Chứng chỉ PTE là gì? Bảng quy đổi điểm PTE sang khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc từ 30/8/2024 thế nào?
Chứng chỉ PTE là gì?
PTE được viết tắt từ Pearson's Test of English - là bài thi tiếng Anh trên máy tính, dùng để đánh giá 4 kỹ năng trong tiếng Anh: Nghe, Nói, Đọc, Viết của du học sinh hoặc những người có ý định định cư tại nước ngoài. Hiện tại, PTE bao gồm 3 kiểu bài thi:
PTE Young Learners (dành cho trẻ em tiểu học)
PTE General (PTE tổng hợp: dành cho học sinh trung học)
PTE Academic (PTE học thuật)
Trong đó, PTE Academic là kiểu bài thi phổ biến nhất đối với những ai có mục đích du học, định cư tại các quốc gia sử dụng ngôn ngữ chính là tiếng Anh như Mỹ, Úc, Canada, Singapore,...
Thông tin mang tính chất tham khảo
Chứng chỉ PTE là gì? Bảng quy đổi điểm PTE sang khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc từ 30/8/2024 thế nào? (Hình từ Internet)
Bảng quy đổi điểm PTE sang khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc từ 30/8/2024 thế nào?
Ngày 30/8/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định 2383/QĐ-BGDĐT năm 2024 công nhận các cấp độ của chứng chỉ tiếng Anh Pearson Test of English Academic (PTE Academic) tương đương với các bậc của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam để sử dụng trong tuyển sinh, đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.
Mức độ tương đương cụ thể như sau:
Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc | Điểm PTE Academic |
Bậc 1 | 10 - 29 |
Bậc 2 | 30 - 42 |
Bậc 3 | 43 - 58 |
Bậc 4 | 59 - 75 |
Bậc 5 | 76 - 84 |
Bậc 6 | 85 - 90 |
Mục đích Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam là gì?
Căn cứ theo Mục I Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT nêu rõ mục đích Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam như sau:
- Làm căn cứ thống nhất về yêu cầu năng lực cho tất cả ngoại ngữ được giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân.
- Làm căn cứ xây dựng chương trình, biên soạn hoặc lựa chọn giáo trình, sách giáo khoa, kế hoạch giảng dạy, các tài liệu dạy học ngoại ngữ khác và xây dựng tiêu chí trong kiểm tra, thi và đánh giá ở từng cấp học, trình độ đào tạo, bảo đảm sự liên thông trong đào tạo ngoại ngữ giữa các cấp học và trình độ đào tạo.
- Làm căn cứ cho giáo viên, giảng viên lựa chọn và triển khai nội dung, cách thức giảng dạy, kiểm tra, đánh giá để người học đạt được yêu cầu của chương trình đào tạo.
- Giúp người học hiểu được nội dung, yêu cầu đối với từng trình độ năng lực ngoại ngữ và tự đánh giá năng lực của mình.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác, trao đổi giáo dục, công nhận văn bằng, chứng chỉ với các quốc gia ứng dụng Khung tham chiếu chung Châu Âu (CEFR).
Mô tả tổng quát Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam chi tiết ra sao?
Căn cứ theo tiểu mục 1 Mục IV Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT mô tả tổng quát Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam như sau:
- Sơ cấp
+ Bậc 1: Có thể hiểu, sử dụng các cấu trúc quen thuộc thường nhật; các từ ngữ cơ bản đáp ứng nhu cầu giao tiếp cụ thể. Có thể tự giới thiệu bản thân và người khác; có thể trả lời những thông tin về bản thân như nơi sinh sống, người thân/bạn bè v.v… Có thể giao tiếp đơn giản nếu người đối thoại nói chậm, rõ ràng và sẵn sàng hợp tác giúp đỡ.
+ Bậc 2: Có thể hiểu được các câu và cấu trúc được sử dụng thường xuyên liên quan đến nhu cầu giao tiếp cơ bản (như các thông tin về gia đình, bản thân, đi mua hàng, hỏi đường, việc làm). Có thể trao đổi thông tin về những chủ đề đơn giản, quen thuộc hằng ngày. Có thể mô tả đơn giản về bản thân, môi trường xung quanh và những vấn đề thuộc nhu cầu thiết yếu.
- Trung cấp
+ Bậc 3: Có thể hiểu được các ý chính của một đoạn văn hay bài phát biểu chuẩn mực, rõ ràng về các chủ đề quen thuộc trong công việc, trường học, giải trí, v.v... Có thể xử lý hầu hết các tình huống xảy ra khi đến khu vực có sử dụng ngôn ngữ đó. Có thể viết đoạn văn đơn giản liên quan đến các chủ đề quen thuộc hoặc cá nhân quan tâm. Có thể mô tả được những kinh nghiệm, sự kiện, giấc mơ, hy vọng, hoài bão và có thể trình bày ngắn gọn các lý do, giải thích ý kiến và kế hoạch của mình.
+ Bậc 4: Có thể hiểu ý chính của một văn bản phức tạp về các chủ đề cụ thể và trừu tượng, kể cả những trao đổi kỹ thuật thuộc lĩnh vực chuyên môn của bản thân. Có thể giao tiếp ở mức độ trôi chảy, tự nhiên với người bản ngữ. Có thể viết được các văn bản rõ ràng, chi tiết với nhiều chủ đề khác nhau và có thể giải thích quan điểm của mình về một vấn đề, nêu ra được những ưu điểm, nhược điểm của các phương án lựa chọn khác nhau.
- Cao cấp
+ Bậc 5: Có thể hiểu và nhận biết được hàm ý của các văn bản dài với phạm vi rộng. Có thể diễn đạt trôi chảy, tức thì, không gặp khó khăn trong việc tìm từ ngữ diễn đạt. Có thể sử dụng ngôn ngữ linh hoạt và hiệu quả phục vụ các mục đích xã hội, học thuật và chuyên môn. Có thể viết rõ ràng, chặt chẽ, chi tiết về các chủ đề phức tạp, thể hiện được khả năng tổ chức văn bản, sử dụng tốt từ ngữ nối câu và các công cụ liên kết.
+ Bậc 6: Có thể hiểu một cách dễ dàng hầu hết văn nói và viết. Có thể tóm tắt các nguồn thông tin nói hoặc viết, sắp xếp lại thông tin và trình bày lại một cách logic. Có thể diễn đạt tức thì, rất trôi chảy và chính xác, phân biệt được các ý nghĩa tinh tế khác nhau trong các tình huống phức tạp.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) nêu quan điểm chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thế nào?
- Mẫu bảng thanh toán tiền thưởng theo Thông tư 200 và Thông tư 133 mới nhất? Hướng dẫn ghi bảng thanh toán tiền thưởng?
- Thuế quan là gì? Quyết định và công bố lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu được quy định thế nào?
- Mẫu bản tự nhận xét đánh giá của cán bộ công chức mới nhất? Mục đích của việc đánh giá cán bộ công chức là gì?
- Quỹ Hỗ trợ nông dân là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách? Chế độ báo cáo của Quỹ Hỗ trợ nông dân được quy định như thế nào?