Chu kỳ kiểm định của xe ô tô có mục đích kinh doanh vận tải hiện nay được quy định như thế nào?
Thế nào là kinh doanh vận tải bằng xe ô tô? Quy định về bảo đảm an toàn giao thông đối với đơn vị kinh doanh vận tải như thế nào?
Khái niệm kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được định nghĩa tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.
Theo đó, Đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe khách, bến xe hàng phải xây dựng và thực hiện quy trình bảo đảm an toàn giao thông. Quy trình bảo đảm an toàn giao thông phải thể hiện rõ các nội dung được quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 10/2020/NĐ-CP.
Đồng thời, khoản 3 Điều 11 Nghị định 10/2020/NĐ-CP được bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 47/2022/NĐ-CP có quy định như sau:
Quy định về công tác bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
...
3. Đơn vị kinh doanh vận tải
a) Sử dụng xe ô tô tham gia kinh doanh vận tải phải đáp ứng các điều kiện tham gia giao thông theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 53, khoản 2, khoản 3 và khoản 5 Điều 55 của Luật giao thông đường bộ; phải có dây an toàn tại các vị trí ghế ngồi, giường nằm (trừ xe buýt nội tỉnh) và có hướng dẫn cho hành khách về an toàn giao thông và thoát hiểm khi xảy ra sự cố trên xe;
b) Không sử dụng xe ô tô khách có giường nằm hai tầng để hoạt động trên các tuyến đường cấp V và cấp VI miền núi;
c) Sử dụng lái xe kinh doanh vận tải phải có ít nhất 02 năm kinh nghiệm điều khiển xe khách có trọng tải thiết kế từ 30 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên để điều khiển xe khách có giường nằm hai tầng;
d) Lập, cập nhật đầy đủ các nội dung quy định về quá trình hoạt động của phương tiện và lái xe thuộc đơn vị vào lý lịch phương tiện, lý lịch hành nghề lái xe. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2022 việc cập nhật được thực hiện qua phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của Bộ Giao thông vận tải.
đ) Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có) khi nhận hàng hóa ký gửi xe ô tô (người gửi hàng hóa không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi hàng hóa cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về: Tên hàng hóa, cân nặng (nếu có), họ và tên, địa chỉ, số chứng minh thư nhân dân/số thẻ căn cước công dân, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận.
Như vậy, công tác bảo đảm an toàn giao thông đối với đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được thực hiện theo các nội dung nêu trên.
Chu kỳ kiểm định của xe ô tô có mục đích kinh doanh vận tải hiện nay được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Chu kỳ kiểm định của xe ô tô có mục đích kinh doanh vận tải hiện nay được quy định như thế nào?
Căn cứ Thông tư 16/2021/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.
Theo đó, tại Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư 16/2021/TT-BGTVT có quy định về chu kỳ kiểm định của xe ô tô chở người các loại đến 09 chỗ có kinh doanh vận tải như sau:
- Đối với xe sản xuất đến 05 năm:
+ Chu kỳ kiểm định đầu: 24 tháng (02 năm);
+ Chu kỳ kiểm định định kỳ: 12 tháng (01 năm);
- Đối với xe sản xuất trên 05 năm: Chu kỳ kiểm định định kỳ: 06 tháng;
- Đối với xe có cải tạo:
+ Chu kỳ kiểm định đầu: 12 tháng (01 năm);
+ Chu kỳ kiểm định định kỳ: 06 tháng.
Như vậy, chu kỳ kiểm định của xe ô tô khi chuyển mục đích sang kinh doanh vận tải được xác định theo như nội dung nêu trên.
Cần lưu ý những gì khi xác định chu kỳ kiểm định của xe cơ giới?
Căn cứ vào nội dung tại mục 1 Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư 16/2021/TT-BGTVT, khi xác định chu kỳ kiểm định của xe cơ giới cần lưu ý một số quy định sau:
- Chu kỳ đầu chỉ áp dụng đối với xe cơ giới chưa qua sử dụng kiểm định lần đầu trong thời gian 02 năm, tính từ năm sản xuất.
- Xe cơ giới có cải tạo là xe cơ giới thực hiện cải tạo chuyển đổi công năng hoặc thay đổi một trong các hệ thống: lái, phanh (trừ trường hợp lắp thêm bàn đạp phanh phụ).
- Xe cơ giới kiểm định cấp Giấy chứng nhận kiểm định có thời hạn 15 ngày không được tính là chu kỳ đầu.
- Xe cơ giới kiểm định lần thứ 2 (ngay sau khi được kiểm định và cấp chu kỳ đầu) có thời hạn kiểm định tính theo chu kỳ định kỳ nhỏ hơn thời hạn kiểm định của chu kỳ đầu thì thời hạn kiểm định cấp lần thứ 2 được cấp bằng với thời hạn kiểm định của chu kỳ đầu tương ứng với “Loại phương tiện” trong Bảng chu kỳ kiểm định nhưng tính từ ngày kiểm định cấp chu kỳ đầu.
Ví dụ: xe ô tô đến 09 chỗ không kinh doanh vận tải kiểm định và cấp chu kỳ đầu ngày 12/06/2020 được cấp Giấy chứng nhận kiểm định với chu kỳ là 30 tháng, hạn kiểm định đến ngày 11/12/2022; đến ngày 17/06/2020 xe đến kiểm định lại để cấp Giấy chứng nhận kiểm định tương ứng với xe kinh doanh vận tải thì thời hạn kiểm định được cấp như sau:
Chu kỳ kiểm định lần đầu của xe đến 09 chỗ có kinh doanh vận tải là 24 tháng được tính từ ngày kiểm định và cấp chu kỳ đầu là ngày 12/06/2020, do đó thời hạn kiểm định được cấp cho xe là:11/06/2022.
- Thời gian sản xuất của xe cơ giới làm căn cứ để cấp chu kỳ kiểm định quy định được tính theo năm (như cách tính niên hạn sử dụng của xe cơ giới).
Ví dụ: xe cơ giới được sản xuất từ 01/01/2018 thì:
- Đến hết 31/12/2020 được tính là đã sản xuất đến (trong thời gian) 2 năm (2020 - 2018 = 02 năm).
- Từ 01/01/2021 được tính là đã sản xuất trên 2 năm (2021 - 2018 = 03 năm).
Tải Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư 16/2021/TT-BGTVT: Tại đây.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hồ sơ, thủ tục xét công nhận đảng viên dự bị thành đảng viên chính thức? Đảng viên dự bị có được biểu quyết không?
- Giá hợp đồng trọn gói là gì? Giá hợp đồng trọn gói được áp dụng cho các gói thầu xây dựng nào?
- Mẫu sổ tiếp nhận lưu trú mới nhất là mẫu nào? Sổ tiếp nhận lưu trú được sử dụng trong trường hợp nào?
- Tạm ngừng xuất khẩu là biện pháp áp dụng đối với hàng hóa từ đâu đến đâu theo quy định pháp luật?
- Người dân có được soát người, khám xét người khác khi nghi bị lấy cắp đồ không? Có bị truy cứu TNHS?