Hiệp thương giá giữa các tổ chức kinh doanh hàng hóa dịch vụ là thỏa thuận về vấn đề gì theo quy định?
- Hiệp thương giá giữa các tổ chức kinh doanh hàng hóa dịch vụ là thỏa thuận về vấn đề gì?
- Hàng hóa dịch vụ hiệp thương giá có thuộc hàng hóa dịch vụ có tính chất độc quyền hay không?
- Khi thực hiện hiệp thương giá, các đối tượng đề nghị hiệp thương giá phải là những ai?
- Việc hiệp thương giá được tổ chức thực hiện như thế nào?
Hiệp thương giá giữa các tổ chức kinh doanh hàng hóa dịch vụ là thỏa thuận về vấn đề gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 13 Điều 4 Luật Giá 2023 quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
...
13. Hiệp thương giá là phương thức thỏa thuận giữa các tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá mua, bán hàng hóa, dịch vụ và có vai trò trung gian của cơ quan nhà nước theo quy định của Luật này.
...
Như vậy, theo quy định trên, hiệp thương giá giữa các tổ chức kinh doanh hàng hóa dịch vụ là thỏa thuận các vấn đề về giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ.
Hiệp thương giá giữa các tổ chức kinh doanh hàng hóa dịch vụ là thỏa thuận về vấn đề gì theo quy định? (Hình từ Internet)
Hàng hóa dịch vụ hiệp thương giá có thuộc hàng hóa dịch vụ có tính chất độc quyền hay không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 25 Luật Giá 2023 quy định như sau:
Tiêu chí hàng hóa, dịch vụ hiệp thương giá
1. Không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; không thuộc các trường hợp phải đấu thầu, đấu giá theo quy định của pháp luật về đấu thầu, đấu giá.
2. Có tính chất độc quyền mua hoặc độc quyền bán mà bên mua, bên bán phụ thuộc nhau, khó thay thế được.
Theo đó, hàng hóa dịch vụ hiệp thương giá phải đáp ứng các tiêu chí như sau:
- Hàng hóa dịch vụ hiệp thương giá không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; không thuộc các trường hợp phải đấu thầu, đấu giá theo quy định của pháp luật về đấu thầu, đấu giá.
- Hàng hóa dịch vụ hiệp thương giá có tính chất độc quyền mua hoặc độc quyền bán mà bên mua, bên bán phụ thuộc nhau, khó thay thế được.
Như vậy, hàng hóa dịch vụ hiệp thương giá thuộc hàng hóa dịch vụ có tính chất độc quyền mua hoặc độc quyền bán mà bên mua, bên bán phụ thuộc nhau, khó thay thế được.
Khi thực hiện hiệp thương giá, các đối tượng đề nghị hiệp thương giá phải là những ai?
Căn cứ theo quy định tại Điều 26 Luật Giá 2023 quy định như sau:
Nguyên tắc, thẩm quyền và trách nhiệm hiệp thương giá
1. Nguyên tắc hiệp thương giá được quy định như sau:
a) Các đối tượng đề nghị hiệp thương giá phải là tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện mua, bán hàng hóa, dịch vụ đáp ứng tiêu chí quy định tại Điều 25 của Luật này;
b) Việc tiếp nhận, tổ chức hiệp thương giá được thực hiện trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ; bên mua và bên bán đều phải có văn bản đề nghị hiệp thương giá;
c) Quá trình hiệp thương giá phải bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, tôn trọng quyền tự định giá của các bên đề nghị hiệp thương giá.
Như vậy, theo quy định trên, khi thực hiện hiệp thương giá, các đối tượng đề nghị hiệp thương giá phải là tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện mua, bán hàng hóa, dịch vụ đáp ứng tiêu chí theo quy định của pháp luật.
Việc hiệp thương giá được tổ chức thực hiện như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 27 Luật Giá 2023, việc hiệp thương giá được tổ chức thực hiện như sau:
(1) Khi nhận được văn bản đề nghị hiệp thương giá của bên mua và bên bán hàng hóa, dịch vụ, cơ quan hiệp thương giá tổ chức rà soát, đánh giá việc đáp ứng tiêu chí của hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Điều 25 Luật Giá 2023.
Trường hợp cần thiết, cơ quan hiệp thương giá có văn bản đề nghị các bên bổ sung thông tin về hàng hóa, dịch vụ.
(2) Cơ quan hiệp thương giá tổ chức hội nghị hiệp thương giá để bên mua và bên bán thương lượng về mức giá trên cơ sở hợp tác, hài hòa lợi ích giữa các bên. Bên mua và bên bán có văn bản cử người đại diện của mình tham gia hội nghị hiệp thương giá.
(3) Tại hội nghị hiệp thương giá, cơ quan hiệp thương giá có vai trò trung gian để bên mua và bên bán thương lượng về mức giá và không được can thiệp vào mức giá mà các bên đã thương lượng.
(4) Tại hội nghị hiệp thương giá, trường hợp bên mua và bên bán thỏa thuận được với nhau về mức giá thì hội nghị hiệp thương giá kết thúc; cơ quan hiệp thương giá lập biên bản để các bên ký ghi nhận kết quả hiệp thương.
Mức giá hiệp thương chỉ được áp dụng cho đúng vụ việc mua, bán và khối lượng hàng hóa, dịch vụ đã được các bên thống nhất tại văn bản đề nghị hiệp thương giá; mức giá hiệp thương không có giá trị để áp dụng cho trường hợp khác. Bên mua và bên bán chịu trách nhiệm về mức giá hiệp thương mà 02 bên đã thoả thuận.
(5) Trong trường hợp bên mua và bên bán không thỏa thuận được mức giá và tiếp tục đề nghị cơ quan hiệp thương giá xác định mức giá để 02 bên thực hiện thì cơ quan hiệp thương giá lập biên bản về các nội dung này. Cơ quan hiệp thương giá tiếp tục tổ chức xác định mức giá để 02 bên thực hiện.
Văn bản xác định mức giá của cơ quan hiệp thương giá chỉ được áp dụng 01 lần cho đúng đối tượng đề nghị hiệp thương, theo đúng vụ việc mua, bán, khối lượng hàng hóa, dịch vụ đã được các bên thống nhất tại văn bản đề nghị và không có giá trị để áp dụng cho các trường hợp khác. Bên mua và bên bán chịu trách nhiệm tuân thủ mức giá do cơ quan hiệp thương giá đã xác định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Chi phí bảo trì công trình xây dựng có bao gồm toàn bộ các nội dung chi phí trong thực hiện bảo trì công trình xây dựng không?
- Tổng cục Thuế giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện các công việc gì theo quy định của pháp luật?
- Đảng viên ngoại tình có bị khai trừ ra khỏi Đảng không? Đảng viên ly hôn có vi phạm pháp luật không?
- Giáo dục đại học là gì? Giáo dục đại học đào tạo trình độ nào theo quy định pháp luật về giáo dục?
- Hiệu trưởng trường đại học cần đáp ứng các tiêu chuẩn nào? Hiệu trưởng trường đại học có phải là người cấp bằng đại học?