Bệnh sán dây: Các triệu chứng khi nhiễm bệnh là gì? Sử dụng thuốc điều trị như thế nào?
Khi mắc bệnh sán dây thì sẽ xuất hiện những triệu chứng nào?
Theo mục 2 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 1202/QĐ-BYT năm 2022 của Bộ Y tế có hướng dẫn về các triệu chứng lầm sàng khi mắc bệnh sán dây như sau:
- Triệu chứng lâm sàng
Bệnh thường có triệu chứng không điển hình như:
+ Đau bụng là triệu chứng thường gặp: Đau âm ỉ vùng quanh rốn.
+ Buồn nôn, nôn khan.
+ Rối loạn tiêu hóa: Táo bón hoặc tiêu chảy.
+ Thỉnh thoảng thấy đốt sán bò ra hậu môn hoặc theo phân ra ngoài
- Cận lâm sàng
+ Xét nghiệm phân: Tìm trứng sán dây
+ Xét nghiệm bằng phương pháp soi tươi xác định đốt sán dây: Mẫu bệnh phẩm lấy trong phân hoặc ở hậu môn tự bò ra nghi ngờ đốt sán dây.
+ Xét nghiệm máu:
++ Công thức máu, trong đó bạch cầu ái toan có thể tăng.
++ ELISA phát hiện kháng thể, kháng nguyên sán dây
++ Xét nghiệm sinh học phân tử xác định loài sán dây.
Theo đó, triệu chứng lâm sàng thường thấy khi mắc bệnh sán dây là đau bụng âm ỉ quanh vùng rốn. Kèm theo đó là một số triệu chứng khác như buồn nôn, tiêu chảy hoặc táo bón.
Bệnh sán dây: Các triệu chứng khi nhiễm bệnh là gì? Sử dụng thuốc điều trị như thế nào?
Việc chẩn đoán bệnh sán dây thực hiện như thế nào?
Theo mục 3 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 1202/QĐ-BYT năm 2022 của Bộ Y tế có hướng dẫn về việc chẩn đoán bệnh sán dây như sau:
- Trường hợp nghi ngờ bệnh:
+ Tiền sử: Bệnh nhân có tiền sử ăn thịt bò, thịt lợn chưa nấu chín.
+ Lâm sàng: Có một trong các triệu chứng lâm sàng như trên.
- Trường hợp bệnh xác định:
Là trường hợp bệnh nghi ngờ kèm theo một trong các xét nghiệm sau:
+ Xét nghiệm phân: Tìm thấy trứng sán dây hoặc;
+ Xét nghiệm bằng phương pháp soi tươi xác định đốt sán dây: thấy đốt sán dây.
- Chẩn đoán phân biệt:
+ Rối loạn tiêu hoá do các nguyên nhân khác.
Theo đó, để chẩn đoán bệnh sán dây, chúng ta dựa vào việc người bệnh có ăn thịt bò, lợn chưa nấu chín hay không và kèm theo đó là xác định người bệnh có các dấu hiệu lâm sàng đã nêu ở trên hay không.
Sau khi xác định được những nghi ngờ về tình trạng bệnh, người bệnh tiến hành xét nghiệm phân, xét nghiệm bằng phương pháp soi tươi để xem có phát hiện đốt sán dây hay không.
Việc điều trị bệnh sán dây được thực hiện như thế nào?
Theo tiểu mục 4.1 mục 4 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 1202/QĐ-BYT năm 2022 của Bộ Y tế ban hành nguyên tắc điều trị bệnh sán dây như sau:
“4. ĐIỀU TRỊ
4.1. Nguyên tắc điều trị
Dùng thuốc đặc hiệu tiêu diệt hoặc làm tê liệt sán dây và điều trị triệu chứng kèm theo.”
Về phương pháp điều trị bệnh sán dây thì được chia làm 2 phương pháp được quy định tại mục 4 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 1202/QĐ-BYT năm 2022 của Bộ Y tế.
Phương pháp thứ nhất là điều trị đặc hiệu được quy định tại tiểu mục 4.2 mục 4 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 1202/QĐ-BYT năm 2022 của Bộ Y tế như sau:
“4. ĐIỀU TRỊ
4.2. Điều trị đặc hiệu: Sử dụng các thuốc theo thứ tự ưu tiên sau
4.2.1. Praziquantel
- Liều dùng: Liều duy nhất 10 -15 mg/kg, uống xa bữa ăn.
- Tác dụng không mong muốn: Chóng mặt, nhức đầu, ngủ gà, buồn nôn, khó chịu hạ vị, mẩn ngứa và có thể sốt, các triệu chứng ở mức độ nhẹ, nhanh hết, và thường không phải can thiệp gì.
- Chống chỉ định: + Phụ nữ có thai 3 tháng đầu.
+ Đang nhiễm trùng cấp tính hoặc suy gan, suy thận hoặc rối loạn tâm thần. + Dị ứng với praziquantel.
- Chú ý khi uống thuốc
+ Phụ nữ đang cho con bú: Không cho con bú trong vòng 72 giờ sau khi uống thuốc.
+ Thận trọng với trẻ nhỏ suy dinh dưỡng, người già yếu, người rối loạn tiền đình...
+ Kiêng rượu, bia và các chất kích thích.
+ Nghỉ ngơi tại chỗ, không tự đi xe, đi xa, không lao động ít nhất 24 giờ. 4.2.2. Niclosamide
- Liều dùng: Liều duy nhất, sau khi ăn. + Trẻ em dưới 2 tuổi: 500 mg/liều. + Trẻ em từ 2-6 tuổi: 1000 mg/liều. + Trẻ em trên 6 tuổi và người lớn: 2000 mg/liều.
- Sau 2 giờ uống thuốc trên, uống Magie sulphat 30mg/kg kèm theo uống nhiều nước (1,5-2 lít).
- Tác dụng không mong muốn của thuốc:
+ Thường gặp: Buồn nôn, nôn, đau bụng.
+ Hiếm gặp: Ban đỏ da, ngứa, ngoại ban.
- Chống chỉ định:
+ Phụ nữ có thai 3 tháng đầu.
+ Đang nhiễm trùng cấp tính hoặc suy gan, suy thận hoặc rối loạn tâm thần.
+ Dị ứng với niclosamide.
* Lưu ý:
+ Phụ nữ nuôi con nhỏ không cho con bú trong vòng 72 giờ dùng thuốc.
+ Thận trọng với phụ nữ thời kỳ mang thai”
Phương pháp điều trị triệu chứng được quy định tại tiểu mục 4.3 mục 4 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 1202/QĐ-BYT năm 2022 của Bộ Y tế như sau:
“4. ĐIỀU TRỊ
4.3. Điều trị triệu chứng
Tùy theo biểu hiện triệu chứng lâm sàng để chỉ định các thuốc điều trị phù hợp.
- Đau bụng: Chống co thắt cơ trơn
- Chống táo bón.
- Thuốc hỗ trợ: Men tiêu hóa, vitamin tổng hợp."
Sau khi điều trị thì người bệnh phải đạt tiêu chuẩn gì thì mới được xem là khỏi bệnh?
Theo mục 5 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 1202/QĐ-BYT năm 2022 của Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn khỏi bệnh sán dây như sau:
“5. TIÊU CHUẨN KHỎI BỆNH
- Sau 1 tháng điều trị: Soi phân không còn trứng sán dây hoặc không còn thấy đốt ra ngoài theo phân hoặc tự bò ra theo đường hậu môn.
- Nếu sau 1 tháng xét nghiệm phân còn trứng hoặc còn đốt sán dây lặp lại điều trị lần 2 với liều như trên.”
Theo đó, để xác định người bệnh có khỏi bệnh hay chưa thì sẽ tiến hành soi phân người bệnh xem có còn trứng sán dây hoặc đốt sán dây hay không sau 01 tháng chữa bệnh. Trường hợp trong phân người bệnh vẫn còn trứng sán dây, đốt sán dây thì tiếp tục điều trị.
Phòng chống bệnh sán dây như thế nào?
Theo mục 6 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 1202/QĐ-BYT năm 2022 của Bộ Y tế hướng dẫn về việc phòng bệnh sán dây như sau:
“6. PHÒNG BỆNH
- Tuyên truyền giáo dục sức khỏe: tuyên truyền cho người dân về tác hại và đường lây truyền của bệnh sán dây và bệnh ấu trùng sán dây lợn để chủ động phòng chống bệnh.
- Vệ sinh phòng bệnh: vệ sinh cá nhân, không ăn thịt bò/lợn tái hoặc chưa nấu chín; thực hiện ăn chín, uống chín, ăn rau sống phải rửa sạch dưới vòi nước.
- Quản lý và xử lý nguồn nhân tươi hợp lý, tránh reo rắc mầm bệnh ra môi trường.
- Phát hiện và tẩy sán trưởng thành sớm nếu bị nhiễm bệnh nhất là nhiễm sán dây lợn Taenia solium để đề phòng bị bệnh ấu trùng sán dây lợn theo cơ chế tự nhiễm.”
Theo đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe trong cộng đồng. Dọn dẹp, vệ sinh môi trường xung quanh và vệ sinh cá nhân thật sạch sẽ. Ăn chín, uống sôi, không ăn thịt lợn, thịt bò chưa nấu chín.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bị mất Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược thì có được cấp lại không? Ai có thẩm quyền cấp lại giấy chứng nhận?
- Tài sản cơ sở của hợp đồng tương lai chỉ số là gì? Quy mô hợp đồng tương lai chỉ số được xác định như thế nào?
- Kết quả của việc đánh giá rủi ro về an toàn trong hoạt động dầu khí được sử dụng vào mục đích gì?
- Tăng hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp của cá nhân lên 15 lần theo quy định mới đúng không?
- Địa điểm làm thủ tục hải quan là địa điểm nào theo quy định Luật Hải quan? Thủ tục hải quan là gì?