Công bố thêm 4 án lệ mới kể từ 15/11/2022? Nội dung của 4 án lệ mới được quy định cụ thể như thế nào?
Có phải Tòa án nhân dân tối cao vừa công bố thêm 4 án lệ hay không?
Tòa án nhân dân tối cao vừa ban hành Quyết định 323/QĐ-CA năm 2022 công bố thêm 04 án lệ đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua, bao gồm:
- Án lệ số 53/2022/AL về việc hủy việc kết hôn trái pháp luật;
- Án lệ số 54/2022/AL về xác định quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi trong trường hợp người mẹ không trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
- Án lệ số 55/2022/AL về công nhận hiệu lực của hợp đồng vi phạm điều kiện về hình thức;
- Án lệ số 56/2022/AL về việc giải quyết tranh chấp di dời mồ mả.
Công bố thêm 4 án lệ mới kể từ 15/11/2022? Nội dung của 4 án lệ mới được quy định cụ thể như thế nào? (Hình từ Internet)
Nội dung chính của 4 án lệ mới được công bố là gì?
Căn cứ nội dung Quyết định 323/QĐ-CA năm 2022, 4 án lệ mới được công bố có những nội dung chính như sau:
- Án lệ số 53/2022/AL về việc hủy việc kết hôn trái pháp luật:
+ Nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm 04/2021/HNGĐ-GĐT ngày 07/7/2021 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về việc dân sự “Yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật”; người yêu cầu là bà Nguyễn Thị S, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm 03 người.
+ Tình huống án lệ: Nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 (ngày Luật Hôn nhân và gia đình 1986 có hiệu lực), không đăng ký kết hôn, có tổ chức lễ cưới và có thời gian chung sống tại Việt Nam. Sau đó, hai bên ra nước ngoài sinh sống và phát sinh mâu thuẫn.
Khi chưa giải quyết ly hôn thì một bên đăng ký kết hôn với người khác tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.
+ Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, Toà án phải xác định quan hệ hôn nhân đầu tiên là hôn nhân thực tế. Khi chưa chấm dứt quan hệ hôn nhân thực tế mà một bên đăng ký kết hôn với người khác tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Việt Nam thì việc kết hôn này là trái pháp luật. Tòa án chấp nhận yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật.
- Án lệ số 54/2022/AL về xác định quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi trong trường hợp người mẹ không trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con
+ Nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm số 01/2014/HNGĐ-GĐT ngày 27/02/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng về vụ án hôn nhân gia đình “Ly hôn, tranh chấp về nuôi con” tại tỉnh Đắk Lắk giữa nguyên đơn là chị Phạm Thị Kiều K với bị đơn là anh Nguyễn Hữu P.
+ Tình huống án lệ: Trong vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người mẹ tự ý bỏ đi từ khi con còn rất nhỏ, không quan tâm đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; người con được người cha nuôi dưỡng, chăm sóc trong điều kiện tốt và đã quen với điều kiện, môi trường sống đó.
+ Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, Tòa án phải tiếp tục giao con dưới 36 tháng tuổi cho người cha trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc.
- Án lệ số 55/2022/AL về công nhận hiệu lực của hợp đồng vi phạm điều kiện về hình thức
+ Nguồn án lệ: Bản án dân sự sơ thẩm số 16/2012/DS-PT ngày 19/3/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là ông Võ Sĩ M với bị đơn là ông Đoàn C; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm 05 người.
+ Tình huống án lệ: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được xác lập trước ngày 01/01/2017 chưa được công chứng/chứng thực nhưng bên nhận chuyển nhượng đã thực hiện 2/3 nghĩa vụ của mình.
+ Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, Tòa án công nhận hiệu lực của hợp đồng.
- Án lệ số 56/2022/AL về việc giải quyết tranh chấp di dời mồ mả
+ Nguồn án lệ: Bản án dân sự sơ thẩm số 33/2014/DS-ST ngày 18/11/2013 của Toà án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang về vụ án “Tranh chấp yêu cầu chấm dứt hành vi ngăn cản di dời mồ mả” giữa nguyên đơn là bà Trần Thị Thu V với bị đơn là anh Vương Minh T, anh Vương Minh H.
+ Tình huống án lệ: Người chồng chết, người vợ nhờ chôn cất người chồng trên phần đất của người thân bên nhà chồng. Sau đó, người vợ muốn di dời phần mộ của người chồng về đất của gia đình mình thì phát sinh tranh chấp.
+ Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, Tòa án phải xác định người vợ có quyền di dời mồ mả của người chồng để quản lý, chăm sóc.
Tiêu chí lựa chọn án lệ do Tòa án nhân dân tối cao công bố là gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP quy định tiêu chí lựa chọn án lệ bao gồm:
- Có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể;
- Có tính chuẩn mực;
- Có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
Như vậy, những bản án, quyết định đáp ứng các tiêu chí trên có thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử
Quyết định 323/QĐ-CA năm 2022 có hiệu lực kể từ ngày 14/10/2022.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Phải nộp tờ khai hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu trước ngày hàng hóa đến cửa khẩu trong vòng bao nhiêu ngày?
- Chức năng của công tác xã hội là gì? Công tác xã hội có góp phần thúc đẩy công bằng xã hội hay không?
- Khi xảy ra tai nạn trong phạm vi giới hạn trách nhiệm bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có phải bồi thường thiệt hại không?
- Ngân hàng là gì? Ngân hàng có những loại hình nào? Hình thức pháp lý của ngân hàng là gì theo quy định?
- Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trên môi trường điện tử của cơ quan nhà nước được xây dựng bao nhiêu năm?