Các trường hợp không được vượt xe dù không có biển cấm? Từ 1/1/2025 không được vượt xe trong những trường hợp nào?
Các trường hợp không được vượt xe dù không có biển cấm?
Căn cứ quy định Điều 14 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về vượt xe như sau:
Vượt xe
1. Xe xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; trong đô thị và khu đông dân cư từ 22 giờ đến 5 giờ chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn.
2. Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.
3. Khi có xe xin vượt, nếu đủ điều kiện an toàn, người điều khiển phương tiện phía trước phải giảm tốc độ, đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây trở ngại đối với xe xin vượt.
4. Khi vượt, các xe phải vượt về bên trái, trừ các trường hợp sau đây thì được phép vượt bên phải:
a) Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái;
b) Khi xe điện đang chạy giữa đường;
c) Khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được.
5. Không được vượt xe khi có một trong các trường hợp sau đây:
a) Không bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Trên cầu hẹp có một làn xe;
c) Đường vòng, đầu dốc và các vị trí có tầm nhìn hạn chế;
d) Nơi đường giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt;
đ) Khi điều kiện thời tiết hoặc đường không bảo đảm an toàn cho việc vượt;
e) Xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.
Theo đó, các trường hợp không được vượt xe dù không có biển cấm bao gồm:
(1) Không báo hiệu bằng đèn hoặc còi mà vượt xe
(2) Phía trước có chướng ngại vật
(3) Trong đoạn đường định vượt có xe chạy ngược chiều
(4) Xe chạy trước đang có tín hiệu vượt xe khác
(5) Xe phía trước chưa tránh về bên phải
(6) Vượt xe về bên phải, trừ các trường hợp được phép như:
- Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái
- Khi xe điện đang chạy giữa đường
- Khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được
(7) Vượt xe trên cầu hẹp có một làn xe
(8) Vượt xe tại đường vòng, đầu dốc và các vị trí có tầm nhìn hạn chế
(9) Vượt xe tại nơi đường giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt
(10) Vượt xe khi điều kiện thời tiết hoặc đường không bảo đảm an toàn cho việc vượt
(11) Vượt xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ
Các trường hợp không được vượt xe dù không có biển cấm? Từ 1/1/2025 không được vượt xe trong những trường hợp nào? (Hình ảnh Internet)
Từ 1/1/2025 không được vượt xe trong những trường hợp nào?
Căn cứ khoản 6 Điều 14 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định về không được vượt xe trong trường hợp sau đây:
- Khi không bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024;
- Trên cầu hẹp có một làn đường;
- Đường cong có tầm nhìn bị hạn chế;
- Trên đường hai chiều tại khu vực đỉnh dốc có tầm nhìn bị hạn chế;
- Nơi đường giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt;
- Khi điều kiện thời tiết hoặc đường không bảo đảm an toàn cho việc vượt;
- Khi gặp xe ưu tiên;
- Ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường;
- Khi có người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường;
- Trong hầm đường bộ.
Từ 1/1/2025, khi vượt xe và nhường đường cho xe xin vượt cần chú ý những gì?
Căn cứ Điều 14 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định về vượt xe và nhường đường cho xe xin vượt như sau:
(1) Vượt xe là tình huống giao thông trên đường mà mỗi chiều đường xe chạy chỉ có một làn đường dành cho xe cơ giới, xe đi phía sau di chuyển sang bên trái để di chuyển lên trước xe phía trước.
Trên đường có từ hai làn đường dành cho xe cơ giới cùng chiều trở lên được phân biệt bằng vạch kẻ đường, xe đi phía sau di chuyển lên trước xe phía trước thì áp dụng quy tắc sử dụng làn đường quy định tại Điều 13 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024.
(2) Khi vượt các xe phải vượt bên trái; trường hợp khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái hoặc khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái thì được vượt về bên phải.
(3) Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác, đã có tín hiệu rẽ phải và tránh về bên phải.
(4) Khi có xe xin vượt, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phía trước phải quan sát phần đường phía trước, nếu đủ điều kiện an toàn thì phải giảm tốc độ, có tín hiệu rẽ phải để báo hiệu cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phía sau biết được vượt và đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được cản trở đối với xe xin vượt.
Trường hợp có chướng ngại vật hoặc không đủ điều kiện an toàn thì người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phía trước có tín hiệu rẽ trái để báo hiệu cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phía sau biết là chưa được vượt.
(5) Xe xin vượt phải có báo hiệu nhấp nháy bằng đèn chiếu sáng phía trước hoặc còi, trừ loại xe thô sơ không có đèn chiếu sáng và còi, khi vượt xe phải có tín hiệu báo hướng chuyển, tín hiệu báo hướng chuyển được sử dụng, bảo đảm khoảng cách an toàn với xe phía trước và phía sau trong suốt quá trình vượt xe; trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn.
Lưu ý: Khi vượt xe và nhường đường cho xe xin vượt cần chú ý các trường hợp không được vượt xe nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cơ sở kinh doanh tuyển người chịu trách nhiệm về an ninh trật tự cần phải không thuộc những trường hợp nào?
- Xe ô tô chở khách trên 8 chỗ phải lưu trữ dữ liệu về hành trình tối thiểu 1 năm từ 1/1/2025 đúng không?
- Ai có quyền yêu cầu người có thông tin liên quan đến hành vi trốn thuế cung cấp thông tin theo quy định?
- Người có trách nhiệm chăm sóc lại ép buộc trẻ em xem phim 18+ trình diễn khiêu dâm bị phạt mấy năm tù?
- Tên quốc tế của thành phần của hàng hóa trên nhãn hàng hóa được phép ghi bằng ngôn ngữ khác không phải tiếng Việt khi nào?