Có phải đóng bổ sung BHYT đã đóng khi tăng lương cơ sở từ 1/7 đối với BHYT hộ gia đình hay không?
Có phải đóng bổ sung BHYT đã đóng khi tăng lương cơ sở từ 1/7 đối với BHYT hộ gia đình hay không?
Mới đây, ngày 14/5/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 24/2023/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Theo đó, từ ngày 01/7/2023, áp dụng mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng cho 9 nhóm đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và NLĐ.
Căn cứ Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật bảo hiểm y tế.
Tại Điều 10 Nghị định 146/2018/NĐ-CP có quy định về việc xác định số tiền đóng, hỗ trợ đối với một số đối tượng khi nhà nước điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế, điều chỉnh mức lương cơ sở như sau:
Xác định số tiền đóng, hỗ trợ đối với một số đối tượng khi nhà nước điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế, điều chỉnh mức lương cơ sở
1. Đối với nhóm đối tượng quy định tại Điều 4 Nghị định này mà được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế:
a) Số tiền ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng hằng tháng được xác định theo mức đóng bảo hiểm y tế nhân (x) với mức lương cơ sở. Khi nhà nước điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế, điều chỉnh mức lương cơ sở, số tiền ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng được điều chỉnh kể từ ngày áp dụng mức đóng bảo hiểm y tế mới, mức lương cơ sở mới;
b) Số tiền đóng bảo hiểm y tế đối với trẻ em dưới 6 tuổi được tính từ ngày sinh đến ngày trẻ đủ 72 tháng tuổi. Trường hợp trẻ em là người Việt Nam sinh ra ở nước ngoài, số tiền đóng bảo hiểm y tế được tính từ ngày trẻ về cư trú tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
2. Đối với nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng bảo hiểm y tế quy định tại các khoản 3 và 4 Điều 4 Nghị định này:
a) Số tiền đóng của người tham gia và hỗ trợ của ngân sách nhà nước hằng tháng được xác định theo mức đóng bảo hiểm y tế nhân (x) với mức lương cơ sở tại thời điểm người tham gia đóng bảo hiểm y tế;
b) Khi Nhà nước điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế, điều chỉnh mức lương cơ sở, người tham gia và ngân sách nhà nước không phải đóng bổ sung hoặc không được hoàn trả phần chênh lệch do điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế, mức lương cơ sở đối với thời gian còn lại mà người tham gia đã đóng bảo hiểm y tế.
3. Đối với nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình quy định tại Điều 5 Nghị định này:
a) Số tiền đóng của người tham gia hằng tháng được xác định theo mức đóng bảo hiểm y tế nhân (x) với mức lương cơ sở tại thời điểm đóng bảo hiểm y tế;
b) Khi Nhà nước điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế, điều chỉnh mức lương cơ sở, người tham gia không phải đóng bổ sung hoặc không được hoàn trả phần chênh lệch do điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế, mức lương cơ sở đối với thời gian còn lại mà người tham gia đã đóng bảo hiểm y tế.
4. Đối tượng tham gia vào các ngày trong tháng thì số tiền đóng bảo hiểm y tế được xác định theo tháng kể từ ngày đóng bảo hiểm y tế.
Như vậy, theo quy định trên, trong trường hợp người tham gia BHYT hộ gia đình đã đóng BHYT thì không cần phải đóng bổ sung đối với phần tăng khi tăng lương cơ sở.
Có phải đóng bổ sung BHYT đã đóng khi tăng lương cơ sở từ 1/7 đối với BHYT hộ gia đình hay không?
Công thức xác định số tiền đóng BHXH hộ gia đình khi tăng lương cơ sở ra sao?
Căn cứ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 10 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, số tiền đóng của người tham gia BHYT hộ gia đình hằng tháng được xác định như sau:
Số tiền đóng BHXH = Mức đóng BHYT x Mức lương cơ sở tại thời điểm đóng BHYT
*Đơn vị: Đồng/tháng
Mức đóng BHYT hộ gia đình hàng tháng tăng bao nhiêu khi tăng lương cơ sở?
Căn cứ điểm e khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP như sau:
Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế
1. Mức đóng bảo hiểm y tế hằng tháng của các đối tượng được quy định như sau:
...
e) Mức đóng bảo hiểm y tế của đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định này như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Theo đó, khi tăng lương cơ sở, mức đóng BHYT hộ gia đình hàng tháng tăng như sau:
Đối tượng | Mức đóng | Số tiền đóng BHYT (đồng/tháng) |
Người thứ nhất | 4,5% mức lương cơ sở | 81.000 |
Người thứ hai | 70% mức đóng của người thứ nhất (3,15% mức lương cơ sở) | 56.700 |
Người thứ ba | 60% mức đóng của người thứ nhất (2,7% mức lương cơ sở) | 48.600 |
Người thứ tư | 50% mức đóng của người thứ nhất (2,25% mức lương cơ sở) | 40.500 |
Người thứ năm trở đi | 40% mức đóng của người thứ nhất (1,8% mức lương cơ sở) | 32.400 |
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Những thông tin về an toàn lao động có bắt buộc phải được công khai rộng rãi đến công chúng không?
- Lời dẫn chương trình kiểm điểm Đảng viên cuối năm 2024 ngắn gọn? Bản kiểm điểm Đảng viên năm 2024 mẫu 2A, mẫu 2B?
- Tặng cho nhà ở có bắt buộc phải lập thành văn bản không? Nhận tặng cho nhà ở có bắt buộc phải đi đăng ký quyền sở hữu không?
- Mẫu hợp đồng xây dựng nhà xưởng là mẫu nào? Có được áp dụng hợp đồng trọn gói đối với hợp đồng xây dựng nhà xưởng không?
- Người lao động có được xin tạm ứng tiền lương không? Mẫu đơn đề nghị tạm ứng tiền lương dành cho người lao động hiện nay?