y tế khuyến cáo phòng, chống bệnh sởi và một số thông điệp về bệnh Sởi như sau:
*Khuyến cáo phòng, chống bệnh sởi như sau:
Bệnh Sởi lây lan nhanh nhất trong số các bệnh truyền nhiễm, bệnh lây qua không khí khi người bị nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi và chỉ có thể cắt đứt sự lây truyền khi miễn dịch cộng đồng đạt ít nhất 95%. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm não, có thể dễ dẫn đến tử vong. Bệnh Sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh. Để phòng chống bệnh Sởi, Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo:
- Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin phòng bệnh Sởi đi tiêm đầy đủ, đúng lịch và các nhóm tuổi khác (6-9 tháng, 1-10 tuổi) tham gia chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống bệnh Sởi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh Sởi; đeo khẩu trang nơi đông người, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.
- Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày; đảm bảo dinh dưỡng, giữ ẩm cơ thể cho trẻ.
- Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng và đủ ánh sáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
- Khi phát hiện có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh Sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban) cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời.
*Một số thông điệp về bệnh Sởi:
- Bệnh Sởi lây lan nhanh nhất trong số các bệnh truyền nhiễm và dễ gây thành dịch.
- Khi trẻ mắc bệnh Sởi hoặc nghi ngờ mắc Sởi cần cách ly trẻ để tránh lây nhiễm cho trẻ khác.
- Bệnh Sởi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em do các biến chứng viêm phổi, viêm não, tiêu chảy nặng và suy dỉnh dưỡng.
- Bệnh Sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tiêm vắc xin sởi là biện pháp hiệu quả nhất phòng bệnh Sởi.
- Hãy đưa trẻ em đi tiêm chủng mũi 1 vắc xin sởi ngay khi trẻ được 9 tháng tuổi và tiêm mũi 2 vắc xin sởi lúc trẻ 18 tháng tuổi trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.
- Chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi cho trẻ từ 6-9 tháng, 1-10 tuổi tuổi nhằm mục đích phòng tránh bệnh Sởi và các biến chứng gây hậu quả nghiêm trọng của bệnh.
- Trẻ bị chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin phòng sởi trong tiêm chủng thường xuyên, nhất là ở các vùng dân cư tạm trú, di biến động, vùng sâu, vùng xa... cần được tiêm chủng trong chiếm dịch tiêm chủng vắc xin Sởi.
- Các bậc cha mẹ hãy đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi trong chiến dịch tại các điểm tiêm chủng của y tế địa phương.
- Vắc xin phòng bệnh Sởi là vắc xin an toàn, hiệu quả; sau khi tiêm có thể có phản ứng nhẹ như sốt, nổi ban và sẽ tự khỏi sau vài ngày.
- Cần đưa trẻ tới cơ sở y tế nếu có biểu hiện khác thường như sốt cao > 39 độ C, quấy khóc kéo dài, tím tái, khó thở hay bú kém, bỏ bú sau khi tiêm chủng.










Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

- Có được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh không? Sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh cần đáp ứng những yêu cầu nào?
- Tuyển tập truyện cười ngày Cá tháng Tư? Ngày Cá tháng tư có phải là ngày nghỉ lễ ở Việt Nam không?
- Viết đoạn văn kể lại một truyền thuyết nước ngoài mà em yêu thích lớp 5 siêu hay, ấn tượng?
- Mẫu giấy đề nghị thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ?
- Công chức cấp xã có được tiếp nhận viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập vào làm hay không?