Chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng có bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có sự cố xảy ra không?
- Ai sẽ chịu trách nhiệm cho việc không bảo đảm an toàn trong quá trình thi công xây dựng?
- Trường hợp không lắp đặt biển báo công trình sẽ bị phạt vi phạm hành chính như thế nào?
- Chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng có bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có sự cố xảy ra do vi phạm quy định về việc lắp đặt biển báo công trường không?
Ai sẽ chịu trách nhiệm cho việc không bảo đảm an toàn trong quá trình thi công xây dựng?
Căn cứ tại khoản 4 Điều 4 Luật Xây dựng 2014 (được bổ sung bởi điểm a, điểm b, điểm c khoản 2 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020) về nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng, trong đó:
Nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng
...
4. Bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn công trình, tính mạng, sức khỏe con người và tài sản
Căn cứ tại Điều 115 Luật xây dựng 2014 (được sửa đổi bởi khoản 43 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020) như sau:
An toàn trong thi công xây dựng công trình
1. Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho con người, công trình xây dựng, tài sản, thiết bị, phương tiện trong quá trình thi công xây dựng công trình, phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường.
2. Chủ đầu tư phải tổ chức giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn của nhà thầu thi công xây dựng; tạm dừng hoặc đình chỉ thi công khi phát hiện dấu hiệu vi phạm quy định về an toàn, có sự cố gây mất an toàn công trình; phối hợp với các nhà thầu xử lý, khắc phục khi xảy ra sự cố hoặc tai nạn lao động; thông báo kịp thời với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi xảy ra sự cố công trình, tai nạn lao động gây chết người.
3. Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm xác định vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng công trình; tổ chức lập, trình chủ đầu tư chấp thuận biện pháp bảo đảm an toàn cho con người, công trình xây dựng, tài sản, thiết bị, phương tiện trong vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng công trình; rà soát biện pháp bảo đảm an toàn định kỳ, đột xuất để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế thi công trên công trường.
4. Trường hợp vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng công trình có ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng, chủ đầu tư có trách nhiệm báo cáo cơ quan chuyên môn về xây dựng biện pháp bảo đảm an toàn đã được chấp thuận để kiểm tra trong quá trình thi công xây dựng.
5. Máy, thiết bị, vật tư phục vụ thi công xây dựng có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn phải được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng.
6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Theo các quy định trên thì nhà thầu thi công là đơn vị trực tiếp thực hiện xây dựng trên công trường có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho con người cũng như công trình xây dựng, tài sản, thiết bị, phương tiện trong quá trình thi công xây dựng công trình, phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường.
Về trách nhiệm của chủ đầu tư, chủ đầu tư phải tổ chức giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn của nhà thầu thi công xây dựng quản lý an toàn - tổ chức kiểm tra, giám sát các công tác đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng trên công trường.
Như vậy, chủ thể nào có trách nhiệm thi công, quản lý công trường có thể phải chịu trách nhiệm về hậu quả xảy ra trong quá trình thi công xây dựng công trình.
Chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng có bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có sự cố xảy ra không? (Hình từ Internet)
Trường hợp không lắp đặt biển báo công trình sẽ bị phạt vi phạm hành chính như thế nào?
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 16/2022/NĐ-CP về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không lắp đặt biển báo công trình như sau:
Vi phạm quy định về thi công xây dựng công trình
...
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không lắp đặt biển báo công trình tại công trường xây dựng hoặc biển báo không đầy đủ nội dung theo quy định.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không tổ chức giám sát thi công xây dựng công trình theo quy định trong trường hợp công trình đang thi công;
b) Không tổ chức lập hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng.
...
8. Biện pháp khắc phục hậu quả:
...
c) Buộc lắp đặt biển báo đầy đủ nội dung tại công trường xây dựng theo quy định với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này;
...
Như vậy, đối với hành vi không lắp đặt biển báo công trình tại công trường xây dựng hoặc biển báo không đầy đủ nội dung theo quy định có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Bên cạnh đó còn phải buộc đặt biên báo đầy đủ nội dung tại công trình xây dựng theo quy định.
Lưu ý, mức phạt tiền nêu trên chỉ áp dụng đối với tổ chức, trường hợp cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 so với tổ chức.
Chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng có bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có sự cố xảy ra do vi phạm quy định về việc lắp đặt biển báo công trường không?
- Trong trường hợp có sự cố xảy ra do có hành vi vi phạm về việc lắp đặt biển báo tại công trường dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì chủ thể chịu trách nhiệm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng căn cứ theo quy định tại Điều 298 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 100 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) như sau:
Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình hoặc lĩnh vực khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 224 và Điều 281 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, tuỳ theo mức độ nghiêm trọng của sự việc và các yếu tố cấu thành tội phạm mà chủ thể chịu trách nhiệm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các khung hình phạt trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngành quản lý tòa nhà trình độ cao đẳng là ngành gì? Ngành quản lý tòa nhà hệ cao đẳng có nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp không?
- Nhà thầu phải gửi đơn kiến nghị kết quả lựa chọn nhà thầu thông qua bộ phận thường trực đến người có thẩm quyền trong thời hạn bao lâu?
- Quy trình xử lý văn bản hồ sơ công việc trên môi trường điện tử của cơ quan nhà nước được thiết kế như thế nào?
- Hệ thống dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe từ 01/01/2025 thế nào?
- Cá nhân đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng có được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi Nhà nước thu hồi đất?