Công đoàn cơ sở thuộc Bộ Quốc phòng có trách nhiệm gì trong công tác an toàn vệ sinh lao động?
Công tác an toàn vệ sinh lao động Bộ Quốc phòng là gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Thông tư 142/2017/TT-BQP, công tác an toàn vệ sinh lao động Bộ Quốc phòng được xác định bao gồm những nội dung sau:
- Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn, chương trình về an toàn, vệ sinh lao động và triển khai áp dụng phù hợp với đặc thù hoạt động quân sự trong Bộ Quốc phòng. Thực hiện quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động trong Bộ Quốc phòng theo quy định của pháp luật.
- Nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật về an toàn, vệ sinh lao động nhằm ngăn ngừa các yếu tố nguy hiểm, có hại; cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với hoạt động lao động trong Bộ Quốc phòng.
- Thông tin, tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động và vận động tổ chức quần chúng tham gia công tác an toàn, vệ sinh lao động.
- Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, quy định, quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn của Nhà nước và Bộ Quốc phòng về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các chế độ bảo hộ lao động tại các đơn vị trong Bộ Quốc phòng.
Công đoàn cơ sở thuộc Bộ Quốc phòng có trách nhiệm gì trong công tác an toàn vệ sinh lao động? (Hình từ Internet)
Công đoàn cơ sở thuộc Bộ Quốc phòng có trách nhiệm gì trong công tác an toàn vệ sinh lao động?
Theo Điều 22 Thông tư 142/2017/TT-BQP, trách nhiệm của các công đoàn cơ sở thuộc Bộ Quốc phòng trong công tác an toàn vệ sinh lao động được xác định như sau:
- Tham gia với người sử dụng lao động xây dựng và giám sát việc thực hiện kế hoạch, quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động.
- Đại diện cho tập thể người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện điều khoản về an toàn, vệ sinh lao động trong thỏa ước lao động tập thể; có trách nhiệm giúp đỡ người lao động khiếu nại, khởi kiện khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng bị xâm phạm.
- Đối thoại với người sử dụng lao động để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động về an toàn, vệ sinh lao động.
- Tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động; giám sát và yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện đúng các quy định về an toàn, vệ sinh lao động; tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động điều tra tai nạn lao động và giám sát việc giải quyết chế độ, đào tạo nghề và bố trí công việc cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Kiến nghị với người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, khắc phục hậu quả sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
- Tuyên truyền, vận động người lao động, người sử dụng lao động thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức tập huấn, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho cán bộ công đoàn và người lao động.
- Yêu cầu người có trách nhiệm thực hiện ngay biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, kể cả trường hợp phải tạm ngừng hoạt động nếu cần thiết khi phát hiện nơi làm việc có nguy cơ gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người lao động.
- Tham gia Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở theo quy định của Bộ Quốc phòng; tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động để ứng cứu, khắc phục hậu quả sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động; trường hợp người sử dụng lao động không thực hiện nghĩa vụ khai báo theo quy định thì thông báo ngay với cơ quan quản lý có thẩm quyền theo quy định của Bộ Quốc phòng để tiến hành điều tra.
- Phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức các phong trào thi đua, phong trào quần chúng làm công tác an toàn, vệ sinh lao động và xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc; quản lý, hướng dẫn hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên.
- Những cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa thành lập Công đoàn cơ sở thì Cơ quan công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hoặc Hội đồng quân nhân, đại diện tập thể người lao động thực hiện quyền, trách nhiệm quy định tại Điều này khi được người lao động ở đó yêu cầu.
Người sử dụng lao động khi xây dựng kế hoạch an toàn vệ sinh lao động Bộ Quốc phòng có cần phải tham khảo ý kiến của công đoàn cơ sở không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư 142/2017/TT-BQP như sau:
Kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động
...
2. Việc lập kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động phải được lấy ý kiến Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Hội đồng quân nhân đối với đơn vị chưa có Ban chấp hành công đoàn cơ sở và dựa trên các căn cứ sau đây:
a) Đánh giá rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; việc kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và kế hoạch ứng cứu khẩn cấp;
b) Kết quả thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động năm trước;
c) Nhiệm vụ, phương hướng kế hoạch sản xuất, kinh doanh và tình hình lao động của năm kế hoạch;
d) Kiến nghị của người lao động, của tổ chức công đoàn và của đoàn thanh tra, đoàn kiểm tra.
Như vậy, theo quy định trên thì tại những đơn vị có công đoàn cơ sở thì người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của công đoàn cơ sở khi xây dựng kế hoạch an toàn vệ sinh lao động Bộ Quốc phòng.
Đối với những đơn vị chưa có Ban chấp hành công đoàn cơ sở thì người sử dụng lao động tham khảo ý kiến Hội đồng quân nhân.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người thuê nhà ở công vụ có được đề nghị đơn vị quản lý vận hành nhà ở sửa chữa kịp thời hư hỏng của nhà ở công vụ không?
- Giám đốc quản lý dự án hạng 2 của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án phải đáp ứng điều kiện năng lực như thế nào?
- Tổ chức, cá nhân không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ trong kinh doanh bị xử phạt bao nhiêu tiền từ 12/7/2024?
- Dấu dưới hình thức chữ ký số có phải là dấu của doanh nghiệp? Làm giả con dấu của doanh nghiệp bị phạt bao nhiêu tiền?
- Chủ hàng hóa quá cảnh có phải nộp lệ phí hải quan và các loại phí khác cho hàng hóa quá cảnh của mình không?