16 nội dung cập nhật tại dự thảo Luật Nhà giáo bản được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 như thế nào?
16 nội dung cập nhật tại dự thảo Luật Nhà giáo bản được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 như thế nào?
Ngày 04/11/2024, Bộ GD&ĐT đã có Công văn 7070/BGDĐT-NGCBQLGD cung cấp thông tin về dự thảo Luật Nhà giáo. Cụ thể, tại Công văn 7070/BGDĐT-NGCBQLGD có đính kèm Thông tin tổng quan về việc triển khai biên soạn dự thảo Luật Nhà giáo (sau đây gọi tắt là Thông tin).
Tải về Công văn 7070/BGDĐT-NGCBQLGD
Tải về dự thảo Luật Nhà giáo lần 5 bản được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8
Theo đó, tại tiểu mục 4.3 Thông tin đính kèm Công văn 7070/BGDĐT-NGCBQLGD có đề cập đến 16 nội dung cập nhật tại dự thảo Luật Nhà giáo bản được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 như sau:
[1] Điều chỉnh dung lượng dự thảo Luật Nhà giáo: Dự thảo Luật Nhà giáo bản trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV gồm 09 chương, 50 điều.
[2] Định danh nhà giáo: Dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám, khái niệm nhà giáo đã được điều chỉnh, không còn quy định riêng nữa mà đưa về quy định tại chương IV. Luật Giáo dục. Theo đó, tại dự thảo mới quy định về đối tượng áp dụng của Luật Nhà giáo là nhà giáo được tuyển dụng, làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân.
[3] Bỏ quy định về Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của nhà giáo và quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển nghề nghiệp của nhà giáo
[4] Quyền, nghĩa vụ của nhà giáo, những việc không được làm: Các quy định về quyền, nghĩa vụ của nhà giáo, những việc không được làm được điều chỉnh theo hướng tăng tính bảo vệ đối với nhà giáo. Theo đó, ngoài việc quy định rõ hơn những việc nhà giáo không được làm, dự thảo Luật đề xuất những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo, bao gồm:
- Không thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách của nhà giáo theo quy định;
- Công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo.
- Các việc khác không được làm theo quy định của pháp luật.
Có ý kiến băn khoăn về quy định không được Công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức vì cho rằng nội dung quy định này sẽ vướng các quy định về thông tin phát ngôn cũng như có yêu tổ “bênh vực” cho nhà giáo.
Tuy nhiên, Ban soạn thảo nhận thấy nội dung quy định này là cần thiết để bảo vệ nhà giáo, nhất là trong bối cảnh các mạng xã hội, các phương tiện thông tin truyền thông trực tuyến phát triển mạnh như hiện nay. Nhà giáo nếu có sai phạm thì đã có các chế tài xử lý theo quy định, nhưng đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo có tính chất đặc biệt, nhất là khi nhà giáo trực tiếp đứng lớp, nếu không có phương án bảo vệ nhà giáo thì đối tượng chịu ảnh hưởng không chỉ là giáo mà còn là chính người học.
[5] Quy định về chức danh Nhà giáo: Dự thảo Luật Nhà giáo lần 5 được điều chỉnh, cập nhật các quy định về chức danh nhà giáo theo hướng ngắn gọn hơn, các quy định chi tiết sẽ được hướng dẫn tại các văn bản dưới luật.
[6] Các quy định về chuẩn nghề nghiệp Nhà giáo: Tại dự thảo Luật Nhà giáo lần 2, khái niệm được dùng là “chuẩn nhà giáo", đến dự thảo Luật Nhà giáo lần 5, khái niệm được điều chỉnh thành “chuẩn nghề nghiệp nhà giáo".
Theo đó, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo là hệ thống các tiêu chuẩn theo từng hạng của chức danh nhà giáo, bao gồm:
- Tiêu chuẩn chung về đạo đức nhà giáo;
- Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng;
- Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.
Như vậy, khái niệm về chức danh nhà giáo gắn liền với chuẩn nghề nghiệp nhà giáo. Mỗi hạng chức danh nhà giáo sẽ bao gồm hệ thống các tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể.
Các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục áp sử dụng chuẩn nghề nghiệp nhà giáo trong tuyển dụng, bố trí và đánh giá nhà giáo; xây dựng và thực hiện chính sách phát triển đội ngũ nhà giáo; Các cơ sở giáo dục áp sử dụng chuẩn nghề nghiệp nhà giáo trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch và thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; Nhà giáo sử áp dụng chuẩn nghề nghiệp nhà giáo trong việc tự đánh giá phẩm chất, năng lực; xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện, bồi dưỡng, phát triển nghề nghiệp liên tục.
Việc xác lập các quy định cụ thể và rõ ràng về chuẩn nghề nghiệp nhà giáo chính là làm rõ đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo khác với các viên chức khác, đồng thời là căn cứ pháp lý để thực hiện các chính sách nhà giáo đồng bộ trong hệ thống.
[7] Quy định về tuyển dụng Nhà giáo: Quy định về tuyển dụng nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo lần 5 đặt ra một số yêu cầu nhằm đáp ứng đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo khác với viên chức các ngành, lĩnh vực khác (nhà giáo công lập), khác với người lao động thuần túy (nhà giáo ngoài công lập).
[8] Hợp đồng đối với Nhà giáo: Dự thảo Luật Nhà giáo lần 5, không còn khái niệm “hợp đồng dạy học” mà được sử dụng chung là “hợp đồng đối với nhà giảo". Hợp đồng đối với nhà giáo cũng được điều chỉnh: Hợp đồng đối với nhà giáo bao gồm hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật về viên chức và hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn áp dụng đối với nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập đã hoàn thành chế độ tập sự.
Hợp đồng làm việc xác định thời hạn áp dụng đối với nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập đang trong thời gian tập sự.
Hợp đồng lao động áp dụng đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhà giáo là người nước ngoài, người đáp ứng tiêu chuẩn nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.
[9] Sử dụng Nhà giáo: Dự thảo Luật Nhà giáo lần 5 đề xuất tường minh hơn về các tình huống sử dụng nhà giáo gắn với đặc trưng cấp học và trình độ đào tạo bao gồm: điều động, biệt phái, thuyên chuyển, dạy liên trường, liên cấp. Các quy định nêu trên thực sự là đặc trưng hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo mà các viên chức khác không có.
[10] Đánh giá Nhà giáo: Dự thảo Luật Nhà giáo lần 5 đề xuất, ngoài việc đánh giá định kỳ, nhà giáo còn được đánh giá khi kết thúc tập sự, thay đổi vị trí việc làm, xét khen thưởng, kỷ luật, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng.
[11] Chính sách tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ, thu hút Nhà giáo: Tại dự thảo Luật Nhà giáo lần 5 (bản được trình Quốc hội), các quy định về chính sách tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ nhà giáo được quy định đầy đủ, theo hướng gia tăng các chính sách đãi ngộ đề nhà giáo yên tâm công tác. Cụ thể, tiền lương nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập như sau:
- Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp;
- Phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật;
- Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt, trường chuyên biệt khác; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác;
- Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 01 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập bảo đảm không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập có cùng trình độ đào tạo, cùng chức danh trừ khi có thỏa thuận khác.
Nhà giáo công tác ở các ngành, lĩnh vực có chế độ đặc thù thì được hưởng chế độ đặc thù theo quy định và chỉ được hưởng ở một mức cao nhất nếu chính sách đó trùng với chính sách dành cho nhà giáo.
Một số chính sách hỗ trợ, thu hút đối với nhà giáo đang được thực hiện ổn định theo hướng dẫn tại văn bản dưới luật được đưa vào dự thảo luật nhằm tăng hiệu lực pháp lý và đảm bảo tính ổn định trong chính sách đối với nhà giáo.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung, làm rõ một số chính sách thu hút đối với nhà giáo. Cụ thể:
- Được hưởng phụ cấp và trợ cấp thu hút;
- Bảo đảm chỗ ở tập thể có đủ điều kiện thiết yếu hoặc được thuê nhà ở công vụ khi đến công tác tại vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
- Hỗ trợ trong đào tạo, bồi dưỡng. Các chính sách thu hút nêu trên kỳ vọng sẽ giúp giữ chân nhà giáo giỏi yên tâm với nghề, đặc biệt hỗ trợ nhà giáo đến công tác tại vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà các chính sách hiện hành của nhà nước chưa đáp ứng được.
[12] Bỏ đề xuất quy định miễn học phí cho con nhà giáo
[13] Tuổi nghỉ hưu của nhà giáo được quy định phù hợp với hoạt động nghề nghiệp:
- Nhà giáo mầm non có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
- Nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ và nhà giáo làm việc trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù được hưởng chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn. Chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn được thực hiện khi cơ sở giáo dục có nhu cầu, nhà giáo có đủ sức khỏe, tự nguyện.
Khi thực hiện chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nhà giáo không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và không được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo. Thời gian làm việc khi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn không quá 5 năm đổi với nhà giáo có trình độ tiến sĩ, không quá 7 năm đối với nhà giáo có chức danh phó giáo sư, không quá 10 năm đối với nhà giáo có chức danh giáo sư.
[14] Đào tạo Nhà giáo: Dự thảo 5 Luật Nhà giáo quy định tường minh hơn về việc đào tạo nhà giáo, trong đó quan tâm đến đào tạo nguồn nhà giáo (giáo viên, giảng viên).
[15] Hợp tác quốc tế đối với Nhà giáo: Là việc nhà giáo tham gia học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật, các hoạt động hợp tác quốc tế khác với các cơ sở giáo dục, tổ chức của nước ngoài; nhà giáo người nước ngoài tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật và các hoạt động hợp tác quốc tế khác với các cơ sở giáo dục, tổ chức của Việt Nam.
[16] Giao quyền chủ động cho cơ quan quản lý ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo: Là một trong những đề xuất nhằm tăng cường vai trò chủ trì của các cơ quan quản lý giáo dục trong công tác quản lý nhà nước về nhà giáo, nhằm giúp ngành Giáo dục có sự chủ động trong quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo.
Xem chi tiết tại Công văn 7070/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 04/11/2024.
16 nội dung cập nhật tại dự thảo Luật Nhà giáo bản được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 như thế nào? (Hình từ internet)
Yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục hiện nay là gì?
Căn cứ Điều 7 Luật Giáo dục 2019 có quy định yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục như sau:
- Nội dung giáo dục phải bảo đảm tính cơ bản, toàn diện, thiết thực, hiện đại, có hệ thống và được cập nhật thường xuyên; coi trọng giáo dục tư tưởng, phẩm chất đạo đức và ý thức công dân; kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; phù hợp với sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tâm sinh lý lứa tuổi và khả năng của người học.
- Phương pháp giáo dục phải khoa học, phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của người học; bồi dưỡng cho người học năng lực tự học và hợp tác, khả năng thực hành, lòng say mê học tập và ý chí vươn lên.
Nhà nước đầu tư cho giáo dục như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 17 Luật giáo dục 2019 có quy định về đầu tư cho giáo dục như sau:
- Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. Đầu tư trong lĩnh vực giáo dục là hoạt động đầu tư thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và được ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật.
- Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; ưu tiên đầu tư cho phổ cập giáo dục, phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn có khu công nghiệp.
Nhà nước khuyến khích và bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư cho giáo dục.
- Ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Dự án bất động sản có phải tuân thủ giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải cấp giấy phép xây dựng không?
- Bên mua bảo hiểm có được chuyển giao hợp đồng bảo hiểm tài sản theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm không?
- Mức thu phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp là 5.000.000 đồng đúng không?
- Chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ phục vụ ký phát hành hộ chiếu có gắn chíp điện tử của DS có hiệu lực trong bao lâu?
- Viết đoạn văn thể hiện tình cảm của em đối với người thân chọn lọc? Đặc điểm môn Ngữ Văn trong chương trình GDPT 2018 là gì?